Làng stunt Việt: Nghệ thuật hay trò của lũ “trẻ trâu”?

Nếu bạn ra đường Hà Nội và gặp một nhóm xe phân khối lớn đầu xe vuông góc với mặt đất, người lái ngồi ngang với mặt đường, đít xe tóe lửa, khói tỏa mù mịt, bạn đích thị đã gặp Hanoi Stunt Riders.
Làng stunt Việt: Nghệ thuật hay trò của lũ “trẻ trâu”? ảnh 1Tuấn Anh (ở giữa) và một số thành viên nhóm Hanoi Stunt Riders. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Môtô phân khối lớn, màu sắc hầm hồ, tiếng động cơ vang rền, di chuyển tốc độ cao, Tuấn Anh và nhóm bạn thường xuyên nhận được những ánh mắt phán xét, những hiểu nhầm thiếu thiện chí. Nhưng không giống những nhóm đua xe “trẻ trâu” thông thường, họ theo đuổi một niềm đam mê khác, vị nghệ thuật và đẹp đẽ hơn. Họ là thành viên của Hanoi Stunt Riders (HSR) - hội những người yêu thích biểu diễn môtô nghệ thuật ở Hà Nội.

Tôi hỏi: "Chơi thế này, em không sợ chấn thương à?" Tuấn Anh bật cười: Sợ gì? Sao phải sợ? Từ lúc chơi cái này, em bị tai nạn nhiều lắm rồi. Mình chơi thì có sợ. Nhưng sợ mà vẫn chơi mới gọi là sướng.

Nếu bạn ra đường Hà Nội và gặp một nhóm xe phân khối lớn đầu xe vuông góc với mặt đất, người lái ngồi ngang với mặt đường, đuôi xe tóe lửa, xung quanh khói tỏa mù mịt, đích thị bạn đã gặp Hanoi Stunt Riders.

Lấy cảm hứng từ giải Motul Stunt Fest lần đầu tiên tại Việt Nam năm 2013, Hanoi Stunt Riders ban đầu ra đời với chỉ... 2 thành viên. Sau 2 năm xây dựng, lực lượng của họ tiến lên con số 10. Hanoi Stunt Riders tập hợp những bạn trẻ yêu thích “stunt” (biểu diễn môtô) ở Hà Nội. Tuấn Anh là thành viên thứ tư - một trong những người tiên phong của nhóm.

Hàng ngày, họ tập trung dưới chân cầu Vĩnh Tuy, trong một khu đất trống dưới sự cho phép của công an phường. Địa điểm tập là khó khăn đầu tiên của Tuấn Anh và bạn bè. Môn chơi của họ cần không gian rộng, tạo ra nhiều tiếng ồn và dễ bị kỳ thị. Truy tìm mãi, họ mới thấy được một bãi đất trống bên kia cầu Vĩnh Tuy, nằm cạnh một đồn công an. ​Bãi tập cạnh đồn công an cuối cùng lại là điểm hẹn lâu dài và gắn bó nhất của Hanoi Stunt Riders.

Làng stunt Việt: Nghệ thuật hay trò của lũ “trẻ trâu”? ảnh 2Địa điểm tập của nhóm là một bãi đất trống, lau sậy mọc đầy xung quanh gần chân cầu Vĩnh Tuy. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Để chơi stunt, điều kiện đầu tiên là bạn phải có xe. Tuấn Anh khẳng định: “Điều cơ bản đầu tiên khi chơi trò này là xe phải tốt, đồ bảo hộ phải đạt chuẩn. Loại xe nên sử dụng là xe côn tay. Mọi người đều phải tự độ lại xe cho mình, phải tự mua đồ, tự tìm hiểu, trải qua rất nhiều khâu. Trung bình, một cái xe mới đua được có giá khoảng 70 triệu. Các đồ bảo hộ khác gồm mũ bảo hiểm, găng tay, bọc khuỷu tay, khuỷ​u chân, đầu gối, giáp tay, giáp cổ, giáp lưng.”

Với từng ấy trang bị, những “Stunter” mới có thể bước vào cuộc chơi và trình diễn các kỹ năng của mình. Có ba kỹ năng cơ bản là wheelie (đi một bánh bốc đầu), stoppie (bốc đuôi) và burnout (đốt lốp). Mỗi người trong nhóm lại chuyên một kỹ năng riêng. Thậm chí với cùng một động tác, mỗi người lại có cách thực hiện khác nhau. Sự sáng tạo của Stunt nằm ở điểm đó.

Dấn bước vào môn chơi mạo hiểm này, người chơi nào cũng phải chấp nhận hy sinh, “trả giá cho đam mê”. Tuấn Anh tiếp tục: “Chấn thương hay gặp nhất của môn này là bốc đầu hay bốc đuôi thì bị lộn xe. Hiện tại, chưa có ai bị gãy tay gãy chân nhưng mất da, mất thịt thì rất nhiều rồi. Xe cộ cũng hỏng suốt ngày luôn.”

Làng stunt Việt: Nghệ thuật hay trò của lũ “trẻ trâu”? ảnh 3Wheelie (đi một bánh bốc đầu) là một trong những kỹ thuật cơ bản của stunt. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Nhu cầu mở rộng hoạt động, tìm kiếm sân chơi mới của nhóm là rất lớn nhưng trong bối cảnh Stunt còn khá xa lạ ở Việt Nam, họ gặp nhiều khó khăn. Có không nhiều sự kiện muốn mời nhóm biểu diễn bởi đòi hỏi về không gian và tiếng ồn quá lớn. Các thành viên trong nhóm cũng gặp khó trong việc nâng cấp xe cộ bởi đồ đạc để “độ xe” ở Việt Nam rất khó tìm. Ngay cả khi có hàng, giá cả phụ tùng nhập khẩu cũng đắt gấp ba lần giá gốc.

Có một thời kỳ, Hanoi Stunt Riders liên tục xuất hiện trên một số tờ báo lớn, rất nhiều người mới tìm tới với ý định gia nhập nhóm nhưng chỉ sau vài buổi, họ đành bỏ cuộc giữa chừng vì “không phải ai cũng dám mang xe ra đây để phá”.

Lực lượng hạn chế, làng stunt Việt lại bị chia rẽ vì những lý do khác: “Hiện giờ chúng tôi đã hoạt động theo mô hình một câu lạc bộ. Chúng tôi cũng rất muốn lập ra một mạng lưới liên kết rộng hơn nhưng vấp phải nhiều khó khăn. Như nhóm stunt của Sài Gòn, họ có xu hướng đánh giá thấp những người ít tuổi hơn mình. Họ hay nghĩ rằng ‘xe tao xịn hơn, tao không quan tâm tới mày’. Nhưng nói về trình độ, Hà Nội lại nhỉnh hơn Sài Gòn.”

Với Hanoi Stunt Riders, mong muốn của họ chỉ đơn giản là “được thừa nhận” từ xã hội: “Chúng tôi muốn cố gắng hoạt động một cách chính quy hơn. Ở nước ngoài, Stunt đã được công nhận là một môn thể thao. Còn ở Việt Nam, môn này dễ bị đánh đồng là một lũ trẻ trâu, bốc đồng.”

Làng stunt Việt: Nghệ thuật hay trò của lũ “trẻ trâu”? ảnh 4Một kỹ năng cơ bản khác của stunt Stoppie (bốc đuôi). (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Vấp phải nhiều khó khăn nhưng những người chơi stunt vẫn không nản chí. Những thành viên đã tham gia Hanoi Stunt Riders thường không bao giờ bỏ cuộc.

Họ tiếp tục duy trì lực lượng và đam mê ít ỏi ấy, năm này qua năm khác. Tuấn Anh và bạn bè tin rằng một ngày nào đó, nỗ lực của họ sẽ được đền đáp xứng đáng, stunt cuối cùng sẽ có một chỗ đứng xứng đáng so với các môn thể thao khác.

Gạt chân chống lên, đội mũ bảo hiểm, đeo găng vào, Tuấn Anh kết thúc cuộc trò chuyện với tôi bằng lời khẳng định: “Em đã đam mê nên khó dừng lại lắm. Em không nghĩ rằng một ngày nào đó mình sẽ bỏ môn này. Chúng em là lớp người tiên phong đầu tiên của Việt Nam chơi stunt. Phải cố gắng duy trì nhóm càng lâu càng tốt”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục