Luật Môi trường: Cần một hành lang pháp lý rõ ràng

Luật Bảo vệ Môi trường cần bổ các quy định về thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm; sửa chữa các điểm chưa rõ ràng, trùng lặp, khó triển khai.
Tại Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), do Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24/4, tại Hà Nội, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực VCCI nhấn mạnh rằng, để đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó trong khi một số ý kiến nêu về nhiều điểm chưa rõ ràng, trùng lặp, khó triển khai của Luật do vậy việc cần thiết hiện nay là cần tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho lực lượng thanh tra chuyên ngành chủ động và linh hoạt trong công tác bảo vệ môi trường.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao bản dự thảo đã có tiến bộ rõ rệt, thể hiện sự đầu tư kỹ càng như quy định về quy hoạch môi trường, tiêu chuẩn môi trường, đặc biệt là về trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường tại các khu dân cư.

Cụ thể, góp ý việc cấp giấy chứng nhận về các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường (Điều 50) ông Trần Miên, nguyên Trưởng ban Môi trường Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo làm rõ ý nghĩa cụm từ “cá nhân” quy định trong việc này là một người cụ thể, hay một cơ sở/đơn vị không thuộc nhà nước.

Về quản lý chất thải rắn thông thường, ông Miên cho rằng điều này không phù hợp với loại hình đất đá thải mỏ trong khai thác khoáng sản.

Lý giải cho thực tế này, ông Miên cho hay: “Đất đá thải mỏ hiện nay không thể phân loại, tái sử dụng, hay tái chế. Riêng hình thức chôn lấp chỉ thực hiện được một phần khi hoàn thổ các khu vực đã khai thác.”

Đồng tỉnh quan điểm trên, bà Trần Thị Hương Trang, Giám đốc Công ty Luật Legal Associates Hà Nội cho rằng mối quan hệ giữa giấy chứng nhận về các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường tại điều 39, với hàng loạt giấy phép chưa quy định rõ ràng.
 
 “Câu hỏi đặt ra là sẽ có 1 giấy chứng nhận hay tồn tại song song nhiều loại giấy chứng nhận? Trên thực tế, riêng giấy chứng nhận về các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường là cần thiết, vì đó là một cách xác nhận tốt nhất đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm các thủ tục được hưởng các ưu đãi về thuế và các chính sách khuyến khích khác.

Đề cập tới quy định khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường tại điểm ô nhiễm, bà Trang cho rằng Ban soạn thảo chưa đề cập rõ ràng trách nhiệm, chủ thể gây ô nhiễm trong từng trường hợp cụ thể.

Tham gia góp ý tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã về tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường và quyền của cộng đồng dân cư chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi các dự án.

Cùng với đó, nhiều ý kiến cũng yêu cầu Ban soạn thảo cần cân nhắc về thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn Luật là Chính phủ hay Bộ Tài nguyên và Môi trường để tránh lặp lại hạn chế của Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 là sau nhiều năm chưa có hướng dẫn để các doanh nghiệp thực hiện./.

Hùng Võ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục