Lao động người khuyết tật chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp

Người lao động khuyết tật chủ yếu làm trong khu vực nông nghiệp, lĩnh vực có thu nhập thấp, điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác do trình độ chuyên môn của người khuyết tật còn thấp.
Lao động người khuyết tật chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp ảnh 1Tư vấn việc làm cho người khuyết tật. (Ảnh minh họa: Hồng Kiều/Vietnam+)

Người khuyết tật ở Việt Nam có nguồn vốn sinh kế kém và thiếu vốn tài chính để sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập. Những đặc điểm về vốn sinh kế của lao động khuyết tật như: trình độ thấp hơn, sức khỏe kém hơn, vận động khó khăn hơn đã khiến cho các hoạt động sinh kế của lao động khuyết tật gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, chỉ có 10,8% người khuyết tật tham gia bảo hiểm xã hội do phần lớn người khuyết tật không có khả năng về tài chính do việc làm bấp bênh và thu nhập thấp.

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo "Tăng cường tiếp cận an sinh xã hội cho lao động là người khuyết tật: Một số phát hiện chính từ kết quả nghiên cứu'' do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Foundation tổ chức sáng 19/9, tại Hà Nội.

Viện Khoa học-Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Tổ chức Hanns Seidel Foundation đã phối hợp khảo sát, nghiên cứu về ''An sinh xã hội cho lao động là người khuyết tật ở Việt Nam" nhằm phân tích các nguồn vốn, hoạt động sinh kế của người khuyết tật, đánh giá vai trò của hệ thống an sinh xã hội hiện hành và đề xuất các biện pháp can thiệp an sinh xã hội phù hợp với người lao động khuyết tật.

Theo nghiên cứu, cơ hội đi học của người khuyết tật bị hạn chế, thời gian đi học ngắn hơn so với lao động không khuyết tật, ở các cấp học càng cao, khoảng cách này càng lớn. Trình độ chuyên môn của lao động khuyết tật còn thấp. Khuyết tật càng nặng thì cánh cửa đối với việc làm ''tốt'', việc làm ''chính thức'' càng xa. Lao động khuyết tật vẫn chủ yếu làm trong khu vực nông nghiệp - một lĩnh vực có thu nhập thấp, điều kiện sản xuất khắc nghiệt hơn các khu vực khác...

Trước thực tế trên, Phó Giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học-Lao động và Xã hội đại diện nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị cần đổi mới quan điểm tiếp cận đối với người khuyết tật, mở rộng các chính sách hỗ trợ đến tất cả nhóm người khuyết tật dựa trên các nguyên tắc cơ bản về giáo dục, hỗ trợ, khuyến khích vươn lên; tăng cường công tác tuyên truyền về người khuyết tật; hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận giáo dục, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các hoạt động hỗ trợ tạo việc làm...

Các đại biểu dự hội thảo đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh vai trò của người khuyết tật, các tổ chức của người khuyết tật, lắng nghe tiếng nói của người khuyết tật trong việc lập kế hoạch thực hiện, giám sát thực thi văn bản pháp luật có liên quan; tạo điều kiện cho người khuyết tật tham gia vào các cơ quan, bộ ngành của Nhà nước, trong ban lãnh đạo của các công ty, doanh nghiệp...

Các đại biểu cũng đánh giá nghiên cứu ''An sinh xã hội cho lao động là người khuyết tật ở Việt Nam" sẽ là căn cứ để các cơ quan nhà nước về công tác người khuyết tật, cơ quan quản lý thực hiện chính sách an sinh xã hội rà soát, đối chiếu với hệ thống chính sách hiện hành, nghiên cứu, bổ sung các giải pháp, chính sách còn trống chưa có trong quy định, trước mắt là rà soát hệ thống ăn bản hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật, về lâu dài kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Người khuyết tật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục