Lãnh đạo hai quốc hội Libya không thừa nhận thỏa thuận hòa bình

Nỗ lực thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya đang trở nên khó khăn khi lãnh đạo hai quốc hội đối lập tại quốc gia Bắc Phi này đều bác bỏ thỏa thuận hòa bình.
Lãnh đạo hai quốc hội Libya không thừa nhận thỏa thuận hòa bình ảnh 1Đại diện Quốc hội Libya được quốc tế công nhận Ibrahim Fethi Amish (giữa) tại cuộc họp báo sau đàm phán ở ngoại ô Tunis, Tunisia ngày 6/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Nỗ lực thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya đang trở nên khó khăn khi lãnh đạo hai quốc hội đối lập tại quốc gia Bắc Phi này đều bác bỏ thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian vừa được ký kết hôm 17/12 và cho rằng thỏa thuận không có tính hợp pháp.

Nguồn tin khu vực cho biết chỉ khoảng 80 trong 188 nghị sĩ của Quốc hội được quốc tế công nhận và 50 trong Đại hội Nhân dân Toàn quốc (GNC - cơ quan lập pháp cũ của Libya) gồm 136 nghị sỹ tham gia ký thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc tại Libya.

Ngay sau khi được ký kết, lãnh đạo hai Quốc hội đối địch đều không thừa nhận tính hợp pháp của bản thỏa thuận này.

Ông Nouri Abusahmei, Chủ tịch GNC ở thủ đô Tripoli, nêu rõ: "Những người ký thỏa thuận chỉ đại diện cho chính họ, chứ không đại diện cho hai quốc hội. Những ai được GNC ủy quyền mới được thừa nhận là đại diện cho chúng tôi, do đó thỏa thuận là không hợp pháp."

Theo ông Abusahmei, một chính phủ theo đề xuất của Liên hợp quốc không phải là "đối tượng của sự đồng thuận" và thậm chí không đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu để đảm bảo tính hiệu lực của thỏa thuận.

Trong khi đó, ông Aguila Saleh, lãnh đạo của Quốc hội được quốc tế công nhận ở thành phố phía Đông Tobruk của Libya, cũng khẳng định những nhân vật ký thỏa thuận hòa bình do Liên hợp quốc làm trung gian chỉ đại diện cho chính họ, đồng thời nhấn mạnh thỏa thuận không có tính hợp pháp.

Trước đó ngày 17/12, Quốc hội được quốc tế công nhận ở Libya và GNC đã ký thỏa thuận thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc do Liên hợp quốc bảo trợ tại thành phố nghỉ dưỡng Skhirat của Maroc.

Liên hợp quốc đánh giá rằng đây là bước đi đầu tiên tiến tới việc chấm dứt xung đột tại Libya, đồng thời hối thúc các bên đối địch phá vỡ thế bế tắc chính trị, vốn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng buôn người và nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mở rộng địa bàn hoạt động kể từ sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục