Loại bỏ giấy phép không cần thiết cho doanh nghiệp nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra văn bản yêu cầu loại bỏ, đơn giản hóa thủ tục phù hợp với điều kiện hiện nay nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh.
Loại bỏ giấy phép không cần thiết cho doanh nghiệp nông nghiệp ảnh 1Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ra văn bản số 8494/TB-BNN-VP, ngày 21/10 thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu toàn bộ các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát tất cả các loại giấy phép liên quan đến thủ tục hành chính và loại bỏ những giấy phép không cần thiết nhằm đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp nông nghiệp cũng như người sản xuất, kinh doanh trong ngành.

Sau những thông tin báo chí phản ánh về tình trạng việc cơ quan nhà nước ra hàng loạt “giấy phép con” gây khó cho nhiều doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã kiên quyết chấn chỉnh vấn đề này và yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ thống kê lại tất cả các loại giấy phép, giấy chứng nhận đang cấp cho doanh nghiệp, người dân theo thẩm quyền.

Các đơn vị trên sẽ phải kết thúc việc rà soát, thống kê và kiến nghị bỏ các thủ tục không cần thiết trước ngày 20/11 tới và báo cáo với Bộ trưởng trước ngày 30/11 tới.

Trước đó, tại diễn đàn về doanh nghiệp nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, đại diện một số đơn vị phản ánh về tình trạng nhiều loại quy định tại các văn bản không còn phù hợp với thực tế; điển hình là: Quyết định 47/2005/QQĐ-BNN ngày 22/7/2005 quy định việc vận chuyển trên 200 kg mật ong hay 1 đàn ong ra khỏi huyện phải có giấy kiểm dịch.

Với quy định này, theo tính toán của bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nuôi ong Việt Nam với sản lượng 45.000 tấn mật ong hàng năm, sẽ phải cần tới 225.000 giấy phép để chuyển ra khỏi các huyện.

Một vướng mắc khác là Thông tư 23/2009/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2009, trong đó giao Hiệp hội Nuôi ong xác minh nguồn gốc mật ong, phân biệt rõ ràng mật ong Việt Nam và các nước khác. Theo thông kê, hiện nay số hội viên của Hiệp hội Nuôi ong là 45 đơn vị; tuy nhiên, do Thông tư này ghi là có 29 hội viên của Hiệp hội nên rất khó khăn trong giải thích với các cơ quan quản lý của Mỹ và EU đối với 16 thành viên còn lại để xuất khẩu mật ong./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục