Long An được xếp hạng cao nhất về thực hiện quyền trẻ em

Trong 63 tỉnh, thành phố, Long An là tỉnh duy nhất liên tiếp trong 2 năm 2012 và 2013 xếp hạng cao nhất về chỉ số thực hiện quyền trẻ em.
Long An được xếp hạng cao nhất về thực hiện quyền trẻ em ảnh 1Việc thực hiện quyền trẻ em ở các tỉnh, thành phố lần đầu tiên đã được đánh giá xếp hạng. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong 63 tỉnh, thành phố, Long An là tỉnh duy nhất trong 2 năm 2012 và 2013 xếp hạng cao nhất về chỉ số thực hiện quyền trẻ em.

Đây là kết quả của buổi công bố xếp hạng địa phương về thực hiện quyền trẻ em năm 2013 do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 17/6. Đây là lần đầu tiên Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu chính sách phát triển bền vững (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) nghiên cứu và tổ chức công bố xếp hạng này.

Bộ chỉ số xếp hạng 63 tỉnh, thành phố về thực hiện quyền trẻ em được tổng hợp từ 5 chỉ số trung gian đại diện cho 5 lĩnh vực quan trọng liên quan đến trẻ em gồm: Mức độ quan tâm của địa phương cho công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; mức độ chăm sóc sức khỏe trẻ em; mức độ thực hiện công tác bảo vệ trẻ em; mức độ đảm bảo sự tham gia của trẻ em; mức độ đảm bảo sự phát triển của trẻ em cả về trí tuệ, thể chất và vui chơi.

Theo kết quả khảo sát, 10 tỉnh, thành phố đứng đầu bảng xếp hạng về thực hiện quyền trẻ em năm 2013 lần lượt là Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Bình, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định.

5 tỉnh đứng cuối bảng xếp hạng đều là các địa phương còn khó khăn về điều kiện kinh tế gồm: Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Đăk Nông, Ninh Thuận.

Đánh giá về kết quả xếp hạng các tỉnh, thành phố, Cục trưởng Cục Bảo về chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu nhận định, không có sự khác biệt quá lớn giữa các tỉnh, thành phố về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các tỉnh đứng đầu do đạt kết quả khá tốt và đều hơn các địa phương khác, còn các địa phương đứng cuối do có nhiều chỉ số trung gian thấp.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cho rằng, hạn chế chính của nghiên cứu này là số lượng chỉ số con còn nhỏ, chưa đại diện hết cho việc thực hiện các quyền của trẻ em; nghiên cứu vẫn chủ yếu dựa vào số liệu, báo cáo, còn thiếu thông tin từ kiểm toán xã hội. Vì vậy, thông tin cho xây dựng bộ chỉ số cần được chuẩn hóa, hoàn thiện và thu thập đầy đủ từ năm 2014 để hoàn chỉnh hơn.

Việc xếp hạng này nhằm đưa ra một bộ chỉ số mang tính khoa học, khách quan, thiết thực, cụ thể nhằm cung cấp cho cán bộ lãnh đạo các cấp, các tổ chức trong nước, quốc tế những thông tin tổng hợp và cụ thể về kết quả thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em tại 63 tỉnh, thành phố./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục