Lương tối thiểu, phí công đoàn: Đừng là duy ý chí

Bộ Luật Lao động 2012 đã có rất nhiều điểm mới và sẽ bắt đầu có hiệu lực năm nay, nhưng vấn đề lương tối thiểu vẫn gặp những phản ứng gay gắt từ phía các doanh nghiệp.

Cùng đó, Luật Công đoàn mới cũng gây tranh cãi, khi các doanh nghiệp cho rằng mức đóng góp 2% tổng quỹ tiền lương trả cho người lao động  là quá cao, sẽ tạo thêm gánh nặng cho người sử dụng lao động.




Bộ Luật Lao động 2012 đã có rất nhiều điểm mới nhưng lương tối thiểu vẫn là vấn đề mà các doanh nghiệp có ý kiến mạnh mẽ nhất, trong khi Luật Công đoàn mới cũng vấp phải những phản ứng gay gắt. Đó là những nội dung thảo luận chính tại hội nghị "Tác động chính sách pháp luật lao động mới tới vấn đề quản trị doanh nghiệp" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 8/5. Trong hội nghị, các đại diện cho giới chủ sử dụng lao động đã đưa ra nhiều góp ý, kiến nghị về những vướng mắc khi thực hiện những chính sách luật mới có hiệu lực trong năm 2013 như Luật Công đoàn và Luật Lao động 2012.
[Áp lương tối thiểu vào Luật lao động, dễ hay khó?]
Áp lực cho chủ sử dụng lao động Đa số các doanh nghiệp cho rằng trong điều kiện còn nhiều khó khăn hiện nay thì mỗi lần điều chỉnh mức lương tối thiểu đều gây áp lực lớn lên chủ sử dụng lao động. Ông Ngô Đại Quang, Viện trưởng Viện Da giầy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giầy Việt Nam cho rằng trong tình hình kinh tế hiện nay, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn vì thông tin điều chỉnh lương sẽ khiến cho giới công nhân dao động, không tập trung công việc và phát sinh các vụ đình công, bãi công. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu thêm nhiều chi phí liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp căn cứ theo mức lương cơ bản mới. Tại hội nghị, ông Yoon Youngmo, Cố vấn trưởng về Quan hệ Lao động (Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam) cũng nhận định rằng, hiện tại ở Việt nam, việc thông báo điều chỉnh lương tổi thiểu thường vào tháng 10 và có hiệu lực vào tháng 1 năm sau, nhưng riêng lương công chức lại được điều chỉnh vào tháng 5 hàng năm. Do thời điểm điều chỉnh lương không thống nhất, không có tính định kỳ khiến người lao động có tâm lý mong tăng lương nhiều lần. Theo ông Yoon Youngmo, mặc dù đa số người lao động đều nhận mức lương cao hơn lương tối thiểu nhưng họ lại bị ảnh hưởng bởi mức tăng lương tối thiểu vì người lao động không có cách nào để thỏa thuận, đòi tăng lương ngoài việc trông chờ vào sự điều chỉnh của Chính phủ. Nếu bản thân doanh nghiệp có thể tự xây dựng được cơ chế tăng lương thì câu chuyện tiền lương tối thiểu sẽ đỡ “nóng” hơn. Đại diện cho cơ quản nhà nước quản lý về lương, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân nhấn mạnh, lương tối thiểu mà Chính phủ quy định chỉ là "mức sàn", pháp luật không cho phép doanh nghiệp trả thấp hơn chứ không phải là cơ sở để tính lương. “Cơ chế lương trong doanh nghiệp là sự thỏa thuận giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Về phía nhà nước, Chính phủ sẽ dựa trên yêu cầu của người lao động và khả năng của doanh nghiệp để tính toán, đưa ra lộ trình tăng lương tối thiểu hợp lý nhất,” Thứ trưởng Phạm Minh Huân nói.
Lương tối thiểu, phí công đoàn: Đừng là duy ý chí ảnh 1
  Mỗi lần tăng lương tối thiểu thường gây sức ép lớn lên doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng muốn đánh giá được khó khăn, tác động của mỗi lần tăng lương tối thiểu đến cả doanh nghiệp và người lao động thì cần phải có những nghiên cứu, khảo sát với quy mô lớn. Từ những phản ánh này, các cơ quan quản lý mới có cơ sở đưa ra những quyết định điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, tốt cho cả doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp "lách" luật công đoàn Không chỉ có Luật Lao động mới, Luật Công đoàn mới cũng gây tranh cãi khi quy định kinh phí doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương trả cho người lao động bị đa số doanh nghiệp phản ứng gay gắt. Họ cho rằng mức đóng góp này là quá cao và đang tạo thêm gánh nặng cho người sử dụng lao động. Bà Vũ Thị Mai Thu, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nữ Hà Nội đã phản ánh một thực tế, để trốn tránh mức đóng phí công đoàn cao một số doanh nghiệp đã lập danh sách công đoàn viên ít đi chỉ khoảng 10-15 người, trong khi số lao động đông hơn nhiều để giảm khoản chi phí này. Bà Vũ Thị Mai Thu cũng đã đặt ra vấn đề là để luật đi vào thực tế, liệu các cơ quan quản lý nhà nước có thể giảm bớt những con số lớn trong luật để doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc, hay cứ duy ý chí để những con số trên giấy tờ mà doanh nghiệp không thực hiện? Khác với những doanh nghiệp không đóng đủ phí công đoàn thì viện lý do phí quá cao, những doanh nghiệp FDI đóng đủ phí lại nhận xét rằng công đoàn hoạt động chưa hiệu quả. Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thì bản thân các doanh nghiệp FDI thường tuân thủ rất tốt các quy định về đóng phí công đoàn nhưng họ lại chưa thấy được hiệu quả của các tổ chức công đoàn đem lại. Ông Toàn cho rằng vai trò của tổ chức công đoàn doanh nghiệp tuy đã được quy định trong văn bản pháp luật nhưng trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều tranh chấp lao động mà công đoàn không thể kiểm soát, gây thiệt hại cho cả doanh nghiệp và người lao động. Trước những phản ánh của chủ sử dụng lao động, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng doanh nghiệp chưa thật sự hiểu về hoạt động của công đoàn và về phí công đoàn. Ông Mai Đức Chính cũng đã thừa nhận trách nhiệm này thuộc về công đoàn. “Để Quốc hội thông qua mức đóng công đoàn phí  2%, chúng tôi đã có những trình bày thỏa đáng, công khai, rộng rãi về việc sử dụng khoản phí này. Chúng tôi đang phối hợp với bộ tài chính xây dựng nghị định hướng dẫn đóng phí công đoàn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với VCCI tập huấn và gửi tài liệu cho chủ sử dụng lao động để hiểu rõ việc sử dụng phí công đoàn có lợi cho doanh nghiệp, người lao động, lúc đó họ sẽ thấy việc đóng phí là hợp lý,” Ông Mai Đức Chính. Kết luận tại hội nghị, các doanh nghiệp đều đồng ý với các điều luật chung nhưng kiến nghị các cơ quan nhà nước cần quy định hướng dẫn thi hành các điệu luật sớm và phải rõ ràng, mang tính thực tiễn để người sử dụng lao động và người lao động có thể tự tin thực hiện quyền của mình./.
Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục