Liên kết "4 nhà" để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản

4 nhà là chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng vật liệu - ngân hàng” sẽ liên kết thành một chuỗi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Liên kết "4 nhà" để tháo gỡ khó khăn cho bất động sản ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).

Ngày 17/4, tại Hà Nội, Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Thương mại Xây dựng Việt Nam (VNCB) tổ chức “Hội nghị triển khai chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng ngành xây dựng”.

Ông Phan Thành Mai, Tổng giám đốc Ngân hàng xây dựng (VNCB) cho biết, điểm khác biệt lớn nhất của gói tín dụng này không nằm ở quy mô số tiền mà chính ở khâu cho vay, cung ứng và thanh toán vốn. Nếu trước kia các ngân hàng chỉ cho vay đơn lẻ từng đơn vị như chủ đầu tư riêng, nhà thầu riêng thì nay tất cả “4 nhà” gồm: Chủ đầu tư - nhà thầu - nhà cung ứng vật liệu - ngân hàng” sẽ “xâu” lại thành một chuỗi.

Theo đó, ngân hàng chỉ cho vay trên một hợp đồng, tài khoản của các bên được mở tại ngân hàng. “Như vậy sẽ đảm bảo được dòng tiền đi vào đúng công trình, dự án không bị sử dụng sai mục đích. Nếu sai thì ngân hàng lập tức phong tỏa tài khoản, ngừng cấp vốn,” ông Mai cho biết.

Cũng theo ông Mai, việc đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trong chuỗi được thực hiện thông qua nhà tổ chức chợ/sàn mua bán vật liệu xây dựng với các dự án khả thi. Nhà sản xuất được cho vay không nhất thiết cần tài sản đảm bảo, chỉ cần đối ứng bằng vật liệu xây dựng cung ứng cho công trình, phương thức trả chậm, các ngân hàng chủ động tiếp cận doanh nghiệp, các doanh nghiệp có khoản nợ ở các ngân hàng khác được khoanh nợ và tiếp tục cho vay theo mục đích mới của chuỗi 4 nhà.

Trong chuỗi liên kết, VNCB hướng đến là ngân hàng tổ chức người bán, kết nối cùng các ngân hàng thương mại cung cấp nguồn vốn cho các đơn vị/doanh nghiệp trong ngành xây dựng - vật liệu xây dựng - bất động sản.

Tập đoàn Thiên Thanh hướng tới là nhà tổ chức cung ứng vật liệu xây dựng, chủ trì xây dựng sàn kinh doanh vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất đầu tiên trên cả nước nhằm kết nối các đối tượng có nhu cầu vật liệu xây dựng là các chủ đầu tư, nhà thầu với nhà sản xuất vật liệu xây dựng. Đây sẽ là giải pháp chuyên nghiệp cho việc khơi thông hàng hóa và kích cầu sản xuất ngành xây dựng, là cơ sở để tín dụng và các công cụ tài chính được sử dụng tối ưu.

Phát biểu tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh đánh giá chương trình tín dụng liên kết 4 nhà mà VNBC và các ngân hàng thực hiện có ý nghĩa kinh tế rất lớn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tháo gỡ khó khăn về vốn cho các dự án đang dở dang, tăng cường hợp tác của các tổ chức tín dụng trong quản lý dòng tiền, củng cố lòng tin, tín nhiệm trong kinh doanh, giảm thiểu cung ứng tín dụng trùng lặp.

Hiện Ngân hàng Nhà nước giao cho BIDV và 7 ngân hàng khác (Agribank, Vietcombank, VietinBank, MHB, VNCB, SHB, LiênViêtPostBank) để đi đến thống nhất hoàn thiện phương án và triển khai chương trình tín dụng này.

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng lưu ý, nguồn vốn do các ngân hàng tự huy động, không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và việc cho vay hoàn toàn theo khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng của ngân hàng. Sau thời gian thí điểm, Ngân hàng Nhà nước sẽ đánh giá để tiếp tục triển khai sản phẩm này.

Về phía Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng đối với ngành xây dựng thông qua chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ đồng. Theo ông Nam, không nên quá quan tâm đến con số 30 hay 50 nghìn tỷ đồng mà quan trọng nhất là cách triển khai thực hiện nghiêm túc ở mức nào giữa các bên trong thời gian tới đảm bảo dòng tiền lưu thông, tăng tính thanh khoản thị trường. Vì nếu thực hiện không tốt thì con số kia không có ý nghĩa gì.

Tại hội nghị, VNCB ký kết hợp tác triển khai chương trình với các Ngân hàng liên minh cung ứng vốn như MBk, OceanBank, SCB, Nam Á Bank, VPBank, HDBank đồng thời VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh ký kết với các doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản như Viglacera, Fico, thép Thái Nguyên, bất động sản Hoàng Quân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục