Lao động Trung Quốc bị bóc lột vì... Olympic London

Các nhà tổ chức Olympic London bị chỉ trích vì mua sản phẩm phục vụ cho Thế vận hội từ những xưởng bóc lột lao động ở Trung Quốc.
Tổ chức Sinh viên và học giả chống hành vi sai trái trong các công ty (Sacom) ở Hong Kong ngày 25/7 đã lên tiếng chỉ trích những nhà tổ chức Olympic London vì mua các sản phẩm phục vụ cho Thế vận hội từ những xưởng bóc lột lao động ở Trung Quốc.

Sacom nói các lao động ở hai nhà máy Trung Quốc được giao sản xuất vật phẩm cho Olympic, bao gồm cả những linh vật Wenlock và Mandeville, phải làm việc thêm giờ 120 tiếng mỗi tháng, gần gấp ba lần so với giới hạn cho phép theo luật định.

Các công nhân ở đây phải tiếp xúc với hóa chất độc hại mà không được bảo vệ đầy đủ, khiến nhiều người bị bệnh và một số người phải tự bỏ tiền để mua mặt nạ chống độc.

“Chúng tôi thất vọng và việc này là không thể chấp nhận,” người phát ngôn Sacom, Debby Chan, nói với AFP.

Sacom cho biết họ thực hiện báo cáo dựa trên cuộc phỏng vấn 90 công nhân ở hai nhà máy tại tỉnh miền nam Quảng Đông vào tháng Năm và Sáu. Các nhà máy này thuộc sở hữu các công ty Hong Kong Key Pine và Zindart Manufacturing.

Một số công nhân đã hít phải sơn, bị trừ nửa ngày lương nếu vào làm trễ năm phút và bị yêu cầu bắt đầu ca làm việc lúc 8 giờ sáng sau khi đã làm ca ngày hôm trước đến nửa đêm.

Sacom nói điều kiện làm việc của các công nhân vi phạm quy chuẩn về mục tiêu phát triển bền vững của Ủy ban tổ chức Olympic London (Locog).

“Những vi phạm nghiêm trọng này cho thấy quy chuẩn của Locog chỉ là lời nói miệng mà không có biện pháp thực thi nào để đảm bảo các tiêu chuẩn lao động,” Sacom nói trong một báo cáo và hối thúc Locog điều tra hai nhà máy này. Sacom chính là tổ chức trước đó đã nêu ra vấn đề về điều kiện của người lao động sản xuất các sản phẩm Apple ở Trung Quốc.

Sacom cũng yêu cầu Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ngăn chặn việc lạm dụng lao động trong tương lai. Zindart thông báo với AFP rằng họ đang điều tra những cáo buộc, trong khi một người đại diện ở Key Pine nói công ty không biết gì về báo cáo của Sacom.

Các công ty nước ngoài đổ về Trung Quốc vì giá lao động rẻ, nhưng những nhà hoạt động bảo vệ người lao động nói tình trạng lạm dụng người lao động xảy ra phổ biến bất chấp chính quyền cam kết sẽ cải thiện tình hình.

Tổ chức Theo dõi lao động Trung Quốc có trụ sở tại New York tháng trước nói một cuộc điều tra với 10 nhà cung cấp của Apple ở miền Nam và Đông Trung Quốc cho thấy sự vi phạm các quyền của người lao động, bao gồm làm việc quá giờ và trong điều kiện nguy hiểm. Hồi tháng Ba, Hiệp hội lao động công bằng cũng thông báo về việc làm quá giờ và các vấn đề khác ở ba nhà cung cấp của Apple tại Trung Quốc./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục