Leicester City vô địch Premier League: Nhà vua… không tiền

Việc Leicester City vô địch Ngoại hạng Anh đã phủ nhận phần lớn hệ thống giá trị (dù chỉ tạm thời) của môn thể thao vua vốn đang bị chi phối toàn bộ bởi tiền bạc.
Leicester City vô địch Premier League: Nhà vua… không tiền ảnh 1Chức vô địch của Leicester City đã phủ nhận nhiều quy luật bất thành văn hàng thập kỷ qua của Premier League. (Nguồn: Getty Images)

Tất cả các nhà cái đã ra tỷ lệ đặt cược cho việc Leicester City vô địch Premier League hồi đầu mùa giải là đặt 1 ăn 5.000, tương đương với tỷ lệ... vua nhạc Rock and Roll Elvis Presley còn sống.

Dĩ nhiên, Elvis chưa xuất hiện trở lại thế giới đầy hỗn loạn này. Nhưng Leicester thì đã vô địch, theo cách không thể hoàn hảo hơn để phủ nhận phần lớn hệ thống giá trị (dù chỉ tạm thời) của môn thể thao vua vốn đang bị chi phối toàn bộ bởi tiền bạc.

Tại sao lại nói chiến thắng của Leicester đã phủ nhận phần lớn hệ thống giá trị của môn thể thao vua vào lúc này?

Bóng đá trước khi Leicester lên ngôi vô địch Premier League trong hơn một thập kỷ sở hữu những quy luật bất thành văn.

Đầu tiên, muốn vô địch giải Ngoại hạng, bạn phải có rất nhiều tiền. Man United, Arsenal, Chelsea hay Manchester City đều sở hữu giá trị đội hình trên 200 triệu bảng vào thời điểm họ vô địch.

Leicester hiện tại có giá trị đội hình chỉ là 95 triệu bảng (theo transfermarkt.co.uk), và đã phủ nhận vai trò của tiền bạc đối với chức vô địch.

Đội vô địch là đội mạnh nhất chứ không phải đội có nhiều tiền bậc nhất.

Thứ hai, một quy luật rất cảm tính, đó là không hiện tượng nào tồn tại được tới hết mùa giải. Wigan, Hull City, Tottenham đều đã có lúc leo lên ngôi đầu Premier League, nhưng sau cùng tất cả đều bị trả về với những giá trị vốn có.

Man United, Chelsea, Arsenal hay Man City luôn là những cái tên đứng trên tất cả vào cuối mùa giải. Lần cuối cùng Premier League có một nhà vô địch nằm ngoài những cái tên trên là Blackburn Rovers của mùa giải 1994/95.

Nhưng đó là một thời đại hoàn toàn khác, chưa câu lạc bộ nào niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán, chưa câu lạc bộ nào thuộc về những ông chủ nước ngoài, thậm chí Jean Marc Bosman vẫn còn chưa vác đơn kiện ra toàn án thể thao Châu Âu.

Bản thân Blackburn Rovers lúc đó mạnh chẳng kém Man City hay Arsenal, mùa 1993/94, đội bóng của Alan Shearer, David May, Tim Sherwood còn về thứ hai (sau Man United).

Leicester (giờ đã là nhà vô địch) đã phủ nhận quy luật đã có lúc đúng 100% này.

Hiện tượng hoàn toàn có thể trở thành nhà vô địch trong thế giới phẳng, bất chấp việc ngay chính nhiều cổ động viên Leicester cũng không tin vào điều đó.

Gary Lineker, người sinh ra, lớn lên tại Leicester, là fan ruột của “Những chú cáo” cũng thừa nhận mình đã “chuẩn bị tinh thần cho một cuộc sụp đổ, hoặc chí ít cũng là một mạch trận không tốt và câu lạc bộ buộc phải đương đầu với khó khăn” vào thời điểm đội bóng quê hương đè đầu cưỡi cổ các đại gia của giải Ngoại hạng.

Thứ ba, “trong bóng đá, điều gì cũng có thể xảy ra.” Câu nói này đã được xem như nhận xét đầy sáo rỗng, thậm chí có phần bỡn cợt đối với bóng đá hiện tại.

Trong mắt của nhiều chuyên gia tại lục địa già, bóng đá thế giới được điều khiển toàn bộ bởi những nhà cái.

Dòng tiền xoay vòng lên tới hàng tỷ bảng mỗi năm nghiễm nhiên được coi như thứ quyền lực tối thượng chi phối tất cả các kết quả bóng đá, cả ở đẳng cấp cao nhất như Premier League.

Về mặt kinh tế, điều này rất… logic. Leicester City dĩ nhiên đã phá vỡ nhận định đó.

Các nhà cái trong một ngày đã mất hơn 30 triệu bảng vì chưa tới 100 phiếu cược Leicester vô địch với tỷ lệ đặt cược 1:5.000 vào đầu mùa giải.

Ladbrokes, William Hill… đều tái mặt vì đội bóng của ông Ranieri.

Tròn 24 giờ sau khi Leicester chính thức trở thành nhà vô địch Premier League, vẫn sẽ có kha khá những nhà chuyên môn phải tự vấn lại vốn kiến thức của chính mình.

Với các cổ động viên của Leicester, những cú véo má là không đủ để họ thực sự tin rằng đội bóng con cưng của mình đã vô địch giải Ngoại hạng.

Không biên giới, không quy luật, đó là Leicester, nhà vua mới của Premier League./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục