Lấy niềm tin của người tiêu dùng với rau an toàn: Tưởng dễ mà khó

Người trồng rau an toàn đã quản lý, ghi chép nhật ký sản xuất để người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc và người trồng rau có hồ sơ để chứng minh.
Lấy niềm tin của người tiêu dùng với rau an toàn: Tưởng dễ mà khó ảnh 1(Ảnh minh họa: Phạm Thị Bình/TTXVN)

Mặc dù, hằng năm, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội vẫn lấy hàng trăm mẫu rau để phân tích và phần lớn kết quả đều trong ngưỡng an toàn cho phép nhưng người tiêu dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào rau an toàn, rau hữu cơ được bày bán trên thị trường. Đó chính là rào cản lớn nhất để rau an toàn, rau hữu cơ của Hà Nội phát triển bền vững. 


Lợi nhuận cao hơn

Hiện nay, sản lượng rau xanh của Hà Nội chỉ đáp ứng 60% nhu cầu, trong đó, rau an toàn đáp ứng được trên 40%, lượng rau còn lại được cung cấp từ các địa phương khác như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương... Chính vì vậy, cùng với việc thanh kiểm tra, lấy mẫu kiểm soát chất lượng tại các cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau an toàn, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đặc biệt coi trọng việc lấy mẫu, kiểm tra chất lượng rau tại các chợ đầu mối như Vân Nội, Minh Khai, Đền Lừ, Long Biên...

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội, cho biết nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất và người tiêu dùng các quy định về an toàn thực phẩm, cũng như quy trình, hướng dẫn kỹ thuật, các tiến bộ kỹ thuật, kinh nghiệm nên kết quả sản xuất rau an toàn cho thu nhập cao hơn so với rau sản xuất thông thường từ 10-20%. Tỷ lệ sử dụng thuốc thảo mộc, sinh học tăng lên khoảng 60%, giảm 30% số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Vì vậy, chi phí cho sử dụng thuốc bảo vệ thực vật giảm 50%. Năm 2014, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên các cây trồng (trong đó có rau) là 360 tấn, chỉ bằng 0,3% so với toàn quốc là 116.582 tấn. Người sản xuất tuân thủ kỹ thuật, bảo quản sau thu hoạch, thời gian cách ly sau khi thu hái sản phẩm...

Hằng năm, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đều lấy mẫu phân tích. Kết quả cho thấy tỷ lệ mẫu rau phân tích vượt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép thấp (phân tích từ 300-1.000 mẫu rau, chỉ có khoảng 1% mẫu vượt ngưỡng). Trong khi đó, năng suất rau tăng đều hàng năm lên 18%, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, giá trị sản xuất đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm.

Các vùng trồng rau trái vụ tăng thêm 3-5 vụ/năm (rau cải 5 vụ, su hào 3 vụ), giá trị sản xuất đạt 1 tỷ đồng/ha/năm, thậm chí có nơi diện tích đạt 2 tỷ đồng/ha/năm như Yên Viên, tổng giá trị sản xuất đạt trên 1.200 tỷ đồng/năm tương đương 30.000 ha lúa/vụ.

Chị Hoàng Thị Hậu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), cho biết địa phương có 25ha rau hữu cơ. Việc trồng rau hữu cơ thu nhập ổn định, người nông dân giảm chi phí thuốc bảo vệ so với trồng rau truyền thống. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội chưa có bộ tiêu chuẩn trong sản xuất rau hữu cơ nên việc kết nối tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.

Mặt khác, các cơ sở trồng rau khác cũng trà trộn rau hữu cơ, ảnh hưởng đến chất lượng rau.


Lấy lại niềm tin của người tiêu dùng

Để bảo vệ quyền lợi của người sản xuất cũng như doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết rau an toàn, hữu cơ, Chi cục Bảo vật thực vật Hà Nội đã hướng dẫn và giúp người​ trồng rau quản lý, ghi chép nhật ký sản xuất để người tiêu dùng khi cần có thể truy xuất được nguồn gốc và người ​trồng rau có hồ sơ để chứng minh.

Bà Từ Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Điều phối Hệ thống đảm bảo có sự tham gia của cộng đồng tại Việt Nam (PGS) cho biết Ban điều phối PGS đang quản lý 22 liên nhóm sản xuất rau hữu cơ trên toàn quốc nên không đủ thời gian và nhân lực để quản lý các đơn vị từ sáng đến tối.

Tuy nhiên, nhờ hệ thống giám sát chéo trong chính cộng đồng mà rất nhiều nhóm hoặc hộ dân tham gia nhóm cũng như doanh nghiệp làm ăn gian dối, không đúng theo tiêu chí của Ban điều phối đã bị chính các thành viên khác phát giác, báo cho ban lãnh đạo để có hình thức kiểm tra và xử lý kịp thời.​

Lấy niềm tin của người tiêu dùng với rau an toàn: Tưởng dễ mà khó ảnh 2(Ảnh minh họa: Minh Đông/TTXVN)

Ngoài ra, PGS Việt Nam khi chọn đối tác luôn yêu cầu các doanh nghiệp phải là cầu nối đưa người tiêu dùng đến các vùng sản xuất rau hữu cơ thăm và kiểm tra trực tiếp, để từ đó tăng dần lòng tin của các bà nội trợ.

Đại diện một số doanh nghiệp mới tham gia ký kết chương trình phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội chia sẻ trước đây, khi ký kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn với nông dân hay các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng rất lo lắng bởi cũng chỉ biết đặt niềm tin vào bà con là chính. Đến nay có sự tham gia của bên thứ 3 là Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội nên các doanh nghiệp cảm thấy yên tâm hơn rất nhiều.

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết để rau hữu cơ, rau an toàn của Hà Nội phát triển bền vững và có uy tín trong lòng người tiêu dùng, trước hết "người dân phải chịu trách nhiệm về sản phẩm rau an toàn, rau hữu cơ do mình sản xuất ra."

Bên cạnh đó, người nông dân cần phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về sản xuất rau hữu cơ, rau an toàn; không vì lợi nhuận, lợi ích trước mắt mà bỏ qua các quy định về chất lượng.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng Hà Nội muốn mở rộng và phát triển được các vùng rau an toàn, cần làm tốt từ khâu sản xuất rau cho đến đưa ra thị trường, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý. Có như vậy, người nông dân mới yên tâm tham gia trồng rau an toàn và người tiêu dùng Thủ đô mới tin tưởng vào chất lượng rau./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục