Lãnh đạo Lai Châu đối thoại với các tiểu thương chợ tạm Đoàn Kết

Ngày 10/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh với các hộ kinh doanh tại chợ tạm Đoàn Kết.
Lãnh đạo Lai Châu đối thoại với các tiểu thương chợ tạm Đoàn Kết ảnh 1Quang cảnh Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa CHủ tịch UBND tỉnh và các tiểu thương chợ tạm Đoàn Kết. (Ảnh: Sơn Hải/Vietnam+)

Ngày 10/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh với các hộ kinh doanh tại chợ tạm Đoàn Kết.

Hội nghị diễn ra trong không khí dân chủ, có đông đảo các tiểu thương chợ tạm Đoàn Kết (thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) tham gia.

Trước đó, vào giữa tháng 11/2015, hàng trăm tiểu thương chợ tạm Đoàn Kết "hoang mang" về thông tin chính quyền thành phố Lai Châu chuẩn bị tiến hành giải tỏa, di dời chợ tạm Đoàn Kết. Do đó, từ ngày 8/12 đến nay, nhiều tiểu thương tụ tập tại khu vực sân Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu - nơi đang diễn ra kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Lai Châu lần thứ 12, khóa XIII, với mong muốn được đối thoại trực tiếp với lãnh đạo địa phương.

Tại hội nghị, gần chục ý kiến của các tiểu thương tại chợ tạm Đoàn Kết đều cho rằng, chợ tạm Đoàn Kết hoạt động được khoảng 10 năm, đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hàng trăm tiểu thương và địa phương. Nay chợ tạm Đoàn Kết bị giải tỏa, di dời sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng đến "miếng cơm manh áo" của hàng nghìn người, nhất là việc thực hiện di dời này lại vào đúng dịp cuối năm, là "tháng làm ăn" của các tiểu thương. Theo đó, các tiểu thương mong chính quyền địa phương không giải tỏa, di dời chợ tạm Đoàn Kết và sẽ cùng chính quyền nâng cấp chợ này...

Lãnh đạo Sở Xây dựng, lãnh đạo thành phố Lai Châu đã giải thích và chia sẻ với các hộ kinh doanh tại chợ tạm Đoàn Kết về các căn cứ, nguồn gốc, quá trình hình thành và chủ trương, quy hoạch di dời chợ tạm Đoàn Kết.

Cụ thể, tại Quyết định số 39 năm 2004 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về quy hoạch chung thị xã Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu), trong đó có 7 chợ nhưng không có chợ tạm Đoàn Kết... Năm 2007, Ủy ban Nhân dân thị xã Lai Châu đã có tờ trình xin trích quy hoạch xây dựng chợ Đoàn Kết.

Cùng năm 2007, Sở Xây dựng đã tham mưu với Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu ra văn bản thỏa thuận quy hoạch khu đất xây dựng chợ tạm phường Đoàn Kết, trong đó, đã ghi rõ khu đất Ủy ban Nhân dân thị xã đề nghị xây chợ chưa phù hợp với quy hoạch, quy mô không đủ đáp ứng xây dựng chợ.

Tuy nhiên, để phục vụ di dời các chợ khu dân cư số 4 đang họp tự phát trên các tuyến đường, Sở Xây dựng đề nghị thỏa thuận khu đất xây dựng chợ phường Đoàn Kết theo hình thức tạm, sẽ thu hồi sau khi xây dựng chợ đủ quy mô tại các khu vực khác, phù hợp với quy hoạch.

Về quy mô, khu chợ tạm Đoàn Kết chỉ có 3.400m2. Do đó, việc Ủy ban Nhân dân thị xã Lai Châu thời điểm đó đã xin Ủy ban Nhân dân tỉnh thành lập chợ tạm Đoàn Kết là biện pháp tình thế, để giải tỏa việc họp chợ tự phát...

Ngoài ra, việc người dân đăng ký kinh doanh tại chợ tạm Đoàn Kết ngay từ đầu đã được quy định phải được phường, thị xã đồng ý, nghiêm cấm việc chuyển nhượng, cơi nới và thời hạn cũng chỉ có một năm. Nhưng đến nay, chỉ còn khoảng 25-30% số hộ đầu tiên đăng ký kinh doanh tại chợ tạm này, còn lại hầu hết đã chuyển đổi "mua đi bán lại". Hơn nữa, trước đây quy hoạch chợ tạm này chỉ là dãy kiốt và một nhà chính, xung quanh có ô trống để bà con buôn bán rau, có đường đi lối lại để phòng khi cháy nổ xảy ra. Nay chợ không đảm bảo vấn đề an ninh, vấn đề cháy nổ, môi trường...

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu Đỗ Ngọc An đã biểu dương, ghi nhận sự đóng góp của các hộ kinh doanh tại chợ tạm Đoàn Kết vào thành tựu của thành phố nói chung và phường Đoàn Kết nói riêng.

Ông An cho hay, việc thành phố đề nghị di dời chợ tạm Đoàn Kết là hợp lý, do đó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu mong các hộ kinh doanh cùng đồng thuận với chính quyền để xây dựng khu vực phường Đoàn Kết, thành phố Lai Châu ngăn nắp và ngày càng tốt hơn; đồng thời mong bà con tôn trọng pháp luật, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu khẳng định, các cấp chính quyền từ tỉnh, thành phố đến phường cam kết với bà con sẽ đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng kinh doanh của bà con ở các địa điểm thuận lợi, đảm bảo cuộc sống ổn định để bà con tiếp tục làm việc. "Không có chuyện để mặc các hộ kinh doanh, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, chỉ nhăm nhăm thu hồi 3.400 m2 đất ấy," ông An nói.

Xét nguyện vọng của các hộ kinh doanh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu cũng đã chỉ đạo thành phố Lai Châu không thúc ép việc di chuyển chợ tạm, mà trước mắt để các hộ vẫn kinh doanh ổn định đến sau Tết Nguyên đán sẽ bàn cụ thể.

"Về chính sách hỗ trợ, cơ chế, các hộ kinh doanh cần đề xuất cụ thể với chính quyền thành phố, phường, báo cáo lãnh đạo tỉnh xem xét, quyết định" - ông Đỗ Ngọc An nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục