Lợi thế và khó khăn trong phát triển kinh tế, du lịch Hà Tiên

Du lịch Hà Tiên-Kiên Lương phát triển chưa được như kỳ vọng do chưa có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kết nối, nhất là kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc.
Lợi thế và khó khăn trong phát triển kinh tế, du lịch Hà Tiên ảnh 1Khách du lịch tham quan Khu du lịch Hòn Phụ Tử, huyện Kiên Lương. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Hà Tiên-Kiên Lương nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Kiên Giang, có địa hình đa dạng, với rừng, núi, đồng bằng, sông rạch, đầm hồ, biển đảo và nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, lễ hội…

Hai quần đảo Hải Tặc (Hà Tiên), Bà Lụa (Kiên Lương), với hơn 70 hòn đảo lớn nhỏ được ví như “Hạ Long phương Nam” cùng nhiều núi đá vôi trải dài theo bờ biển, các đảo, quần thể hang động, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú tạo nên nét đặc trưng riêng của du lịch Hà Tiên-Kiên Lương.

Chục nghìn tỷ đồng đổ vào bất động sản Hà Tiên

Theo thống kê mới nhất của phòng kế hoạch thành phố Hà Tiên, đến năm 2020 thành phố có 210 công trình, dự án. Tiêu điểm phải kể đến cảng Bãi Nò (419 tỷ), Khu du lịch Mũi Nai-Núi Đèn (300 tỷ), Khu du lịch Tà Lu-Mũi Nai (100 tỷ), Khu du lịch Nam Hà Tiên (918 tỷ),…

Trước đó, Hà Tiên cũng đón dự án Công viên văn hóa và Làng sinh thái Đông Hồ có quy mô khoảng 33ha thuộc phường Đông Hồ của hệ thống Trần Thái Group phát triển.

Ngoài ra, một số tập đoàn lớn cũng đang tiến về Hà Tiên để xây dựng khu thương mại và triển khai các dự án bất động sản nghỉ dưỡng tại khu vực Mũi Ông Cọp, quần đảo Hải Tặc, Khu đô thị mới Hà Tiên,…

Ngoài bất động sản, Hà Tiên cũng đón dòng vốn khủng từ lĩnh vực công nghiệp. Như đại gia thủy sản lớn nhất Việt Nam Minh Phú đang xây dựng khu phức hợp công nghiệp công nghệ cao phát triển chuỗi giá trị tôm lớn nhất Đông Nam Á, tập trung tại Hà Tiên, Kiên Lương, Giang Thành. Dự kiến sẽ có khoảng 40,000 công nhân làm việc, tổng giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD mỗi năm.

Giải pháp đồng bộ phát triển du lịch

Hà Tiên-Kiên Lương có nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như Mũi Nai, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, chùa Hang, tại núi Bình San, chùa Phù Dung, chùa Tam Bảo, đầm Đông Hồ, núi Tô Châu, núi Đá Dựng, Thạch Động, sông Giang Thành… thuận lợi để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội cũng là một thế mạnh của Hà Tiên-Kiên Lương. Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên mang lại sản phẩm đặc thù du lịch vùng biên, du lịch mua sắm, thu hút du khách từ Canpuchia và Thái Lan.

[Kiên Giang mời gọi, thu hút đầu tư vào các vùng trọng điểm du lịch]

Lợi thế và khó khăn trong phát triển kinh tế, du lịch Hà Tiên ảnh 2Khách du lịch tham quan Chùa Hang, Khu du lịch Hòn Phụ Tử, huyện Kiên Lương. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Dù có nhiều lợi thế, tiềm năng nhưng thời gian qua, vùng du lịch này phát triển chưa được như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, rất cần giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để phát triển bền vững trước mắt cũng như lâu dài.

Du lịch phát triển chưa được như kỳ vọng là do chưa có chính sách cụ thể để thu hút đầu tư nâng cấp, phát triển hạ tầng kết nối, nhất là kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và Phú Quốc, cũng như đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, các sản phẩm du lịch tiềm năng của vùng đất này. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch yếu, nhiều bất cập. Đội ngũ lao động du lịch thiếu, chất lượng hạn chế, sản phẩm và dịch vụ du lịch còn thấp… ảnh hưởng bất lợi đến sức hấp dẫn, sự phát triển của vùng du lịch.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên, cho biết nằm trong vùng du lịch trọng điểm Hà Tiên-Kiên Lương, thành phố Hà Tiên phấn đấu đến năm 2025 đón khoảng 3 triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, du lịch. Hà Tiên tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch, chú trọng hạ tầng giao thông, nhất là Quốc lộ 80 hiện đã quá tải, xuống cấp.

Thành phố mời gọi thu hút nhà đầu tư phát triển du lịch, chú trọng những nhà đầu tư chiến lược, chuyên nghiệp; tăng cường liên kết phát triển du lịch với các địa phương trong, ngoài tỉnh và nước bạn Campuchia…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục