Lực lượng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ có thể đảo chính ở Kyrgyzstan

Lực lượng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện đảo chính ở Kyrgyzstan

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh rằng Kyrgyzstan là “căn cứ của giáo sỹ Fethullah Gulen ở Trung Á."
Lực lượng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ có thể thực hiện đảo chính ở Kyrgyzstan ảnh 1Người ủng hộ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đánh đập binh lính bị bắt sau cuộc đảo chính bất thành. (Nguồn: Daily Mail)

Ngày 25/7, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã cảnh báo rằng lực lượng đối lập Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ thực hiện cuộc đảo chính tại Kyrgyzstan, quốc gia Trung Á này đang bị đe dọa nghiêm trọng vì những người ủng hộ giáo sỹ Fethullah Gulen đã thâm nhập được vào giới lãnh đạo nước này.

Phát biểu trên Đài phát thanh Habertürk, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhấn mạnh rằng Kyrgyzstan là “căn cứ của giáo sỹ Gulen ở Trung Á”. Ankara đã thông báo và chuyển danh sách những người ủng hộ ông Gulen cho giới chức Kyrgyzstan.

Giáo sỹ Fethullah Gulen, 75 tuổi, hiện đang sống lưu vong tại thị trấn miền núi Poconos ở Saylorsburg, bang Pennsylvania (Mỹ) từ năm 1999 và bị cáo buộc tội phản quốc.

Sau khi rời bỏ Thổ Nhĩ Kỳ, nhân vật này đã bị chính quyền Ankara cáo buộc có các hoạt động Hồi giáo cực đoan. Ông Gulen là người đứng đầu phong trào tôn giáo và xã hội xuyên quốc gia mang tên Fethullah Gulen.

Cùng ngày, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh bắt giữ 31 học giả trong bối cảnh nước này tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch trấn áp những người bị cáo buộc có liên quan đến giáo sỹ Fethullah Gulen hiện đang sống lưu vong ở Mỹ sau vụ đảo chính quân sự bất thành đêm 15/7.

Hãng thông tấn nhà nước Anadolu cho biết trong danh sách những người bị tạm giữ để thẩm vấn có nhà văn nổi tiếng Nazli Ilicak, người có quan điểm phản đối Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cũng như việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp phong trào của ông Gulen. Các học giả, trong đó có nhiều giáo sư, bị bắt giữ để thẩm vấn làm việc ở Istanbul và 4 tỉnh thành khác của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng tin này nói rằng các công tố viên cũng đưa ra lệnh bắt giữ 42 nhà báo nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề về âm mưu đảo chính và những lệnh bắt giữ này "không liên quan đến các hoạt động mang tính báo chí."

Sau vụ đảo chính bất thành, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, đồng thời tiến hành bắt giữ hơn 13.000 người thuộc nhiều thành phần khác nhau như quân đội, cảnh sát, thẩm phán, học giả... Ngoài ra, hàng chục ngàn người khác bị mất công ăn việc làm và bị nghi ngờ dính líu tới những người âm mưu đảo chính./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục