LHQ: Bảo vệ trẻ em là "trách nhiệm pháp lý và mệnh lệnh đạo lý"

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh bảo vệ trẻ em tại các vùng chiến sự, xung đột là "trách nhiệm pháp lý và mệnh lệnh đạo lý."
LHQ: Bảo vệ trẻ em là "trách nhiệm pháp lý và mệnh lệnh đạo lý" ảnh 1Các bé gái vừa được quân đội Nigeria giải cứu khỏi phiến quân Boko Haram. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 18/6, dưới sự chủ trì của Malaysia, nước giữ vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an trong tháng Sáu, cơ quan quyền lực cao nhất này của Liên hợp quốc đã tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề “Trẻ em và xung đột vũ trang” tại trụ sở chính của tổ chức này ở New York (Mỹ).

Đại diện hơn 80 quốc gia cùng Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và một số tổ chức chuyên môn đã tham dự phiên họp.

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh bảo vệ trẻ em tại các vùng chiến sự, xung đột là "trách nhiệm pháp lý và mệnh lệnh đạo lý" và điều này không bao giờ được phép bị các toan tính lợi ích quốc gia của các nước hủy hoại.

Ông cho biết năm 2014 là một trong những năm tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây đối với trẻ em tại các quốc gia đang có xung đột vũ trang.

Thế giới đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc khủng hoảng, cả về số lượng và cường độ, khiến việc bảo vệ trẻ em trở nên khó khăn hơn.

Với ngôn từ mạnh mẽ, người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất thế giới cho rằng những hành động bạo lực ghê tởm đối với trẻ em tại các vùng xung đột như Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Nigeria, Nam Sudan hay Syria đã và đang là một sự "lăng mạ" đối với tính nhân văn của mỗi con người.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng kêu gọi chính phủ các quốc gia thành viên Hội đồng Bảo an tăng cường nỗ lực thực thi các mục tiêu của chiến dịch "Trẻ em chứ không phải binh sỹ" đã được phát động từ năm ngoái.

Cũng trong phiên họp này, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, thay mặt các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhấn mạnh ASEAN chia sẻ lo ngại chung của quốc tế về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của trẻ em trong xung đột, khi trẻ em trở thành nạn nhân của bom đạn, không được tiếp cận các dịch vụ tối thiểu như y tế, giáo dục, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị bắt cóc, bị xâm phạm tình dục, bị buộc phải cầm súng tham gia xung đột.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga cho rằng việc bảo vệ trẻ em cần được triển khai toàn diện, đặc biệt là cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột.

Bà cũng nêu rõ các biện pháp ASEAN đang triển khai, nhất là việc Ủy ban ASEAN về thúc đẩy, bảo vệ quyền phụ nữ, trẻ em đang nỗ lực xây dựng chương trình hành động khu vực nhằm thực hiện Tuyên bố ASEAN về loại trừ bạo lực đối với trẻ em.

Đại sứ cho biết ASEAN đang tích cực hợp tác, tham vấn chặt chẽ với các cơ quan Liên hợp quốc về vấn đề này, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và các Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký.

Kết thúc phiên thảo luận mở, các nước thành viên Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết 2225, tái khẳng định cam kết triển khai các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang, trong đó tập trung vào vấn đề bắt cóc trẻ em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục