LHQ kêu gọi các nước nỗ lực hành động chống biến đổi khí hậu

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon khẳng định các tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng và do đó, các nỗ lực chung toàn cầu cũng cần phải được nâng cao.
LHQ kêu gọi các nước nỗ lực hành động chống biến đổi khí hậu ảnh 1Tổng thư ký Ban Ki-Moon. (Nguồn: THX/TTXVN)

Các quốc gia cần đặt ra những mục tiêu tham vọng và tận dụng đà tiến mạnh mẽ hiện tại trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu để đạt được một kết quả cột mốc trong Hội nghị của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP) sẽ diễn ra tại Paris (Pháp) vào tháng tới.

Phát biểu trong một phiên họp toàn thể, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon khẳng định các tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng nhanh chóng và do đó, các nỗ lực chung toàn cầu cũng cần phải được nâng cao. Không chỉ thế, các nỗ lực hiện tại phải được sử dụng làm "bàn đạp" cho những mục tiêu trong tương lai.

Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại diện đã thừa nhận những khó khăn trong tiến trình đàm phán về biến đổi khí hậu song lạc quan về triển vọng của Hội nghị Paris sắp tới.

Bộ trưởng Môi trường Peru Manuel Pulgar-Vidal, trong một phát biểu trực tuyến qua video, nhận định mặc dù cam kết cắt giảm khí thải nhà kính của các chính phủ được tính toán sẽ giúp giảm tốc độ tăng nhiệt độ toàn cầu, chạm mốc 2,7 độ C vào cuối thế kỷ này thay vì 3,8 độ C như dự đoán trước đó, con số này vẫn cao hơn so với mục tiêu 2 độ C toàn cầu.

Trong khi đó, ông Antonio de Aguiar Patriota, đại diện thường trực của Brazil tại Liên hợp quốc, tin rằng thế giới đang đến gần hơn bao giờ hết mục tiêu đạt được một thỏa thuận toàn cầu tại COP. Tuy nhiên, Quần đảo Solomon và Benin, hai quốc gia đứng đầu trong danh sách các nước gặp nguy hiểm trước hiện tượng nước biển dâng, bày tỏ quan ngại về tiến trình thảo luận chưa đủ tham vọng.

Bà Christiana Figueres, thư ký điều hành của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, nhận định Hiệp ước khí hậu Paris sắp tới là một trong bốn kết quả mục tiêu đặt ra cho nỗ lực toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.

Các mục tiêu còn lại bao gồm các Đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) về hành động chống biến đổi khí hậu, cam kết tài chính của các nước giàu có trong việc giúp các nước phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như cam kết từ các đối tác phi quốc gia, bao gồm khu vực tư nhân.

Trước đó, ngày 2/11, tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande đã ra một tuyên bố chung về chống biến đổi khí hậu, trong đó cam kết thúc đẩy một chương trình làm việc nhằm "tăng tốc" các nỗ lực đối phó biến đổi khí hậu trước năm 2020 tại Hội nghị Paris.

Hai nước cũng kêu gọi một hệ thống minh bạch hơn để xây dựng lòng tin trong Hiệp ước khí hậu Paris, cũng như đánh giá hành động của các bên. Sáng kiến trên đã nhận được sự hoan nghênh từ Tổng Thư ký Ban Ki-moon.

Phiên họp diễn ra chưa đầy một tháng trước Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hợp quốc theo dự kiến sẽ diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 30/11-11/12.

Các quốc gia được kỳ vọng sẽ thông qua một thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu. Đây sẽ là thỏa thuận đầu tiên có chữ ký của tất cả các quốc gia trên thế giới và sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục