LHQ đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ lãng phí lương thực

Liên minh các tổ chức quốc tế hàng đầu, trong đó có Liên hợp quốc, đã lần đầu tiên đưa ra một bộ tiêu chuẩn toàn cầu để đánh giá mức độ lãng phí và thất thoát lương thực.
LHQ đưa ra bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ lãng phí lương thực ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: psfk.com)

Trong khi Hội nghị cấp cao của Diễn đàn Tăng trưởng Xanh (3GF) đang diễn ra tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, ngày 7/6, Liên minh các tổ chức quốc tế hàng đầu, trong đó có Liên hợp quốc, đã lần đầu tiên đưa ra một bộ tiêu chuẩn toàn cầu để đánh giá mức độ lãng phí và thất thoát lương thực.

Tiêu chuẩn về Báo cáo và Đánh giá mức độ lãng phí và thất thoát lương thực (FLW Standard) là một tập hợp các quy định về báo cáo và định nghĩa để căn cứ vào đó các công ty, các quốc gia liên tục đưa ra những đánh giá, những báo cáo đáng tin cậy về mức độ lãng phí và thất thoát lương thực đồng thời giải quyết tình trạng này.

Bộ Tiêu chuẩn FLW được đưa ra trong bối cảnh ngày càng nhiều chính phủ, công ty và các tổ chức đưa ra cam kết giảm bớt tình trạng lãng phí và thất thoát lương thực.

Thông cáo báo chí của ông Achim Steiner Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), nhấn mạnh: "Khó có thể đánh giá được đầy đủ quy mô tình trạng lãng phí và thất thoát lương thực. Việc áp dụng tiêu chuẩn mới để đánh giá mức độ lãng phí và thất thoát lương thực sẽ giúp chúng ta tìm ra được những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này."

Ông Steiner cũng cho biết UNEP kêu gọi các quốc gia và các công ty sử dụng tiêu chuẩn mới này để bắt đầu đánh giá và báo cáo về mức độ lãng phí và thất thoát lương thực song song với việc hành động để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 12.3, đó là tới năm 2030 giảm một nửa lượng thực phẩm bị lãng phí.

Theo Liên hợp quốc, có tới 1/3 tổng số thực phẩm của thế giới bị lãng phí hoặc thất thoát trong quá trình sản xuất hoặc tiêu thụ trong khi có hơn 800 triệu người đang bị suy dinh dưỡng.

Mặt khác, số thực phẩm bị thất thoát và lãng phí còn sản sinh ra khoảng 8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, là thủ phạm gây hiệu ứng nhà kính nhiều thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục