Luật Hợp tác xã: Xóa bỏ tình trạng DN trá hình

Luật Hợp tác xã mới: Xóa bỏ tình trạng DN trá hình

Luật Hợp tác xã sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua vào 22/12 hướng đến một mục tiêu quan trọng là xóa bỏ tình trạng DN trá hình.
Luật Hợp tác xã sửa đổi sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 22/12 tới đây, tuy nhiên Dự thảo Luật Hợp tác xã sau khi được đưa vào thảo luận tại kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XIII, cho thấy vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, kiến nghị của đại biểu quốc hội và người dân về bản chất của hợp tác xã sửa đổi có tạo động lực mới cho Hợp tác xã phát triển.

Rất nhiều ý kiến đóng góp cho dự án luật này đã đưa ra tại cuộc tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào cuối tuần qua, tại Hà Nội. 

Băn khoăn về các định nghĩa

Hầu hết các ý kiến tập trung vào định nghĩa hợp tác xã trong Dự thảo Luật không quy định hợp tác xã là loại hình doanh nghiệp.

Ông Phan Văn Công, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ, thậm chí còn cho rằng Luật sửa đổi là "một bước lùi" trong việc quan tâm và tạo điều kiện cho hợp tác xã thành lập và phát triển. Một số nội dung tích cực được quy định ở Luật Hợp tác xã 2003 đã bị bỏ đi hoặc sửa đổi theo hướng chặt chẽ, khó khăn hơn.

“Như khái niệm Hợp tác xã được thể hiện khá rõ ở Điều 1 Luật Hợp tác xã 2003, còn khái niệm hợp tác xã được thể hiện trong Điều 4 dự thảo Luật sửa đổi chưa đầy đủ và không thể hiện rõ được bản chất hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp đặc thù. Quy định tại Điều 9 và 10 tại dự thảo Luật về quyền và nghĩa vụ vừa gò bó hoạt động của hợp tác xã lại không phù hợp với quy luật của sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang xây dựng và hướng tới.”

Đại diện một số liên minh hiệp hội kiến nghị nên xác định hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, hoạt động như một loại hình doanh nghiệp và các nguyên tắc hợp tác xã nên giữ nguyên như Luật HTX 2003. Tài sản không chia nên quy định lại, một phần nhà nước giao hoặc cấp, còn lại do Đại hội xã viên quyết định đồng thời việc xử lý tài sản hợp tác khi giải thể nên theo quy định của Luật phá sản doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Hiếu, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh viện dẫn, việc Dự thảo Luật không coi hợp tác xã là một loại hình doanh nghiệp là chưa phù hợp với chủ trương của Nghị quyết Hội nghị lần Thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Theo ông Hiếu, Luật mới quy định “Thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối cho thành viên, hợp tác xã thành viên chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ…” Trong khi đó, Nghị quyết 13-NQ/TW nói “phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ…”

Ngoài ra, theo quy định mới “Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ưu tiên vay vốn từ thành viên, hợp tác xã thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh…”. Song, ông Hiếu nhấn mạnh, hợp tác xã là tổ chức kinh tế của những người sản xuất riêng lẻ, yếu thế, thiếu vốn nên phải liên kết, hợp tác lại để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất kinh doanh, góp phần xóa đói, giảm nghèo… Do đó, nếu hợp tác xã chỉ ưu tiên vay vốn từ thành viên, chỉ khi nguồn đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu thì mới huy động các nguồn khác là chưa hợp lý.

Ngoài ra, từ dự thảo Luật, “Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế,” một số ý kiến cho rằng như vậy chính sách ưu đãi ở đây là gì khi pháp luật về thuế không quy định ưu đãi riêng cho các hợp tác xã về thuế?

Thêm vào đó Dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Bản dự thảo xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội), thì hợp tác xã không phải là doanh nghiệp, nhưng các hợp tác xã vẫn đang phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Do vậy, họ kiến nghị Quốc hội cần ban hành Luật thuế thu nhập hợp tác xã, để tránh mâu thuẫn trong các luật và tránh việc các hợp tác xã khiếu kiện, khi họ không phải là doanh nghiệp, mà vẫn phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Xóa bỏ doanh nghiệp "đột lốt" hợp tác xã

Trên thực tiễn, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp đều là các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân. Hai loại hình tổ chức này có đặc điểm giống nhau như được thành lập hợp pháp, có điều lệ, có cơ cấu tổ chức, có tài sản và tự chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản. Theo đó, hợp tác xã cũng phải được quản trị như doanh nghiệp nhằm tiến hành hoạt động kinh doanh của mình có hiệu quả. 
 
Tuy nhiên, hợp tác xã có những đặc điểm riêng khác với doanh nghiệp về bản chất. Mục đích hoạt động của hợp tác xã là tối đa hóa lợi ích cho thành viên thông qua việc đáp ứng nhu cầu chung của thành viên về sản phẩm, dịch vụ hoặc tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên một cách hiệu quả hơn so với việc để từng thành viên đơn lẻ thực hiện.
Hoạt động của hợp tác xã có thể đem lại lợi nhuận cho các thành viên nhưng lợi nhuận chỉ là phương tiện để hợp tác xã thực hiện mục tiêu tối đa hóa lợi ích cho thành viên và thông qua lợi ích đó để tối đa hóa lợi nhuận cho từng thành viên. 
 
Trong khi đó, mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp và cổ đông doanh nghiệp là lợi nhuận. Hoạt động của doanh nghiệp thông thường không tác động đến hoạt động kinh tế của các cổ đông mà chỉ tác động tới vốn góp nhằm mục tiêu lợi nhuận cho mỗi cổ đông. 
 
Do vậy, Bà Phạm Thị Thanh Hà, Vụ phó Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, bản chất hợp tác xã được thể hiện tại định nghĩa hợp tác xã ( Điều 3) và xuyên suốt ở các điều của dự thảo Luật là đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. “Nghị quyết đã đã nêu rõ bản chất hợp tác xã ‘Kinh tế tập thể với hình thức phổ biến là các tổ hợp tác và hợp tác xã; trong lĩnh vực nông nghiệp, trước hết tập trung làm các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ thành viên’ và ‘Khi hợp tác xã phát triển đến trình độ cao hơn thì sẽ hình thành các doanh nghiệp của hợp tác xã, các liên hiệp hợp tác xã,’ bà Thanh nói.

Theo quy định mới, hợp tác xã phải cung ứng dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của thành viên… mà hợp tác xã cam kết với thành viên. Ngoài ra, hợp tác xã cũng có quyền cung ứng dịch vụ ra thị trường nhưng phải bảo đảm hoàn thành nghĩa vụ đối với thành viên.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Văn Niêm giải thích, hợp tác xã trước hết là của xã viên, đối tượng dịch vụ là chính các xã viên của mình sau đó đến cộng đồng.

Hơn nữa, theo Liên minh Hợp tác xã Quốc tế, các xã viên trong hợp tác xã bình đẳng mỗi người một phiếu và không bị chi phối bởi giá trị vốn góp.

“Bản chất hợp tác xã là không chia tài sản chung (các quỹ phát triển sản xuất, quỹ dự phòng..). Những tài sản chung này được tích lũy trong quá trình sản xuất từ đời này sang đời khác, từ xã hội này sang xã hội khác nên không thẻ chia cho xã phiên trong các trường hợp giải thể mà nó phải được chuyển giao lại cho xã hội.

Dự thảo Luật hợp tác xã sửa đổi đã tiếp cận sát nhất các nguyên tắc cơ bản của Liên minh Hợp tác xã Quốc tế,” ông Niêm lý giải về quy định không chia tài sản chung trong Dự thảo Luật.

Tham ra buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đặng Huy Đông khẳng định, Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi được thông qua sẽ thay đổi cả về chất và lượng của các hợp tác xã. 

Theo Thứ trưởng, Luật cũ quy định, hợp tác xã là doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng rất nhiều trường hợp là doanh nghiệp nhưng lại trá hình là hợp tác xã để được hưởng lợi các chính sách ưu đãi.

Từ một thống kê chưa chính thức được cung cấp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nhà nước đang bị thất thu khoảng 180 tỷ đồng tiền thuế đất từ các hợp tác xã trá hình đã lợi dụng chính sách ưu đãi giảm 50% thuế thuê đất cho các hợp tác xã.

Do đó, Thứ trưởng khẳng định, phải có hướng xử lý các doanh nghiệp trá hình và không có lý gì mà không gọi đúng tên cho họ, có như vậy chính sách của Chính phủ mới đến được đúng đối tượng.

“Thêm vào đó, chúng ta chưa có một hệ thống quản lý từ trung ương đến địa phương về hợp tác xã. Do đó, các số liệu thống kê hầu như không chuẩn xác, như vậy, không thể hiện được một bức tranh lớn. Tới đây, chúng ta sẽ phải xây dựng cơ quan quản lý hành chính nhà nước về hợp tác xã,” Thứ trưởng Đặng Huy Đông nói.

Ban soạn thảo cũng khẳng định những điểm khác biệt trong dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi, bổ sung lần này mục đích tạo động lực mới, tăng hiệu quả kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Không những thế, còn tác động vào kinh tế của từng thành viên giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Từ đó tăng hiệu quả cho các xã viên, nông dân giúp họ không còn đơn lẻ nữa, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn với giá tốt hơn./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục