Libya thông qua luật ân xá sau khi con trai Gaddafi bị kết án tử

Quốc hội được quốc tế công nhận ở Libya đã thông qua luật ân xá ngay sau khi một tòa án ở Tripoli tuyên án tử hình Seif al-Islam Gaddafi - con trai cố lãnh đạo Muammar Gaddafi.
Libya thông qua luật ân xá sau khi con trai Gaddafi bị kết án tử ảnh 1Các quan chức dưới thời cựu Tổng thống Muammar Gaddafi trước khi bị đưa ra xét xử tại Tripoli. (Nguồn: THX/TTXVN)

Quốc hội được quốc tế công nhận ở Libya ngày 28/7 đã thông qua luật ân xá ngay sau khi một tòa án ở Tripoli tuyên án tử hình Seif al-Islam Gaddafi - con trai cố lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

Luật trên đã nhận được sự ủng hộ của tất cả 99 nghị sỹ có mặt tại cuộc bỏ phiếu. Luật này áp dụng với tất cả công dân Libya từ ngày 15/2/2011 đến nay.

Theo đó quy định đối tượng trong diện được ân xá phải có cam kết bằng văn bản nêu rõ sẽ không tái phạm và trả lại số tiền đã biển thủ từ công quỹ, cũng như hòa giải với các nạn nhân.

Trước đó vài giờ, một tòa án ở thủ đô Tripoli ra phán quyết tử hình một số cựu quan chức trong chính quyền Gaddafi, trong đó có con trai cựu lãnh đạo này.

Các bị cáo này bị kết tội chỉ đạo những tội ác chiến tranh chống người Libya trong cuộc nổi dậy lật đổ ông Gaddafi từ ngày 15/2/2011.

Phán quyết trên của tòa án ở Tripoli gây tranh cãi trong bối cảnh Libya rơi vào hỗn loạn kể từ khi chính quyền Gaddafi bị lật đổ. Tháng 8/2014, Liên minh Hồi giáo vũ trang chiếm thủ đô Tripoli và thành lập một chính phủ tại đây. Trong khi đó, chính phủ và quốc hội được quốc tế công nhận phải dời đến thành phố Tobruk ở miền Đông.

Gần một năm qua, quốc gia Bắc Phi này rối ren trong sự chia rẽ giữa chính phủ và quốc hội ở miền Đông với cơ quan lập pháp cũ và chính phủ ở Tripoli được sự hậu thuẫn của lực lượng Hồi giáo vũ trang đang kiểm soát thành phố này.

Bộ trưởng Tư pháp ở Tobruk Al-Mabruk Omran kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận phán quyết trên của tòa án ở Tripoli, cho rằng các thẩm phán xét xử vụ này phải làm việc trong tình trạng bị đe dọa sát hại hoặc bắt cóc.

Kể từ tháng 9/2014, Liên hợp quốc đã đóng vai trò trung gian đối thoại giữa các phái đối địch ở Libya, song xung đột vẫn tiếp diễn bất chấp việc các bên đã thông qua một lệnh ngừng bắn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục