Lấy ý kiến về báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể, lấy ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị cho kỳ họp thứ XI, Quốc hội Khóa XIII.
Lấy ý kiến về báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ảnh 1Quang cảnh một phiên họp của Chính phủ. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)

Ngày 15/3, tại Hải Phòng, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể, thẩm tra, lấy ý kiến về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị cho kỳ họp thứ XI, Quốc hội Khóa XIII.

Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định đã thông báo một số nội dung quan trọng trong báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với 8 kết quả.

Đó là tổ chức thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lệnh, Quyết định của Chủ tịch nước; về xây dựng chính sách pháp luật; về công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015; về tổ chức bộ máy, quản lý nền hành chính quốc gia, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; về đối ngoại và hội nhập quốc tế; về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; chấp hành giám sát của Quốc hội, chế độ báo cáo của Chủ tịch nước; về phối hợp công tác với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Báo cáo cũng nêu rõ bên cạnh những tiến bộ và kết quả đạt được, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện chủ chương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội trong một số trường hợp còn chậm, lúng túng, nhất là về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh trình Quốc hội vẫn còn có đề án phải xin lùi thời gian hoặc xin rút, chưa bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định. Tiến độ xây dựng dự án luật, pháp lệnh còn chậm. Công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội trong một số lĩnh vực còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Báo cáo nêu 6 bài học kinh nghiệm trong quản lý điều hành phát triển kinh tế-xã hội như bám sát chức năng, nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc và thực hiện sáng tạo đường lối của Đảng, vì lợi ích của đất nước, nhân dân; coi trọng khâu tổ chức thực hiện, coi kết quả là thước đo năng lực chỉ đạo, điều hành; coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển; phát huy cao nhất các nguồn lực trong nước, chủ động tích cực hội nhập quốc tế, tận dụng ngoại lực để phát huy nội lực, mở rộng và đa dạng hóa thị trường, thu hút mạnh và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến báo cáo thẩm tra sơ bộ báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, Báo cáo của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, báo cáo đầy đủ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Trong báo cáo đã phân tích, đánh giá những mặt làm được, những hạn chế, bất cập, nêu lên các nguyên nhân của những hạn chế, bất cập; đồng thời đưa ra một số bài học kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, nội dung của Báo cáo còn nặng tính hành chính và tập trung chủ yếu vào kết quả đạt được trên các lĩnh vực.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đặng Đình Luyến đề nghị trong báo cáo cần bổ sung nêu bật được kết quả tổ chức thực hiện những chủ trương lớn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức và hoạt động của Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội; vấn đề thực hiện chủ trương Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; việc thực hiện tách quản lý Nhà nước với quản lý sản xuất kinh doanh; việc tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ và đội ngũ cán bộ, công chức theo yêu cầu tinh gọn, hiệu quả.

Bên cạnh đó, báo cáo cần bổ sung để đưa ra những đánh giá, nhận định khái quát nhất về tổ chức và hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ với những phụ lục kèm theo, rà soát số liệu bảo đảm để không chồng chéo, mâu thuẫn.

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến của các vị đại biểu cho rằng Chính phủ cần có những đánh giá sâu sát hơn nữa về những thành tựu trong công tác chỉ đạo, điều hành như trong điều hành ổn định lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường.

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cần tập trung sâu hơn nữa vào các bài học kinh nghiệm vì giá trị của các bài học đó vẫn hiện hữu và là cơ sở để tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2016-2021.

Có ý kiến cho rằng cần tách bạch rõ hơn về vai trò của Chính phủ và Thủ tướng chính phủ trong báo cáo; cần đánh giá toàn diện, rút ra những bài học kinh nghiệm với những vấn đề lớn như xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế trong Quân đội, tập trung ưu tiên cho doanh nghiệp nội, tránh phụ thuộc vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục