Lập hồ sơ kéo co truyền thống trình UNESCO

Xây dựng hồ sơ kéo co truyền thống trình UNESCO

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Thủ tướng cho phép tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia về kéo co truyền thống để trình UNESCO.
Xây dựng hồ sơ kéo co truyền thống trình UNESCO ảnh 1Thi kéo co trong Tuần lễ Văn hoá - Du lịch tỉnh Tuyên Quang tại Khu di tích lịch sử Tân Trào (Ảnh: TTXVN)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 4034/BVHTTDL-DSVH báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia loại hình di sản kéo co truyền thống trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO).

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đơn vị này nhận được thư của Tổng Cục Di sản văn hóa Hàn Quốc mời Việt Nam tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia về loại hình di sản kéo co truyền thống cùng với Hàn Quốc và một số nước trong khu vực Đông Á có loại hình di sản văn hóa phi vật thể này.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ này phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia hợp tác với Hàn Quốc và các nước trong khu vực châu Á có di sản văn hóa phi vật thể kéo co truyền thống trong việc: Xây dựng hồ sơ đa quốc gia trình UNESCO trong năm 2014, để được xét đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2015.

Trong văn bản báo cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ: Kéo co là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc thuộc loại hình các thực hành xã hội, nghi lễ và lễ hội (theo cách phân loại của UNESCO), có ở nhiều nước trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam.

Ở Việt Nam, kéo co được các cộng đồng người kinh, Thái, Tày, Nùng, Giáy… ở nhiều địa phương trên cả nước thực hành từ lâu đời và trao truyền cho tới ngày nay.

Là một biểu đạt văn hóa gắn với những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, di sản này thể hiện quan niệm về nhân sinh quan, thế giới quan, niềm tin và ước nguyện của con người, đặc biệt là của cộng đồng cư dân nông nghiệp về mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, sinh sôi, nảy nở và tôn vinh sức mạnh của sự đoàn kết.

Theo quy định của UNESCO, mỗi quốc gia chỉ được đề cử một hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể mỗi năm. Tuy nhiên, việc tham gia hồ sơ đa quốc gia không bị tính vào xuất một hồ sơ được xem xét.

Cùng với đó, UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên hợp tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và tôn trọng sự đa dạng văn hóa thông qua việc xây dựng hồ sơ đa quốc gia.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho hay, việc hợp tác cùng xây dựng hồ sơ đa quốc gia sẽ là cơ hội tốt để Việt Nam tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, giúp quảng bá về di sản văn hóa và hình ảnh các địa phương có di sản cũng như hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; cán bộ của Việt Nam được học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc nghiên cứu, tư liệu hóa và làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể trình UNESCO./.

Theo Công ước về việc bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (ban hành ngày 17/10/2003), di sản văn hóa phi vật thể được thể hiện ở các hình thức sau:
- Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, trong đó ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể;
- Nghệ thuật trình diễn;
- Tập quán xã hội, tín ngưỡng và các lễ hội;
- Tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ;
- Nghề thủ công truyền thống. 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục