Lầu Năm Góc: Mỹ sẽ không phối hợp quân sự với Iran tại Iraq

Mỹ bỏ ngỏ phương án thảo luận với Iran về cuộc khủng hoảng Iraq, nhưng sẽ không có kế hoạch hợp tác với quốc gia Hồi giáo này trong các hành động quân sự.
Lầu Năm Góc: Mỹ sẽ không phối hợp quân sự với Iran tại Iraq ảnh 1Các gia đình người Hồi giáo dòng Shiite sơ tán khỏi làng Taza Khormato, thuộc Kirkuk, miền bắc Iraq ngày 16/6, do lo ngại xung đột leo thang. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình an ninh Iraq đang diễn biến nghiêm trọng sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant (ISIL) giành quyền kiểm soát nhiều thành phố lớn tại quốc gia này, khả năng Mỹ và Iran hợp tác để hỗ trợ Chính phủ Iraq vẫn chưa rõ ràng khi cả Washington và Tehran đều chưa tỏ ra sẵn sàng kết nối với nhau.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 16/6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho biết Mỹ bỏ ngỏ phương án thảo luận với Iran về cuộc khủng hoảng Iraq, nhưng sẽ không có kế hoạch hợp tác với quốc gia Hồi giáo này trong các hành động quân sự.

Ông nói rõ Washington có thể thảo luận với Tehran về khủng hoảng an ninh ở Iraq nhưng không có kế hoạch tham vấn nước này về các hoạt động quân sự ở Iraq.

Cùng ngày, nguồn tin từ Geneva (Thụy Sỹ) tiết lộ với báo giới rằng bên lề cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran tại đây với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), quan chức hai nước đã có cuộc gặp trao đổi về tình hình Iraq.

Một quan chức cấp cao cũng xác nhận sự hợp tác quân sự giữa Mỹ và Iran đã không được thảo luận và cuộc gặp đã "không đạt được kết quả cụ thể nào."

Đề cập đến khả năng hợp tác với Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki kêu gọi Tehran hành động theo con đường "phi giáo phái" khi nước này can dự vào cuộc khủng hoảng an ninh tại quốc gia láng giềng Iraq.

Theo bà, mọi cuộc thảo luận với Iran cũng sẽ tập trung vào yếu tố chính trị, hỗ trợ các nhà lãnh đạo Iraq hành động có trách nhiệm, theo tinh thần phi giáo phái và thiết lập được một chính phủ nhiều thành phần, đối xử bình đẳng với tất cả các nhóm tôn giáo và sắc tộc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Washington sẽ không ủng hộ việc Tehran đưa lực lượng tinh nhuệ vào Iraq, một động thái mà Tehran đã từng đề cập nhằm hỗ trợ chính phủ của Thủ tướng Al Maliki đối phó với ISIL.

Trong khi đó, nguồn tin từ Iran cho biết ngày 16/6, phát biểu tại thủ đô Tehran nhân kỷ niệm một năm cầm quyền, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Iran sẽ cân nhắc nghiêm túc về khả năng hợp tác với Mỹ nếu như nhận thấy Washington có quyết tâm chống khủng bố ở Iraq và cả ở các nơi khác nữa.

Tuyên bố trên của người đứng đầu nhà nước Iran được cho là đặt điều kiện với Mỹ về vấn đề Syria, nơi ISIL cũng là một bộ phận của quân nổi dậy chống chính quyền Syria của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Trong một động thái gia tăng sự hỗ trợ dành cho Iraq, ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama thông báo với Quốc hội kế hoạch triển khai 275 quân nhân, trong đó 160 người đã có mặt tại Iraq, để hỗ trợ và đảm bảo an ninh cho các nhân viên Mỹ và đại sứ quán nước này ở Baghdad.

Trong thư gửi các nghị sỹ, ông Obama cho biết lực lượng này, gồm lính thủy đánh bộ và lục quân, sẽ lưu lại Iraq cho đến khi tình hình an ninh được cải thiện. Nhà Trắng cũng nói rõ Mỹ sẽ không triển khai lực lượng tác chiến trên chiến trường tại Iraq, đẩy nước Mỹ vào một cuộc chiến mới.

Ngoài ra, Mỹ sẽ triển khai thêm 100 lính tại một quốc gia láng giềng thứ ba để có thể huy động trong trường hợp khẩn cấp. Nhà Trắng cũng đang cân nhắc kế hoạch điều động thêm lực lượng đặc biệt ứng phó với tình huống khẩn cấp sang Iraq để thực thi các nhiệm vụ quân sự có giới hạn gồm huấn luyện và cố vấn cho quân đội Iraq hiện đang rất suy yếu sau khi bị ISIL tấn công.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng dự định sẽ trình Quốc hội yêu cầu về ngân sách hoạt động ứng phó khẩn cấp nước ngoài, trong đó có đề nghị chuyển một số khoản tiền dành cho Afghanistan sang cho các hoạt động quân sự tại Iraq.

Những động thái này cho thấy mức độ sẵn sàng can thiệp của chính quyền Tổng thống Obama đối với Iraq mặc dù cho đến nay Washington vẫn bác bỏ khả năng tham chiến trực tiếp trên chiến trường.

Tổng thống Obama ngày 16/6 đã nhóm họp với toàn bộ nhóm cố vấn an ninh quốc gia để thảo luận về mối đe dọa từ các phần tử nổi dậy Hồi giáo dòng Sunni đối với Iraq.

Tình hình tại Iraq khiến cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại. Thủ tướng Australia Tony Abbott đã cảnh báo về khả năng xuất hiện một “Nhà nước khủng bố” nếu ISIL tiếp tục mở rộng quyền kiểm soát ra nhiều thành phố tại Iraq.

Ông Abbott cáo buộc nhóm ISIL đang tiến hành bạo lực tàn bạo ở mức cao nhất tại Iraq nhằm vào thường dân và lực lượng an ninh. Theo nhà lãnh đạo này, bạo lực ở miền Bắc Iraq đã trở thành thảm họa nhân đạo và đang nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng an ninh quốc tế lớn.

Chuyên gia chống khủng bố Greg Barton thuộc Đại học Monash ở Australia cho biết khoảng 200 phần tử người Australia trước đây chiến đấu cho ISIL tại Syria nhiều khả năng đã vượt qua biên giới Syria và gia nhập đội quân ISIL tại Iraq.

Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston đánh giá nhóm ISIL còn “đông hơn, linh hoạt hơn và mạnh hơn” mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Ông cho biết Australia có thể hỗ trợ cung cấp thông tin tình báo về nhóm ISIL cho Mỹ.

Tuy nhiên, Australia cho biết chưa có kế hoạch sử dụng biện pháp quân sự tại Iraq.

Hãng tin SBS của Australia ngày 17/6 cho biết Ngoại trưởng Julie Bishop đã bác bỏ thông tin cho rằng lực lượng không quân đặc biệt (SAS) sẽ được sử dụng để giải cứu các nhân viên Australia nếu tình hình an ninh tại Iraq tiếp tục xấu đi.

Bà Bishop cho hay Chính phủ Australia đã chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch sơ tán, trong đó SAS là ''giải pháp cuối cùng." Bà khẳng định Australia đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Anh tại Iraq để đảm bảo các nhân viên được an toàn.

Trên thực tế, chính phủ Australia đã bắt đầu tiến hành rút nhân viên đại sứ quán của mình khỏi thủ đô Baghdad sau khi lực lượng Hồi giáo chiếm đóng phần lớn lãnh thổ ở phía Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục