Lạng Sơn có tổng cộng 8 người thiệt mạng do ảnh hưởng bão số 3

Do ảnh hưởng bão số 3, tổng số người chết trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 8 người, bị thương 6 người, trong khi đó tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực chủ động phòng chống lũ quét.
Lạng Sơn có tổng cộng 8 người thiệt mạng do ảnh hưởng bão số 3 ảnh 1Hiện trường vụ sạt lở đất ở Lạng Sơn. (Ảnh: Hoàng Nam/TTXVN)

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ tối 16/9 đến trưa 17/9, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có mưa to, gió lớn gây sạt lở tại nhiều khu vực gây thiệt hại nghiêm trọng về người.

Vào hồi 1 giờ15 phút ngày 17/9, tại khu Kéo Kham, thị trấn Đồng Đăng do sạt lở đất đã vùi lấp một nhà trọ có 11 người đang ngủ là lao động bốc vác hàng hóa tại khu vực Cửa khẩu Hữu Nghị.

Do bị bùn đất vùi lấp nên đã có 6 người bị chết, đến 9 giờ 30 cùng ngày các nạn nhân đã được đưa về quê an táng; còn 5 người bị thương nhẹ đã bình phục và xuất viện.

Lúc 4 giờ ngày 17/9, tại xã Phú Xá, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn một nhà đã bị sập đổ làm cháu Hà Thị Tâm (sinh năm 2009) thiệt mạng và mẹ là Lâm Thị Ngọc, 30 tuổi bị thương nặng, hiện đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn.

Cũng trong ngày hôm nay, tại huyện Bình Gia, cháu Nông Thị Bảo Xuyến, sinh năm 2005 trú tại thôn Nà Dài, xã Tân Văn, học sinh lớp 3 bị nước lũ cuốn trôi; nâng tổng số người chết trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn là 8 người và bị thương 6 người.

Qua các vụ việc nghiêm trọng xảy ra cho thấy các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn còn chưa di dời triệt để các hộ dân tại những vị trí nguy hiểm.

Ông Trần Thế Mỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết để ứng phó với cơn bão số 3, từ chiều ngày 16/9 đến hết ngày 17/9 toàn bộ 125 cán bộ, bác sỹ, y tá của bệnh viện đã túc trực 24/24 và cử nhiều đợt cán bộ tăng cường xuống các tuyến huyện để kịp thời cứu chữa khi có người bị nạn.

Đến thời điểm này, bệnh viện đã tiếp nhận hai bệnh nhân bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3, trong đó có trường hợp chị Lâm Thị Ngọc bị chấn thương cột sống nặng nay đã qua cơn nguy kịch.

Toàn bệnh viện vẫn luôn trong tình trạng sẵn sàng cứu chữa mức cao nhất để đảm bảo giảm thiểu thiệt hại về thương vong sau lũ.

Hiện tỉnh Lạng Sơn quyết định hỗ trợ gia đình mỗi nạn nhân bị chết 5,4 triệu đồng, Ủy ban Nhân dân huyện Cao Lộc hỗ trợ 2 triệu đồng/nạn nhân; Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuân Cương hỗ trợ 5 triệu đồng/nạn nhân.

Theo thống kê nhanh của các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn, đến trưa nay trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, bão số 3 đã làm 1 nhà bị sập hoàn toàn, 55 nhà và 4 phòng học bị tốc mái; trên 220ha lúa bị gãy đổ, trên 10ha ngô bị ngật và gãy đổ; 33 điểm giao thông bị ngập; riêng thành phố Lạng Sơn có hơn chục điểm bị ngập sâu từ 0,5 đến hơn 1m như cửa Động Tam Thanh, Chợ Giếng Vuông.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh vẫn mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về lớn nên hầu hết các sông, suối khu vực miền Đông của tỉnh đều đang dâng lên rất cao, nguy cơ ngập lụt có thể xảy ra tại một số khu vực.

Tại huyện Ba Chẽ, nước lũ đã làm 6 cầu tràn bị ngập, chia cắt 5 xã Thanh Sơn, Thanh Lâm, Đạp Thanh, Minh Cầm, Lương Mông. Ngoài ra, một số đoạn đường trên Tỉnh lộ 330 đã bị sạt lở nghiêm trọng. Hiện giao thông chưa thông suốt.

Nước sông Tiên Yên đã dâng thêm từ 15-20cm và hiện đang tiếp tục dâng cao. Nước sông Ka Long, thành phố Móng Cái đã dâng rất cao vào 11 giờ trưa 17/9, nguy cơ tràn bờ lớn.

Huyện Bình Liêu xảy ra nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt là trên tuyến đường 18C đoạn ra cửa khẩu Hoành Mô.

Hiện chính quyền các địa phương trong tỉnh đã bố trí lực lượng giúp nhân dân sửa chữa nhà ở đảm bảo cuộc sống sinh hoạt sau bão. Bên cạnh đó, các huyện miền Đông của Quảng Ninh đang bố trí canh gác và làm các biển cấm qua lại các đập tràn, các điểm giao thông sạt lở để đảm bảo an toàn đi lại cho người dân.

Ông Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cùng đoàn công tác kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống lũ quét và sạt lở đất tại các địa phương khu vực miền Đông nhấn mạnh lượng mưa sau bão dự báo rất lớn, mực nước trên các sông suối tăng nhanh nên các địa phương tiếp tục chủ động các giải pháp phòng chống lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; đặc biệt không chủ quan và cương quyết không để người dân quay trở về nhà yếu, nhà trong vùng nguy cơ sạt lở cho đến khi lũ rút.

Ông Nguyễn Đức Long đặc biệt lưu ý các địa phương khu vực miền Đông phải có biện pháp ngăn barie tránh người dân đi qua ngập tràn khi nước đang lên; tuyên truyền vận động người dân tuyệt đối không xuống sông suối vớt củi và bắt tôm cá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục