Lũ tiểu mãn năm nay sẽ xuất hiện vào tháng 5

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng, lũ tiểu mãn năm 2009 có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 5. Lũ sớm trên sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Theo Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng, lũ tiểu mãn năm 2009 có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 5. Lũ sớm trên sông Cửu Long có khả năng xuất hiện vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.

Lũ tiểu mãn năm nay trên các sông ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên thuộc loại trung bình, lũ sớm trên sông Cửu Long ở mức thấp hơn báo động 1.

Như vậy, lũ tiểu mãn năm nay xuất hiện đúng theo quy luật, không có dấu hiệu bất thường (những năm trước từ 20/5 mới có lũ tiểu mãn). Lũ tiểu mãn là lũ nhỏ, phần lớn không gây thiệt hại mùa màng, nhưng rất có giá trị với ngành điện bởi nửa đầu năm, do trời ít mưa, lại phải tăng xả nước thủy điện để phục vụ gieo cấy vụ đông xuân nên mực nước hồ thủy điện giảm đáng kể. Khi lũ về, các hồ thủy điện sẽ được bổ sung nước, tăng lượng phát điện.

Trong thời gian qua, trên các sông ở Bắc Bộ mực nước biến đổi chậm với xu thế giảm dần, ở hạ lưu bị ảnh hưởng thủy triều. Mực nước hạ lưu sông Hồng chịu ảnh hưởng điều tiết của các hồ chứa và tăng cường xả phát điện nhằm phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân.

Mực nước thấp nhất trên sông Hồng tại Hà Nội là 0,92m (ngày 16/3). Lưu lượng dòng chảy từ tháng 11/2008 đến tháng 2/2009 trên các sông Đà, Thao, Lô và các sông thuộc hệ thống sông Thái Bình khá dồi dào và cao hơn mức trung bình nhiều năm từ 25 - 50%, sang tháng 3 giảm nhiều và ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, vào thời điểm cuối tháng 12/2008 và đầu tháng 1/2009, trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận đã xuất hiện một đợt lũ muộn trái mùa với đỉnh lũ trên phần lớn các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa ở mức báo động 2, 3, một số nơi vượt mức báo động 3 từ 0,1 - 0,4 m. Đây là trận lũ lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trong tháng 1.

Tính đến hết tháng 3, lượng dòng chảy trên các sông ở Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa và Nam Tây Nguyên cao hơn trung bình nhiều năm từ 5-30%. Tuy nhiên, các sông khác ở Trung Bộ và Tây Nguyên lại thiếu hụt từ 10 - 50%.

Khu vực Nam Bộ, mực nước sông Cửu Long giảm dần, trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc luôn ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,1 - 0,2 m, cao hơn cùng kỳ năm 2008 khoảng 0,1 m. Vào giữa tháng 12/2008, trên hệ thống sông Sài Gòn-Đồng Nai đã xuất hiện một số đợt triều cường với đỉnh triều cường tại Phú An trên sông Sài Gòn đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 1,55 m./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục