Làng chạm bạc Đồng Xâm nhộn nhịp dịp cuối năm

Những ngày cận Tết, không khí làm việc tại làng chạm bạc Đồng Xâm nhộn nhịp tới 11-12 giờ đêm, hàng sản xuất ra đến đâu bán hết đến đó.
Làng chạm bạc Đồng Xâm (xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) vào những ngày cuối năm càng trở nên nhộn nhịp, các xưởng nghề đều rộn vang tiếng đục, tiếng mài.

Cách thành phố Thái Bình chừng 20km về phía Đông, làng Đồng Xâm từ lâu đã nổi tiếng với nghề truyền thống chạm bạc.

Tương truyền rằng cách đây sáu thế kỷ, ông tổ làng nghề là cụ Nguyễn Kim Lâu, vốn là người gốc ở đây, học được nghề kim hoàn từ châu Bảo Lạch nước Đại Minh, rồi đem nghề về truyền lại cho dân làng. Kể từ đó, nghề chạm bạc được lưu giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác và bảo tồn cho đến nay.

Mới đến đầu làng, nhưng sự nhộn nhịp của cảnh mua bán và sản xuất đã khiến phóng viên không khỏi choáng ngợp. Tiếng đục, tiếng chạm khi khoan khi mau, tiếng cưa máy xoèn xoẹt, tiếng máy ép đồng, ép bạc trên khuôn thô, tất cả những âm thanh đó hòa vào nhau, tạo nên không khí khẩn trương của làng nghề trong những ngày cuối năm.

Trên đoạn đường chỉ khoảng 500m đã có tới ba chiếc ôtô tải lớn đang đợi bốc hàng lên xe. Hỏi ra mới biết, để có được một xe hàng khoảng 2-3 tấn thế này, chủ hàng đã phải đặt trước từ 3-4 tháng trước.

Dù đã ở cái tuổi xế chiều, mái tóc đã điểm bạc song bác Phạm Văn Nhiêu (nghệ nhân ưu tú làng nghề Đồng Xâm) vẫn tất bật với công việc kinh doanh, chỉ bảo thợ chạm tỉ mỉ trên từng thao tác.

Bác Nhiêu cho biết từ năm 1982 trở về trước, làng Đồng  Xâm chủ yếu sản xuất đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như cốc, chén, nồi. Phần lớn thị trường khi đó là Liên Xô và các nước Đông Âu.

Hiện nay, các hộ trong làng sản xuất mặt hàng chủ yếu là các đồ thờ của đạo Phật như hoành phi câu đối, cuốn thư câu đối, lư hương và các mặt hàng phục vụ cho đạo Thiên Chúa như hào quang, thánh giá, hộp đựng bánh thánh, chén đựng nước phép... cung cấp hàng cho thị trường nội địa.

Các sản phẩm bằng chữ đồng, tranh chạm trổ thắng cảnh quê hương đất nước, làng quê Việt Nam đều thể hiện sự công phu, tinh xảo.

Bác Nhiêu cho biết thêm những ngày cận Tết, lượng cầu rất lớn, thợ Đồng Xâm làm tới 11-12 giờ đêm. Năm nay giá cả nhiều biến động, đặc biệt là nguyên liệu làm hàng từ đồng, bạc cũng tăng nên giá thành sản phẩm cũng cao hơn khoảng 10 -20%. Song điều đó không ảnh hưởng đến thị trường và sức mua bởi uy tín của sản phẩm đồng, bạc Đồng Xâm vẫn luôn hút khách. Hàng sản xuất ra đến đâu hết đến đó.

Những ngày giáp Tết, các hộ sản xuất phải huy động lực lượng lao động tối đa, ai giàu kinh nghiệm và khéo léo sẽ thực hiện chạm trổ, còn những lao động nông nhàn, chưa lành nghề đảm nhận công việc như phụ máy ép, mài, đánh bóng sản phẩm. Hiện nhiều hộ đã ngừng nhận đơn đặt hàng vì sợ không làm kịp.

Bác Hoàng Thế Nghiêm, 57 tuổi, người đã có kinh nghiệm hơn 30 năm làm nghề chạm bạc, đang miệt mài tỉ mỉ chạm từng đường nét của bức tranh dân gian bằng đồng Tứ quý. Bác cho biết đây là bức tranh nổi tiếng có nhiều chi tiết nhỏ, đã được sản xuất trên nhiều chất liệu khác nhau. Vì vậy muốn bức tranh đẹp và "có thần," người thợ phải tốn nhiều thời gian với những nét chạm tinh tế, khéo léo.

Một bức tranh đồng Tứ quý kích thước 90cm x 140cm có giá khoảng 7-8 triệu đồng. Với mặt hàng lư hương tùy theo kích thước sẽ có giá từ 30.000-50.000 thậm chí đến cả triệu đồng. Tranh chữ đồng khổ 60x60 cm cũng có giá dao động từ 550.000-770.000 đồng.

Những ngày thường trong năm, làng Đồng Xâm sản xuất đa dạng các mặt hàng hơn từ hàng trang sức đến những đồ dùng sinh hoạt, hàng lưu niệm. Nhưng bắt đầu từ tháng Chín, hầu hết các hộ sản xuất ở đây đều chuyển sang làm hàng Tết, chủ yếu là hàng trang trí trong gia đình như tranh đồng, chữ Hán bằng đồng và đặc biệt là đồ thờ là mặt hàng được ưa chuộng nhất trong dịp Tết cổ truyền.

Sản phẩm của Đồng Xâm hiện đã có mặt khắp cả nước từ Bắc chí Nam. Trước đây, từ khâu chạm thô các đường nét, người dân cũng thực hiện bằng phương pháp thủ công, mất rất nhiều thời gian. Nay nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ép đồng, bạc thô bằng máy nên rất nhanh, không mất nhiều chi phí, lại cho ra sản phẩm đẹp, phù hợp với thị hiếu của khách hàng. Tuy nhiên đó không phải yếu tố quyết định thương hiệu làng nghề. Chính sự điêu luyện, tinh xảo của đôi bàn tay người thợ mới tạo ra được “hồn” riêng của sản phẩm Đồng Xâm không giống với bất cứ nơi đâu.

Có lẽ ít ai biết được hầu hết các hạng mục về đồ thờ, tượng Phật Quan Thế Âm, đặc biệt là chiếc trống đồng Đông Sơn đạt kỷ lục Việt Nam đặt tại ngôi chùa Bái Đính (Ninh Bình) - chùa lớn nhất Đông Nam Á, đều được các nghệ nhân tại Đồng Xâm chế tác. Đặc biệt hiện làng vẫn còn đang lưu giữ hai bộ lư hạc do những nghệ nhân ưu tú của làng chạm trổ cách đây hàng trăm năm.

Đánh giá về sự phát triển của làng nghề, bác Nguyễn Văn Ngoan (Chủ tịch Chi hội Mỹ nghệ Đồng Xâm) phấn khởi chia sẻ, nếu nhìn vào mặt bằng chung của các làng nghề huyện Kiến Xương thì làng nghề Đồng Xâm có thu nhập ổn định nhất. Tính riêng xã Hồng Thái là xã gốc của nghề chạm bạc Đồng Xâm với trên 100 hộ sản xuất năm 2011 doanh thu đạt trên 50 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của lao động là 2 triệu đồng/tháng, những tháng giáp Tết, thu nhập có người lên tới 4- 5 triệu đồng/tháng, góp phần không nhỏ vào công tác an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng và khu vực lân cận.

Bác Nhiêu, bác Ngoan là hai nghệ nhân còn lại giữ bí quyết của làng chạm Đồng Xâm. Đã bao mùa Tết qua đi và với kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề, các bác cho biết năm nào cũng vậy, vào dịp Tết các sản phẩm đồ thờ màu đồng cũng luôn được người tiêu dùng ưa thích bởi cái vẻ cổ kính, uy nghiêm của nó mà các bác gọi là "màu của tín ngưỡng."

Những ngày Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đang đến gần, người người nhà nhà nhộn nhịp chuẩn bị, cầu cho một năm sung túc, đủ đầy và may mắn. Và người dân Đồng Xâm cũng vậy, họ đang tất bật, hối hả cho một “vụ mùa” thắng lợi trên vùng đất đã 600 năm tuổi này./.

Lê Sơn (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục