Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã tổ chức Lễ đón nhận bằng di sản văn hóa vi vật thể quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam và Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1Một góc Miếu Bà Chúa xứ Núi Sam (thị xã Châu Đốc, An Giang). (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Tối 8/6, tại Chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc (tỉnh An Giang), nhân kỷ niệm 15 năm Lễ hội cấp quốc gia Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã tổ chức Lễ đón nhận bằng di sản văn hóa vi vật thể quốc gia Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam và Lễ phục hiện rước tượng Bà Chúa Xứ Núi Sam với sự tham gia của hàng chục nghìn du khách.

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của cư dân vùng sông nước Nam Bộ. Lễ hội diễn ra từ ngày 22-27/4 âm lịch, thu hút khoảng 4 triệu lượt du khách mỗi năm đến hành hương, dâng lễ và chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên của vùng đất An Giang. Lễ hội được công nhận là lễ hội cấp quốc gia vào năm 2001.

Lễ hội được phục dựng lại các nghi thức truyền thống. Các nghi thức này đều do Ban Quản trị lăng miếu đảm trách phục dựng, được tiến hành từ ngày 8-14/6 (ngày 22 đến 28/4 âm lịch).

Chính lễ của Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm 2015 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 8 đến 10/6 với các nghi thức gồm: Lễ Phục hiện rước tượng Bà từ đỉnh Núi Sam xuống Lăng Miếu; Lễ tắm Bà; Lễ Túc yết và Xây Chầu; Lễ Chánh tế; Lễ Hồi sắc, trong đó quan trọng nhất là Lễ tắm Bà diễn ra vào tối 8/6 (ngày 22/4 âm lịch).

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ đặc sắc như: Biểu diễn lân sư rồng, đua thuyền; văn nghệ của các tỉnh, thành; biểu diễn nhạc ngũ âm Khmer cùng với hát Bội truyền thống… phục vụ nhân dân và khách hành hương.

Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” thể hiện sự trân trọng đối với loại hình lễ hội dân gian đặc sắc này của thành phố Châu Đốc nói riêng, khu vực Nam Bộ nói chung. Hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh An Giang đang phối hợp triển khai Dự án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu vực núi Sam-thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,” hướng tới công nhận núi Sam là Khu du lịch quốc gia; đồng thời tạo cơ sở cho việc quản lý, thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc của Châu Đốc.

An Giang hiện có 1.198 di tích, trong đó có 26 di tích được công nhận cấp quốc gia và 46 di tích được công nhận cấp tỉnh, trong đó có 2 di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt là Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên và khu di tích văn hóa Óc Eo, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục