Libya nỗ lực tìm kiếm nhân viên Đại sứ quán Serbia bị bắt cóc

Một quan chức an ninh thành phố Sabratha cho biết, cảnh sát đang tìm kiếm chiếc ôtô của những kẻ bắt cóc và thẩm vấn lái xe người Libya chở hai nhân viên ngoại giao trên.
Libya nỗ lực tìm kiếm nhân viên Đại sứ quán Serbia bị bắt cóc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Cơ quan an ninh Libya ngày 9/11 cho biết đang tăng cường các nỗ lực tìm kiếm 2 nhân viên Đại sứ quán Serbia tại Libya bị bắt cóc hôm 8/11 ở thành phố Sabratha cách Tripoli 70km về phía Tây.

Một quan chức an ninh thành phố Sabratha cho biết cuộc điều tra đang được tiến hành và thành phố này đã tăng mức báo động tại nơi xảy ra vụ việc, đồng thời hoạt động tìm kiếm 2 nhân viên Đại sứ quán Serbia bị bắt cóc đang được tích cực triển khai. Quan chức trên cũng cho biết đang tìm kiếm chiếc ôtô của những kẻ bắt cóc và thẩm vấn lái xe người Libya chở hai nhân viên ngoại giao trên.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Serbia đã xác nhận 2 nhân viên ngoại giao bị bắt cóc là bà Sladjana Stankovic phụ trách truyền thông và ông Jovica Stepic là lái xe của Đại sứ quán Serbia ở Libya. Cả hai bị bắt cóc khi đang đi đầu trong đoàn xe được hộ tống đến biên giới Tunisia. Ngoại trưởng Serbia Ivica Dacic cho biết chưa có thông tin về những kẻ bắt cóc.

Phát biểu với truyền thông địa phương, Đại sứ Serbia tại Libya Oliver Potezica cho biết những kẻ bắt cóc tạo hiện trường giả bằng cách đâm vào phía sau ô tô của Đại sứ quán khiến hai nhân viên ngoại giao phải ra khỏi xe.

Libya đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi bị lật đổ năm 2011. Hiện ở Libya có hai cơ quan lập pháp và hai chính phủ tồn tại song song kể từ khi lực lượng nổi dậy Fajr Libya (Bình minh Libya) chiếm giữ thủ đô Tripoli, khiến chính phủ được quốc tế công nhận phải chuyển về miền Đông. Thành phố Sabratha nơi xảy ra vụ bắt cóc trên được xem là thành trì của các nhóm cực đoan hoạt động ngoài vòng pháp luật tại Libya, trong bối cảnh các phần tử cực đoan được huấn luyện thánh chiến ẩn náu tại nước này để thực hiện các vụ tấn công liều chết tại nhiều nước trên thế giới.

Serbia vẫn duy trì Đại sứ quán tại Tripoli, trong khi các công dân nước này, hầu hết là bác sỹ, nhân viên y tế và công nhân xây dựng, đã sang Libya làm việc hàng thập kỷ qua do quan hệ gần gũi giữa hai nước kể từ thời ông Kadhafi nắm quyền./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục