Lực mua tăng khiến cá tra và tôm cùng "rủ nhau" tăng giá

Trong quý 1, giá các sản phẩm cá tra và tôm tăng mạnh do khan hiếm nguồn cung và các doanh nghiệp đang tăng cường thu mua để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.
Lực mua tăng khiến cá tra và tôm cùng "rủ nhau" tăng giá ảnh 1Thu hoạch cá tra tại Vĩnh Long. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thị trường cá tra nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục diễn biến sôi động trong tháng Ba, với mức tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước.

​Theo vị đại diện này, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bởi những vụ nuôi thua lỗ trước đã khiến nhiều hộ nuôi cá tra phải treo ao, trong khi đó các doanh nghiệp lại tăng cường thu mua để phục vụ các đơn hàng xuất khẩu dẫn đến nguồn cung cá tra trở nên khan hiếm.

Do khan hiếm, giá cá tra đang tăng và dự đoán có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Với giá cá tra nguyên liệu như hiện nay dao động từ 24.000–26.500 đồng/kg, người nuôi đã có lãi từ 500–1.000 đồng/kg.

Trước tình hình đó, nhiều người nuôi tiếp tục đầu tư trở lại khiến giá cá tra giống tăng khoảng 1,5-2 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Sản lượng thu hoạch cá tra 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt 247.600 tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Bên cạnh mặt hàng cá tra, giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ trong tháng 3/2017 tiếp tục dùy trì ở mức cao do mới bước vào đầu vụ nuôi nên sản lượng tôm nguyên liệu chưa nhiều, trong khi nhu cầu xuất khẩu đang cao.

Cụ thể, tại Bạc Liêu, giá tôm sú sục ôxy cỡ 30 con/kg tăng 10.000 đồng/kg lên mức 330.000 đồng/kg, tôm cỡ 40 con/kg tăng 20.000 đồng/kg lên mức 270.000 đồng/kg; giá tôm sú ướp đá cùng cỡ ổn định ở mức cao với 230.000 đồng/kg và 190.000 đồng/kg, tương ứng.

Giá tôm thẻ ướp đá cỡ 50 và 60 con/kg tăng 5.000 đồng/kg lên lần lượt 170.000 đồng/kg và 155.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá tôm sú loại 30 con/kg tăng 5.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhìn lại quý 1 năm 2017, giá tôm nguyên liệu có chiều hướng tăng mạnh do nguồn cung thắt chặt trong khi nhu cầu thu mua của các nhà chế biến tăng cao.

Mặt khác, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi từ đầu năm đến nay tương đối ổn định. Các tỉnh miền Bắc chưa vào vụ nuôi chính, đồng thời thời tiết giao mùa nên diện tích thả nuôi còn ít.

Tuy nhiên, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, tại Đồng bằng sông Cửu Long từ đầu năm đến nay thời tiết diễn biến phức tạp, thường xuyên xuất hiện những cơn mưa trái mùa gây biến đổi đột ngột các yếu tố môi trường trong ao nuôi làm tôm nuôi bị sốc, giảm sức đề kháng nên khả năng bùng phát dịch bệnh trên tôm nuôi trong thời gian tới là cao.

​Hiện, diện tích tôm sú tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 511.200 ha, tăng 1,6%, sản lượng ước đạt 42.700 tấn (tăng 22,2%); tôm thẻ chân trắng: diện tích ước đạt 17.500ha (tăng 15,6%), sản lượng ước đạt 21.000 tấn (tăng 10,8%).

Theo đó, diện tích nuôi tôm nước lợ của cả nước 3 tháng đầu năm nay ước đạt 535.600ha, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng ước đạt 68.300 tấn, tăng 14,14%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục