Lãng phí và tắc trách trong mua sắm, quản lý trang thiết bị y tế?

Những năm gần đây, liên tiếp những vụ việc “lùm xùm” về trang thiết bị, máy móc y tế đã được phát hiện gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.
Lãng phí và tắc trách trong mua sắm, quản lý trang thiết bị y tế? ảnh 1Thiết bị y tế phục vụ chẩn đoán điều trị cho bệnh nhân. (Ảnh: TTXVN)

Hiện nay, trang thiết bị y tế phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng nhiều và hiện đại. Vì vậy, những yêu cầu trong công tác quản lý các thiết bị này đòi hỏi sự chặt chẽ và chính xác.

Chỉ một lỗi nhỏ xảy ra có thể dẫn đến những hậu quả mang tính dây chuyền đáng tiếc, thậm chí phải trả bằng tính mạng của nhiều người.

[Giáo sư Nguyễn Gia Bình: Lực lượng bảo trì thiết bị y tế cực kém]

Công tác quản lý trang thiết bị y tế đã làm “nóng” và có thể coi là được tranh luận nảy lửa trong diễn đàn quốc hội trong suốt tháng 6 trong Kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Nhiều ý kiến nhận định cho rằng, với những lắt léo trong cung ứng thuốc và vật tư, trang thiết bị y tế đã tạo những kẽ hở làm ngân sách nhà nước bị thất thoát khá nhiều.

Thừa nhận có sự lãng phí

Những năm gần đây, liên tiếp những vụ việc “lùm xùm” về trang thiết bị, máy móc y tế đã được phát hiện.

Đó là sự việc tại Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức và Thường Tín, nơi máy xét nghiệm sinh hóa tự động có dấu hiệu treo “đầu dê bán thịt chó” vì mang vỏ của Đức, nhưng thực tế ruột máy lại của Trung Quốc.

[Sự cố y khoa ở Hòa Bình: Hóa chất cực độc đưa vào ở khâu nào?]

Vừa qua, kết quả Kiểm toán Nhà nước tại 11 tỉnh, thành phố cho thấy, có nhiều thiết bị được đầu tư mới nhưng chưa đưa vào sử dụng hoặc mới đưa vào sử dụng đã hỏng.

Đặc biệt, kết luận của Kiểm toán Nhà nước trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế tại tỉnh Gia Lai trong giai đoạn từ 2013-2015, đã phát hiện có tình trạng đội giá: mua thiết bị y tế 5,6 tỷ đồng bị kê lên 16,7 tỷ đồng.

Gần đây nhất là sự cố 8 người tử vong khi chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình do công tác bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị y tế thực hiện không đảm bảo, không đúng quy trình.

Từ những vụ việc trên, nhiều câu hỏi về công tác quản lý trang thiết bị y tế hiện nay đã thực sự bám sát các quy trình và hiệu quả hay vẫn còn những khe hở?

Trả lời chất vấn trước Quốc hội về kết luận của Kiểm toán Nhà nước, khi vừa qua có nhiều thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng và nhiều máy đắp chiếu, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận có thực trạng này, nhất là ở tuyến tỉnh do Việt Nam sử dụng máy công suất quá lớn nên nhanh hỏng.

Lãng phí và tắc trách trong mua sắm, quản lý trang thiết bị y tế? ảnh 2Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời chất vấn trước quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Người đứng đầu ngành y tế cho hay: “Một trong những lý do của tình trạng trên là do công suất quá lớn kể cả ở tuyến tỉnh; một số máy đắp chiếu vì đang trong thời gian bảo hành, bảo trì…”

Trước những sự cố y khoa xảy ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Đây là vấn đề đau lòng, không mong muốn của thầy thuốc, bệnh viện và cả bệnh nhân. Vấn đề đáng nói là nếu không thực hiện nghiêm quy định sẽ có khả năng xảy ra tai nạn.”

[Thận trọng với đèn hồng ngoại TNE quảng cáo chữa bách bệnh]

Trao đổi bề lề hành lang quốc hội, đại biểu quốc hội, phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiều cơ sở y tế có tâm lý khi mua bằng tiền ngân sách, họ đấu tranh để có nguồn ngân sách cho y tế. Các bệnh viện đôi khi quá sức mình, bản thân mình chưa có đủ lực lượng nhân viên để sử dụng trang thiết bị y tế mua về, số lượng bệnh nhân cũng chưa có đủ để sử dụng, nhưng vấn đề là nếu năm nay không mua thì mất nguồn ngân sách, sang năm không có nữa. Chính vì như vậy cho nên ở đây diễn ra tình trạng đó. Các bệnh viện vượt quá sức mình, cứ mua để đi tắt đón đầu khi có những sự cố xảy ra thì không sử dụng được. Nếu ta điều phối không khéo sẽ có thời gian máy móc nằm đắp chiếu. Đó là một sự lãng phí.”

Băn khoăn về nhiều sự cố y khoa liên quan đến quá trình vận hành trang thiết bị y tế, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đặt câu hỏi hiện, Bộ Y tế có quy trình chuẩn đoán, điều trị khá cụ thể, khoa học tuy nhiên quy trình về bảo trì, bảo hành chưa chi tiết, chưa được tuân thủ chặt chẽ; năng lực, trách nhiệm của các công ty vật tư, trang thiết bị y tế còn đặt ra nhiều câu hỏi?.

Quản lý phần “gốc” chưa chặt

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 5 năm qua, số lượng đơn hàng xin cấp phép nhập khẩu mặt hàng trang thiết bị y tế không ngừng gia tăng. Năm 2011 có 3.846 đơn hàng xin được cấp phép thì năm 2013 đã tăng lên là 4.025 và năm 2015 là 5.099 đơn hàng.

Lãng phí và tắc trách trong mua sắm, quản lý trang thiết bị y tế? ảnh 3Số lượng các đơn hàng về thiết bị y tế xin cấp phép nhập khẩu trong 5 năm gần đây nhất. (Nguồn: Bộ Y tế)

Trong số những đơn hàng về trang thiết bị y tế xin cấp phép năm 2015, có bốn nhóm thiết bị chính chiếm tỷ lệ cao gồm: vật liệu can thiệp và cấy ghép (26%), thiết bị chẩn đoán hình ảnh (chiếm 20,7%), thiết bị cận lâm sàng (16%), thiết bị hồi sức cấp cứu (10%).

Trước câu hỏi cho tới thời điểm hiện nay, Bộ Y tế đã cấp phép cho tổng số bao nhiêu trang thiết bị y tế và chất lượng (tuổi thọ) của những thiết bị trên hiện ra sao? đại diện Vụ trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cho hay, đây là một câu hỏi khó và vẫn chưa có câu trả lời vì hiện nay tại Việt Nam và nhiều nước đang phát triển thì chưa triển khai được công việc này, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào những lĩnh vực khác.

Lãng phí và tắc trách trong mua sắm, quản lý trang thiết bị y tế? ảnh 4Tổng hợp về tỷ lệ các mặt hàng thiết bị y tế cấp phép nhập khẩu trong năm 2015. (Nguồn: Bộ Y tế)

Đặc biệt, kết quả của Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán về chuyên đề công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế năm 2015 đã phát hiện ra nhiều sự lãng phí trong việc mua sắm thiết bị khám chữa bệnh tại rất nhiều bệnh viện và Sở Y tế trên toàn quốc.

Cụ thể, Bộ Y tế chưa phân nhóm vật tư, hóa chất theo chủng loại, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với loại dịch vụ y tế; chưa xây dựng bộ dữ liệu giá trúng thầu của các mặt hàng hóa chất, vật tư tiêu hao trong cả nước để cung cấp cho các cơ sở y tế căn cứ xây dựng giá kế hoạch.

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho hay, về việc quản lý phân nhóm, đây là vấn đề vật tư tiêu hao gồm lĩnh vực rất lớn, nhiều chủng loại khác nhau và số lượng rất lớn. Lĩnh vực này hiện nay ở Bộ Y tế giao cho các đơn vị theo dõi cùng và đang triển khai. Công việc này liên quan nhiều tới chính sách sử dụng, bảo hiểm y tế, phân loại và công nghệ thông tin chia nhóm.

Đang hoàn thiện quy định

Nhấn mạnh về những giải pháp nhằm siết chặt công tác quản lý trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng cho hay, Bộ Y tế đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội Nghị định 36 về quản lý trang thiết bị, quy trình mua sắm trang thiết bị tương đối chặt chẽ. Quản lý được phân cấp phân quyền cho các đơn vị sự nghiệp, và các Sở y tế và các đơn vị này thực hiện quy trình này theo Luật Đấu thầu, và nghị định về đấu thầu, nhưng thời gian tới, Bộ sẽ trình Quốc hội luật về quản lý trang thiết bị y tế.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có các Đề án như thành lập Hội đồng An toàn bệnh nhân tại Cục Quản lý khám chữa bệnh và tại các bệnh viện và ban hành các quy trình khám chữa bệnh, vận hành trang thiết bị y tế chặt chẽ.

Khi Bộ trưởng Bộ Y tế đăng đàn trả lời chất vấn trước các đại biểu quốc hội về thực trạng, giải pháp của công tác quản lý trang thiết bị y tế, có nhiều ý kiến cho rằng người đứng đầu ngành y tế trả lời vẫn còn “né tránh” chưa đến tận cùng của vấn đề.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) cho thấy, trong trả lời về việc thiết bị y tế nhanh hư hỏng, đắp chiếu, bộ trưởng chưa nêu nguyên nhân, chưa nêu được giải pháp. Đồng thời bà Hương cũng hỏi có hay không việc thiết bị từ trên cấp xuống không đạt tiêu chuẩn, không đúng nhu cầu của cơ sở. Bản thân cơ sở cũng không đủ năng lực, nguồn lực để vận hành, dẫn đến thiết bị phải đắp chiếu.

Trong công tác phục vụ khám chữa bệnh và điều trị bệnh, các vị đại biểu dân cử với mong muốn Quốc hội và Chính phủ sẽ sớm có được những biện pháp giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc liên quan tới vấn đề trang thiết bị y tế để hạn chế những tiêu cực và ngăn chặn những sai sót không đáng có ảnh hưởng tới công tác chăm sóc sức khỏe của toàn dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự lãng phí trong việc đầu tư, mua sắm, sử dụng máy móc trang thiết bị y tế có cả những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Bởi với đặc thù của ngành y, việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao rất quan trọng, vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Do đó, việc đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại với nguồn kinh phí lớn là cần thiết nhưng phải sát với thực tế và mang lại hiệu quả.

Chính vì vậy, việc sử dụng có hiệu quả, không để xảy ra thất thoát lãng phí nguồn lực đầu tư cho y tế; khuyến khích xã hội hóa đầu tư cho y tế theo quy định của pháp luật, tránh việc lợi dụng để trục lợi.

Bộ Y tế cần có giải pháp mạnh tay để sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các cơ sở y tế, đặc biệt là các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực đã và đang được đầu tư trong thời gian vừa qua, để sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước và các nguồn thu để nâng cao chất lượng các dịch vụ khám chữa bệnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục