Luật BHXH mới có nhiều thay đổi về chế độ thai sản

Có nhiều điểm mới về chế độ thai sản trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội mà Bộ Lao động đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Theo dự thảo luật Bảo hiểm xã hội, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội thì khi vợ sinh con sẽ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 5 ngày làm việc kể từ 30 ngày đầu vợ sinh con. Đối với trường hợp vợ sinh con phải phẫu thuật thì lao động nam được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 7 ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

[Đề xuất tăng gấp 3 lần mức phạt chậm đóng BHXH]


Đây là một trong nhiều điểm mới về chế độ thai sản trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang đưa ra lấy ý kiến nhân dân trước khi trình Quốc hội thông qua.

Ngoài quy định về thời gian lao động nam được nghỉ khi vợ sinh con, dự thảo còn quy định trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ khi sinh con thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 tháng tiền lương cơ sở cho mỗi con.

Theo dự thảo, trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai năm lần, mỗi lần một ngày; trường hợp ở xa cơ sở y tế hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ hai ngày cho mỗi lần khám thai.
 
Theo Dự thảo dự thảo, khi sẩy thai, nạo, hút thai hoặc thai chết lưu thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở y tế có thẩm quyển và tối đa mười ngày nếu thai dưới năm tuần tuổi; tối đa hai mươi ngày nếu thai từ năm tuần tuổi đến dưới mười ba tuần tuổi; tối đa bốn mươi ngày nếu thai từ mười ba tuần tuổi đến dưới hai mươi lăm tuần tuổi; tối đa năm mươi ngày nếu thai từ hai mươi lăm tuần tuổi trở lên.  
 
Điều 32 của Dự thảo quy định, lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Bên cạnh đó, lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn 6 tháng nghỉ sinh khi có đủ các điều kiện: Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng, có xác nhận của cơ sở y tế về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động, phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý. Đặc biệt, ngoài tiền lương của những ngày làm việc, lao động nữ đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con vẫn được hưởng chế độ thai sản

Vấn đề tuổi nghỉ hưu cũng là nội dung được đưa ra nhiều phương án để lấy ý kiến trong  dự thảo lần này.

Dự thảo đưa ra 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu của lao động trong thời gian tới. Theo phương án 1, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ.
 
Phương án 2 quy định, từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
 
Bên cạnh phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2016, dự thảo cũng đề xuất thêm hai phương án lùi thời điểm tăng tuổi nghỉ hưu:  Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ hoặc từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Đối với việc xử lý vi phạm trốn đóng hoặc chậm đóng tiển bảo hiểm xã hội cả người lao động thì ngoài việc phải đóng số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp còn phải đóng số tiền lãi của số tiền chưa đóng, chậm đóng 03 lần lãi suất của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội của năm trước liền kề hoặc 02 lần lãi suất liên ngân hàng.

Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội cũng đưa ra những quy định mới về thủ tục thực hiện bảo hiểm xã hội để lấy ý kiến nhân dân.

Dự kiến, luật Bảo hiểm xã hội nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1/1/2015./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục