Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ 1/5

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thi hành từ 1/5/2013 với 5 chương, 35 điều, trong đó quy định các điểm cấm hút thuốc.
Ngày 23/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Chính sách quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết trong thời gian qua, Bộ Y tế và các bộ, ngành; các cơ quan, đoàn thể các tỉnh, thành phố đã tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.

Báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy hoạt động này tại Việt Nam bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như: tỷ lệ người sử dụng thuốc lá đã giảm từ 56,1% (năm 2001) xuống còn 47,4% (năm 2010) trong nam giới và từ 1,8% xuống 1,4% trong nữ giới. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc đã có những tiến bộ; hành vi hút thuốc lá tại công sở, bệnh viện và trường học đã giảm...

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn như tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới còn cao, người hút thuốc không dễ bỏ thuốc, đầu tư nguồn lực cho công tác này còn hạn chế... Chính vì vậy, việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng và điều kiện thuận lợi cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá của Việt Nam.

Thời gian tới, việc triển khai Luật cần tập trung vào một số nội dung như thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá tại cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện và một số nơi công cộng; cán bộ lãnh đạo các cấp cần nêu cao tấm gương không sử dụng thuốc lá; thực hiện nghiêm các quy định cấm bán thuốc lá, cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ các sản phẩm thuốc lá...

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 với 5 chương và 35 điều. Luật quy định các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện đảm bảo để phòng chống tác hại thuốc lá. Một trong những nội dung quan trọng của Luật là quy định về các địa điểm cấm hút thuốc, bao gồm: các địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn, các địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc; quyền là trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá.

Đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg (25/1/2013) phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2020. Mục tiêu của của chiến lược là giảm nhu cầu sử dụng và kiểm soát để từng bước giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhằm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá gây ra.

Các giải pháp chủ yếu được đưa ra trong Chiến lược bao gồm việc hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; tiếp tục tăng cường thực thi quy định môi trường không khói thuốc lá; chủ trì nghiên cứu, lồng ghép các nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào chương trình giảng dạy của các cấp học, bậc học; nghiên cứu và xây dựng các đề án thay thế khả thi về kinh tế cho người trồng thuốc lá; thành lập các đoàn thanh tra liên bộ giám sát địa điểm công cộng không khói thuốc...

Tại hội nghị, ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chúc mừng Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá với những biện pháp mạnh mẽ.

Ông Takeshi Kasai nhấn mạnh đây là hoạt động thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá. Việc thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá chính là chìa khoá cho việc đảm bảo tính bền vững cho công tác này trong thời gian tới. WHO sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế và các đối tác để hỗ trợ việc triển khai Luật có hiệu quả trong thời gian tới nhằm giảm bệnh tật và tử vong do hút thuốc gây ra.

Theo WHO, mỗi năm, thuốc lá gây ra hơn 6 triệu ca tử vong trên thế giới, trong đó có 600.000 ca tử vong là do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.

Theo điều tra Toàn cầu về sử dụng thuốc lá năm 2010, Việt Nam là một trong 15 nước có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất trên thế giới, đặc biệt là trong nam giới (trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành từ 15 tuổi trở lên thì có 1 người hút thuốc); gần 8 triệu người lao động Việt Nam thường xuyên hít phải khói thuốc thụ động tại nơi làm việc, 47 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc thụ động với khói thuốc tại nhà.

Tại Việt Nam, trong khi xu hướng mắc các bệnh lây nhiễm giảm thì các bệnh không lây nhiễm gia tăng nhanh chóng như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi.../.

Thu Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục