Liên minh châu Âu coi quan hệ với Nga là thách thức chính

Trong chiến lược chính sách an ninh mới của Liên minh châu Âu, quan hệ với Nga được xem như một "thách thức chiến lược quan trọng."
Liên minh châu Âu coi quan hệ với Nga là thách thức chính ảnh 1Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong chiến lược chính sách an ninh, phát triển dưới sự chỉ đạo của Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini, quan hệ với Nga được xem như một "thách thức chiến lược quan trọng."

Tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU ngày 28/6, bà Mogherini đã trình bày dự thảo chiến lược toàn cầu mới của châu Âu trong lĩnh vực chính sách đối ngoại và an ninh. Văn kiện với tên gọi "Tầm nhìn chung, hành động chung: một châu Âu mạnh mẽ hơn" này được công bố trên trang web của Cơ quan đối ngoại EU.

Trong chiến lược này, quan hệ với Nga được gọi là "thách thức chiến lược quan trọng." Tài liệu ghi chú cách tiếp cận phù hợp và thống nhất nhu cầu của tất cả các nước luôn là nền tảng trong chính sách của EU đối với Nga.

Tài liệu có đoạn: "Chúng ta sẽ không bao giờ chấp nhận việc Nga sáp nhập bất hợp pháp Crimea và gây ra những bất ổn ở miền Đông Ukraine. Chúng ta sẽ củng cố EU, cải thiện sự bền vững của các nước láng giềng Phương Đông của chúng ta và ủng hộ quyền tự do quyết định cách tiếp cận của họ với EU."

Chiến lược nhấn mạnh rằng trong kế hoạch phòng thủ tập thể, cơ sở cho hầu hết các nước thành viên (EU) là NATO, chính bởi vậy cần tăng cường hợp tác với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương này. Đồng thời, cơ quan của bà Mogerini cho rằng các quốc gia châu Âu cần có khả năng tự đảm bảo an ninh cho mình.

Văn kiện viết: "Là người châu Âu, chúng ta cần có trách nhiệm hơn với an ninh của chúng ta. Chúng ta cần sẵn sàng và có khả năng kiềm chế, ứng phó và tự vệ chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài."

Chiến lược trên được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, với kết quả 52% ủng hộ việc rút khỏi EU. Ngày 28/6, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Anh rút khỏi EU càng sớm càng tốt. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố chính phủ Anh cần xác định quan điểm của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục