Loay hoay tìm tiêu chuẩn giáo viên dạy tiếng Anh

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cố gắng tìm tiêu chí cho giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn, nhằm làm cơ sở cho việc bồi dưỡng giáo viên.
Các tiêu chí nào cho giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn là vấn đề trung tâm của “Hội thảo Chuẩn năng lực giáo viên tiếng Anh” vừa được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức sáng nay, ngày 5/5/2011, tại Hà Nội.

Theo kiến nghị của ông Trần Văn Phước, Hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, chuẩn đầu ra của giáo viên ngành cử nhân sư phạm tiếng Anh cần có 7 tiêu chí, gồm: ý thức chính trị và đạo đức nghề nghiệp, phẩm chất cá nhân, kỹ năng lớp học, năng lực phương pháp, khả năng ngôn ngữ, năng lực ngôn ngữ ứng dụng, năng lực đánh giá, năng lực suy nghiệm và phát triển chuyên môn, quan hệ với nhà trường và cộng đồng.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Canh, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, việc xây dựng chuẩn nghề nghiệp cho giao viên là cấp bách nhưng điều quan trọng hơn là cần phải xác định rõ mục đích của việc xây dựng và áp dụng chuẩn nghề nghiệp cho giáo viên tiếng Anh là gì? Định hướng này vô cùng quan trọng trước thực tế đa số giáo viên tiếng Anh hiện đang giảng dạy ở cấc trường phổ thông của Việt Nam chủ yếu là từ nguồn đào tạo tại chức. Hơn nữa, điều kiện khó khăn của các trường phổ thông ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn đã dẫn đến một thực tế đáng buồn là càng lâu năm trong nghề thì trình độ tiếng Anh càng yếu, phương pháp giảng dạy càng cứng nhắc và lạc hậu.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, giáo viên tiếng Anh gồm cả nhiều người học các ngành khác làm giảng dạy, không học sư phạm nên thiếu kiến thức chuyên môn. Khi áp dụng dạy chương trình chuẩn thì năng lực thiếu lại càng thiếu. Không chỉ giáo viên ở bậc phổ thông mà cả đại học, cao đẳng. Trong khi đó, với xu hướng hội nhập hiện nay, tiếng Anh ngày càng có vai trò quan trọng. Vì thế, việc xây dựng chuẩn giáo viên là hết sức cần thiết để thực hiện công tác bồi dưỡng cho giáo viên.

Chia sẻ ý kiến này, ông Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng ban đề án ngoại ngữ quốc gia cho biết, hội thào nhằm trả lời cho giáo viên tiếng Anh Việt Nam phải biết những gì? Đây cũng là cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo giáo viên mới, đào tạo nâng chuẩn giáo viên để họ không bị bỏ lại đằng sau, để người dân tin tưởng con em họ sẽ được giáo dục tốt đồng thời là cơ sở để kiểm định chương trình tiếng Anh trên cả nước.

Theo ông Nguyễn Lộc, Phó viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Viện sẽ tổ chức các buổi hội thảo hội thảo tiếp theo về vấn đề này để xây dựng được các tiêu chuẩn hợp lý nhất./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục