Lộ diện kẽ hở "giúp" doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM

Lộ diện kẽ hở "giúp" doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM

Tình trạng "trốn'' lập ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thủy điện nhỏ) - quy định bắt buộc và là yếu tố quyết định dự án đó có được triển khai hay không đang khá phổ biến.
Lộ diện kẽ hở "giúp" doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM ảnh 1Dự án Thủy điện Sông Lô 2 tại tỉnh Hà Giang vừa thi công vừa lo ĐTM. (Ảnh: H.C/Vietnam+)

Không chỉ quy hoạch phát triển thủy điện nhỏ một cách ồ ạt, gây ra nhiều sự cố môi trường, trong quá trình triển khai loạt bài “Vỡ trận quy hoạch thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc,” phóng viên VietnamPlus còn phát hiện một số “lỗ hổng” trong khâu kiểm tra, thẩm định các dự án mang tên “công trình ánh sáng.”

Tình trạng doanh nghiệp "trốn'' lập ĐTM (Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thủy điện nhỏ) - một quy định bắt buộc và là một trong những yếu tố quyết định dự án đó có được triển khai hay không đang khá phổ biến, mà nguyên do lại chính từ các văn bản chính sách.

Sự chồng chéo, bất nhất giữa các điều khoản hướng dẫn thủ tục lập ĐTM đối với các dự án thủy điện nhỏ đã tạo ra những “kẽ hở” cho chủ đầu tư lợi dụng “trốn” quy định thiết yếu này và khiến các địa phương lúng túng trong cả việc triển khai cấp phép lẫn xử lý vi phạm.

Bất nhất về thẩm quyền

Trong một phiên họp của Quốc hội vào cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khi đó đã nhấn mạnh, quy định thực hiện đánh giá tác động môi trường là cơ sở rất quan trọng để cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, là bước quan trọng của quá trình hình thành dự án.

Vậy nhưng, có một thực tế là lợi ích môi trường vẫn đang bị xem nhẹ trong quá trình phê duyệt các dự án, và vấn đề nằm ở cả khâu chính sách lẫn thực thi. Từ đó dẫn tới “lỗ hổng” trong việc phê duyệt ĐTM, đặc biệt là dự án thủy điện nhỏ có công suất dưới 10MW đang gây nhiều tranh cãi.

Xuất phát từ thực tế trên, vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai (một trong những địa phương chú trọng phát triển thủy điện nhỏ ở miền Bắc) đã có văn bản số 4952/UBND-TNMT gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc xem xét thẩm quyền thẩm định và phê duyệt ĐTM các dự án thủy điện, để có hướng xử lý.

Căn nguyên là, Lào Cai cho rằng do một số điểm bất nhất quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường; cũng như mâu thuẫn giữa Nghị định này với Nghị định 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.

[Quy hoạch thủy điện Việt Nam: "Quản lý kém nên có rất nhiều lỗ hổng"]

Cụ thể, theo quy định tại mục 27, Phụ lục II, Nghị định 18/2015/NĐ-CP, đối tượng phải lập ĐTM bao gồm các dự án thủy điện có dung tích hồ chứa từ 100.000 m3 nước trở lên hoặc công suất từ 10MW trở lên.

Trong đó, các dự án thủy điện có dung tích hồ chứa từ 100.000.000 m³ nước trở lên thì trách nhiệm thẩm định, phê duyệt ĐTM thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường (theo quy định tại Mục 3, Phụ lục III, Nghị định 18/2015/NĐ-CP). Với các dự án có hồ chứa dung tích dưới 100.000m3 nước hoặc công suất dưới 10 MW, theo quy định tại mục 8, Phụ lục 5.1, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT sẽ do Ủy ban Nhân dân tỉnh thẩm định, phê duyệt.

Tuy nhiên, cũng tại Nghị định 18/2015, mục 6, Phụ lục III lại có quy định “các dự án khai thác nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ do Bộ quyết định thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM. Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm d, Khoản 1, Điều 28 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 cũng lại có quy định quyền thẩm định, phê duyệt, báo cáo ĐTM với các dự án thủy điện tương đương có công suất từ 2 MW trở lên là thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Như vậy, các mục quy định tại nhiều điểm trong Nghị định số 201 đã có sự mâu thuẫn với phụ lục của Nghị định 18/2015/NĐ-CP dẫn đến chồng chéo trong các cấp phê duyệt và thẩm định ĐTM cho các dự án có công suất trên - dưới 10 MW, hoặc dung tích hồ chứa trên và dưới 100.000m3.

Sự bất nhất, quy định chồng chéo nêu trên không chỉ làm khó tỉnh Lào Cai trong việc triển khai, mà nhiều địa phương khác như Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang…cũng lúng túng trong việc thẩm định phê duyệt ĐTM đối với các dự án thủy điện nhỏ.

Đơn cử như Dự án Thủy điện Sông Lô 2 (công suất lắp máy 28 MW), do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Bình làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng từ năm 2015, tại xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên, với tổng vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Dự án này được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phê duyệt ĐTM từ ngày 13/1/2010.

Tuy nhiên, do công trình điều chỉnh quy mô (từ 27 MW lên 28 MW) nên theo quy định, chủ đầu tư phải lập lại ĐTM, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét thẩm định, phê duyệt mới được triển khai thi công. Vậy nhưng, từ năm 2015 đến nay, dự án vẫn thi công theo ĐTM cũ được phê duyệt bởi Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Lộ diện kẽ hở "giúp" doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM ảnh 2Dự án Thủy điện Suối Mu xây dựng tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Môi trường sẽ ra sao sau những "chuyện đã xảy ra rồi?"

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Hoàng Văn Nhu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang giai thích: “Thủy điện Sông Lô 2 trước đây đã có ĐTM, nhưng do đang thi công thì điều chỉnh dự án, nên phải làm lại ĐTM. Việc này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Tuy nhiên, đơn vị chủ đầu tư làm quá muộn, trong khi thủy điện xây dựng sắp xong rồi...”

Từ quan điểm này nên Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang ngày 6/3/2015 đã ban hành Văn bản số 671/UBND-CNGTXD, chấp thuận cho chủ đầu tư Dự án Thủy điện Sông Lô 2 tiếp tục thực hiện, không phải lập lại ĐTM theo đúng quy định của Nhà nước.

Việc Hà Giang “cho qua chuyện đã rồi” của Thủy điện Sông Lô 2 đã đặt ra câu hỏi vậy Dự án này đã đảm bảo được những quy định về môi trường hay chưa? Sau khi đi vào vận hành, liệu dự án có gây ra tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường hay không? Chưa hết, việc “cho qua chuyện đã rồi” này, liệu sẽ là sự khởi đầu cho một hiệu ứng dây chuyền “xập xí xập ngầu” của các dự án tương tự tại Hà Giang cũng như nhiều địa phương khác? Sẽ phải giải quyết những trường hợp như vậy ra sao?.

Một ví dụ điển hình là trường hợp Dự án Thủy điện Suối Mudo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng làm chủ đầu tư trên địa bản tỉnh Hòa Bình đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép thi công từ đầu năm 2016, tại xã Tự Do, huyện Lạc Sơn, với tổng vốn đầu tư 167 tỷ đồng, không cần lập ĐTM.

Sau đó hơn nửa năm, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình mới xác nhận “Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng đã đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Nhà máy thủy điện Suối Mu.” Theo lý giải của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình, Sở này ký Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Văn Hồng là bởi thủy điện Suối Mu có công suất 9 MW, nên chỉ cần làm “đăng ký kế hoạch!”

“Theo Luật cũ thì đơn vị chỉ cần làm cam kết bảo vệ môi trường, và Sở đã ký xác nhận giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho chủ đầu tư. Mặt khác, giữa Nghị định 201/2013, Nghị định 18/2015 của Chính phủ và Thông tư 27/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có điểm chưa được thống nhất, dẫn đến bất cập,” ông Nguyễn Khắc Long, Phó chi cục trưởng Chi cục môi trường tỉnh Hòa Bình nói.

Trong khi đó, cấp trên của ông Long, ông Phạm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Hòa Bình lại khẳng định rằng, nếu việc triển khai Thủy điện Suối Mu chỉ dừng lại ở quy mô cam kết về bảo vệ môi trường thì sẽ rất khó đảm bảo việc triển khai. Một trong những lý do ông Đức đưa ra là, nội dung trong bản báo cáo rất chung chung, không thể hiện rõ các quy định, cam kết....

[“Vỡ trận quy hoạch" thủy điện nhỏ ở các tỉnh miền núi phía Bắc]

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trước sự lúng túng của các địa phương, ngày 1/12/2016, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã ký văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT gửi chung cho các tỉnh, nêu rõ thẩm quyền thẩm định và phê duyệt ĐTM của các dự án thủy điện nhỏ trên cả nước.

Lộ diện kẽ hở "giúp" doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM ảnh 3Giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường của chủ đầu tư Dự án thủy điện Suối Mu. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường viện dẫn các quy định được nêu tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP và Nghị định số 201/2013/NĐ- CP rồi đưa ra kết luận: “Như vậy, các dự án thủy điện thuộc đối tượng phải thực hiện ĐTM và có công suất lắp máy từ 2 MW trở lên thuộc thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường.”

Với văn bản này, mặc định thẩm quyền phê duyệt ĐTM đối với các dự án thủy điện dưới 10MW được “quy về một mối” là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhưng, vậy còn các dự án đã thi công trước văn bản này thì sẽ giải quyết ra sao? Đơn cử như Dự án Thủy điện Suối Mu, liệu dự án này có cần phải bổ sung ĐTM?

Để rõ hơn cho không chỉ riêng trường hợp Thủy điện Suối Mu mà còn rất nhiều dự án khác của nhiều địa phương cũng trong tình trạng tương tự, ngày 5/7/2017, VietnamPlus đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị giải đáp một số thông tin liên quan. Bên cạnh đó, VietnamPlus cũng đã nhiều lần liên hệ làm việc với Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Tổng cục Môi trường), nhưng cho đến nay chưa nhận được phản hồi.

Ở góc độ chuyên gia, tiến sĩ Nguyễn Khắc Kinh, nguyên Vụ trưởng Vụ thẩm định đánh giá tác động môi trường-Tổng Cục môi trường, hiện là Chủ tịch Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho rằng: Việc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình ký xác nhận Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Dự án Thủy điện Suối Mu khi dự án này đã thi công là sai quy định.

“Trong việc này, có 3 khả năng, một là do chủ đầu tư không biết, sau đó bổ sung; hai là biết nhưng cố tình vi phạm; ba là lợi dụng sự chồng chéo bất cập của Nghị định để làm cái lợi nhất cho mình. Dù là khả năng nào thì cũng không thể hợp thức hóa bằng cách ký xác nhận Giấy đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho dự án thủy điện đã triển khai xây dựng như thế," ông Kinh nêu quan điểm.

Để giúp công tác thẩm định xử lý môi trường thuận lợi, minh bạch đảm bảo môi sinh phát triển bền vững cũng  là đảm bảo quyền lợi đầu tư và trách nhiệm của các doanh nghiệp, ông Kinh cho rằng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần điều chỉnh các văn bản, thống nhất quy định giữa Nghị định và Thông tư hướng dẫn càng sớm càng tốt. Đồng thời có bổ sung, hướng dẫn biện pháp xử lý với các dự án đang thi công dở dang hoặc bắt đầu thi công (khi chưa có thông tư).

Trong diễn biến liên quan, nguồn tin từ Cục Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường tiết lộ, sau khi tập hợp ý kiến của các địa phương, mới đây, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo đính chính lại văn bản hướng dẫn số 5657/BTNMT-TCMT.

VietnamPlus sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, sau hơn 3 năm (2013-2016) thực hiện rà soát quy hoạch theo Nghị quyết 62 của Quốc hội, đã loại khỏi quy hoạch 471 dự án thủy điện. Trong đó có 463 dự án thủy điện nhỏ với công suất hơn 1.400 MW. Đây là các dự án tác động tiêu cực đối với môi trường-xã hội, hiệu quả kinh tế thấp, ảnh hưởng quy hoạchdự án ưu tiên khác tại khu vực.

Tính đến hết tháng 6/2017, trên toàn quốc có 713 dự án thủy điện nhỏ với công suất hơn 7.217 MW. Trong đó có 264 dự án đã đưa vào vận hành khai thác; 146 dự án đang thi công xây dựng; 250 dự án đang nghiên cứu đầu tư; 53 dự án chưa nghiên cứu đầu tư../.
Lộ diện kẽ hở "giúp" doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM ảnh 4Văn bản hướng dẫn nêu rõ thẩm quyền thẩm định phê duyệt ĐTM của các dự án thủy điện nhỏ. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
Lộ diện kẽ hở "giúp" doanh nghiệp thủy điện nhỏ “trốn” ĐTM ảnh 5Văn bản hướng dẫn nêu rõ thẩm quyền thẩm định phê duyệt ĐTM của các dự án thủy điện nhỏ. (Ảnh: H.V/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục