Liên hợp quốc gia hạn lệnh trừng phạt Cộng hòa Trung Phi

lệnh trừng phạt Cộng hòa Trung Phi sẽ kéo dài thêm một năm đến ngày 29/1/2016, do tình hình bất ổn kéo dài và tiếp tục đặt ra mối đe dọa với an ninh và hòa bình tại khu vực.
Liên hợp quốc gia hạn lệnh trừng phạt Cộng hòa Trung Phi ảnh 1Binh sỹ Lực lượng giữ gìn hòa bình Liên minh châu Âu (EUFOR RCA) tuần tra tại Bangui. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 22/1, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết gia hạn lệnh trừng phạt đối với Cộng hòa Trung Phi thêm một năm, đến ngày 29/1/2016.

Trong bản nghị quyết, Hội đồng Bảo an bày bỏ "sự quan ngại sâu sắc" với tình hình bất ổn kéo dài tại Cộng hòa Trung Phi do hoạt động của các nhóm vũ trang, đồng thời khẳng định tình hình tại nước cộng hòa này tiếp tục đặt ra mối đe dọa với an ninh và hòa bình tại khu vực. Do đó, cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc tuyên bố gia hạn lệnh trừng phạt nhằm vào tất cả các cá nhân có hành vi phá hoại hòa bình, ổn định và an ninh tại Cộng hòa Trung Phi, kêu gọi các quốc gia thành viên duy trì các biện pháp trừng phạt, bao gồm cấm vận vũ khí, cấm đi lại và phong tỏa tài sản đến cuối tháng 1/2016.

Ngoài ra, nghị quyết của Hội đồng Bảo an cũng tái khẳng định cam kết mạnh mẽ đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cộng hòa Trung Phi, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của các nguyên tắc gồm không can thiệp, láng giềng hữu hảo và hợp tác khu vực.

Trước đó, năm 2013, Hội đồng Bảo an đã thông qua Nghị quyết 2127, theo đó áp đặt lệnh cấm buôn bán vũ khí và kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc cung cấp vũ khí và lính đánh thuê cho Cộng hòa Trung Phi. Sau đó một năm, cơ quan này tiếp tục thông qua Nghị quyết 2134 nhằm áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản nhằm vào các cá nhân thuộc diện bị trừng phạt của quốc gia châu Phi này.

Cộng hòa Trung Phi rơi vào tình trạng bất ổn nghiêm trọng kể từ khi Tổng thống Francois Bozize bị lực lượng nổi dậy Seleka lật đổ hồi tháng Ba năm ngoái và ông Michel Djotodia lên làm Tổng thống lâm thời.

Tháng Giêng năm ngoái, giới lãnh đạo Seleka bị buộc phải từ chức dưới sức ép của cộng đồng quốc tế, song những dân quân người Công giáo đã tăng cường tấn công vào người Hồi giáo. Hàng trăm phiến quân Seleka và dân thường người Hồi giáo đã chạy khỏi Bangui ở miền Nam để tới miền Bắc và các nước lân cận, làm gia tăng lo ngại về sự phân chia Nam-Bắc bằng các đường biên giới tôn giáo.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, gần 440.000 người dân Cộng hòa Trung Phi phải di tản sang các khu vực khác trong nước trong khi 190.000 người khác phải xin tị nạn tại các quốc gia láng giềng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục