Lào Cai: Đột kích “cung đường lâm tặc" Văn Bàn

Đoạn đường chỉ dài chừng 10km nhưng có đến hàng chục con "trâu sắt" của “lâm tặc” vận chuyển trái phép gỗ rừng ngang nhiên chạy liên xã.

3 giờ sáng, từng đoàn xe Win, Minsk dầm dầm vận chuyển gỗ lậu qua huyện lộ 51 thuộc địa phận xã Liêm Phú, Văn Bàn (Lào Cai) xé tan màn đêm yên bình nơi miền quê nghèo vùng cao Lào Cai. Đó là những hình ảnh đến buốt lòng mà phóng viên Thông tấn xã Việt Nam ghi được từ con đường độc đạo của rừng Liêm Phú ra Quốc Lộ 4E.

 

Theo nguồn tin từ người dân địa phương, 2 giờ sáng, chúng tôi có mặt trên cung đường thuộc xã Khanh Yên Hạ (Văn Bàn, Lào Cai) rồi đi ngược vào xã Liêm Phú. Đoạn đường chỉ dài chừng 10km nhưng có đến hàng chục con "trâu sắt" của “lâm tặc” vận chuyển trái phép gỗ rừng ngang nhiên chạy liên xã nhưng không hề gặp phải bất kỳ phản ứng nào từ phía người dân cũng như các cơ quan chức năng, thậm chí ngay trên cung đường này có một trạm kiểm soát liên ngành của Kiểm lâm và Công ty Lâm nghiệp Văn Bàn trực 24/24h.

 

Phải cố gắng lắm nhóm phóng viên chúng tôi mới có thể không để mất dấu những tên "lâm tặc" này, do những con "trâu sắt" rú ga hết cỡ chạy băng băng trên đường. Những khúc gỗ được xẻ vuông vắn, được "lâm tặc" chuyển từ trong rừng ra tập kết ở ven đường chờ ôtô đến chở.

 

Đến đoạn giáp ranh giữa xã Khánh Yên Hạ và xã Liêm Phú chúng tôi gặp một tay lái gỗ, anh này cho biết, để có được những hộp gỗ to như vậy, những người khai thác phải đi vào rừng sâu để xẻ. Bây giờ, điểm khai thác gỗ nhiều nhất vẫn là vùng rừng thuộc tiểu khu 517, 519 thuộc địa phận rừng Liêm Phú. Chủ yếu gỗ được khai thác vẫn là Pơ Mu, mỗi m3 cũng được gần 10 triệu đồng.

 

Đem vấn đề "chảy máu" rừng Liêm Phú trao đổi với ông Nguyễn Xuân Hải, Hạt trưởng hạt kiểm lâm Văn Bàn, ông Hải cho rằng, lực lượng kiểm lâm Hạt Văn Bàn đã rất cố gắng trong công tác bảo vệ rừng nhưng với biên chế chỉ gần 40 cán bộ lại phải bảo vệ một diện tích rừng khá lớn, nên rất khó kiểm soát. Thêm vào đó, lâm tặc hoạt động rất tinh vi thường có "chim mồi" và khi thấy lực lượng chức năng xuất kích là dùng điện thoại di động báo ngay cho đồng bọn tạm dừng khai thác và tỏa đi theo các đường mòn khác nhau, do vậy lực lượng chức năng rất khó bắt giữ và xử lý.

 

Qua tìm hiểu của phóng viên, tình trạng chặt phá rừng trái phép tại Liêm Phú rộ lên khoảng vài năm trở lại đây. Lâm tặc chủ yếu là người địa phương khác lại rất hung hãn, thường vào sâu trong rừng chặt gỗ, kéo ra ngoài đường ngụy trang bằng cách làm ra các sản phẩm thô thành phẩm nên rất khó phát hiện và xử lý.

 

Cách cửa rừng Liêm Phú chỉ khoảng 3km thôi cũng có ngay một xưởng gỗ khá lớn của một ông chủ gỗ quê tận Hà Nội. Trước đó, ông chủ xưởng này đã bị cơ quan cảnh sát môi trường tỉnh Lào Cai triệu tập và kiểm tra xưởng gỗ, nhưng không biết vì lý do gì xưởng gỗ này vẫn tiếp tục hoạt động và mở rộng quy mô nhà xưởng?

 

Ông Hoàng Văn Hơn, Phó chủ tịch xã Liêm Phú cho biết, việc chặt phá rừng thời gian qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường sinh thái và thảm thực vật. Không những vậy rừng Liêm Phú là rừng đầu nguồn nên sẽ ảnh hưởng đến việc tích nước cho các công trình thủy điện và nguồn nước dân sinh. Việc chặt phá rừng trái phép đang ảnh hưởng đến giống cây Bách Tán Đài Loan được trồng và bảo quản nghiêm ngặt tại khu bảo tồn thiên nhiên nơi đây.

 

Rừng Liêm Phú thuộc vùng đệm rừng quốc gia Hoàng Liên hàng ngày vẫn “chảy máu.” Thiết nghĩ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc quyết liệt để bảo vệ khẩn cấp rừng Liêm Phú, nhằm giữ lá phổi xanh cho khu vực Tây Bắc và cả nước. Nếu không chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, những cánh rừng nơi đây sẽ biến thành đồi trọc./.

 
Nguyễn Thắng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục