Lưu giữ dấu chân Người trên hành trình cứu nước

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani từ lâu là niềm tự hào của các thế hệ người Việt đang sinh sống tại Thái.
Đã từ lâu, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani trở thành niềm tự hào của các thế hệ người Việt Nam đang sinh sống tại Thái Lan.

Khu tưởng niệm được phục dựng tại làng Nọng Ôn, xã Xiêng Phin, tỉnh Udon Thani, cách Bangkok khoảng 600km về phía Đông Bắc.

Lưu giữ dấu chân Người

Để phát triển phong trào yêu nước chống thực dân của nhân dân Việt Nam, tháng 7/1928, Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động.

Thời gian ở Thái Lan, Nguyễn Ái Quốc có nhiều tên gọi khác nhau như ông Thọ, Nam Sơn, Chín, mọi người tôn trọng gọi là Thầu Chín (tức là Ông già Chín).

Những năm 20 của Thế kỷ trước, Udon Thani là một thị xã nhỏ, dân cư thưa thớt, rừng rậm với bạt ngàn gỗ quý vây bọc xung quanh. Khi mới tới Udon Thani, Thầu Chín đã trú chân một thời gian ở khu vực Noỏng Bùa (gần ga xe lửa Udon hiện nay), sau đó, Người chuyển vào ở làng Noỏng Ôn, xã Xiềng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani.

Những ngày tháng ở đây, Thầu Chín đã được bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan đùm bọc. Tại đây, Người chủ trương mở rộng tổ chức, làm cho nhân dân Thái Lan có cảm tình hơn nữa với người Việt Nam và cách mạng Việt Nam; giáo dục Việt kiều tôn trọng phong tục, tập quán của nhân dân Xiêm. Người khuyên mọi người học chữ Xiêm và học chữ Việt.

Cùng với công tác xây dựng tổ chức hội, Thầu Chín dành nhiều thời gian dịch sách lý luận làm tài liệu tuyên truyền và huấn luyện cho cán bộ hoạt động ở Thái Lan. Các buổi tối, Người thường tổ chức nói chuyện với Việt kiều.

Thầu Chín sống và sinh hoạt như mọi người, cùng đào giếng, vỡ đất làm vườn trồng rau, chăn nuôi, lợn gà. Những hoạt động và đời sống sinh hoạt giản dị của Người đã cổ vũ tinh thần yêu nước trong kiều bào và gây dựng tình cảm thân thiết hơn của nhân dân Thái Lan đối với Bác và cách mạng Việt Nam. Năm 1929, Thầu Chín rời Udon để tiếp tục hoạt động và khơi dậy tinh thần yêu nước trong bà con kiều bào tại Thái Lan…

Năm 2002, chính quyền Thái Lan và Hội người Việt Nam tỉnh Udon Thani đã thống nhất phục hồi, xây dựng và phát triển nơi đây thành Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời là Trung tâm nghiên cứu, học tập lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa Thế giới; phát triển nơi đây thành địa danh du lịch lịch sử hấp dẫn.

Khu di tích được phục dựng nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Thái Lan.

Ban Xây dựng phối hợp, vận động bà con Việt kiều ở Udon cùng các địa phương khác quyên góp được số tiền khoảng 20.000 USD mua khu đất gần 1ha chuyển giao cho xã Xiêng Phin để tiến hành phục dựng lại Khu di tích theo lời kể của một số nhân chứng Việt kiều và giới chức trách Thái Lan từng chứng kiến cách đây trên 80 năm.

Công trình nhanh chóng tạo được sự đồng thuận của các cơ quan địa phương, thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà khoa học và đông đảo nhân dân tỉnh Udon Thani và các tỉnh Đông - Bắc Thái Lan. Việc xây dựng Khu tưởng niệm đáp ứng mong mỏi của Việt bào, những tình cảm, sự ngưỡng mộ của cộng đồng người Thái Lan đối với Bác Hồ kính yêu và với dân tộc Việt Nam.

Nổi bật trong Khu di tích là ngôi nhà tranh mô phỏng ngôi nhà của Bác Hồ đã từng ở và làm việc trong thời gian hoạt động cách mạng. Gian chính là nơi hội họp có bàn ghế gỗ ở chính giữa. Buồng nơi Bác nghỉ có kê một chiếc giường, một số đồ đạc đơn sơ, giản dị.

Nhà còn có khá nhiều hiện vật mà bà con Việt kiều đã lưu giữ, sưu tầm phỏng theo những đồ dùng mà Bác Hồ đã sử dụng năm xưa. Khu nhà có gian bếp, giếng nước, vườn rau, hàng rào râm bụt đỏ hoa, có kho thóc, chuồng lợn, chuồng gà. Tất cả đều mang dáng dấp, hình bóng quê hương Việt Nam…

Tòa nhà đa năng trong khu di tích được xây dựng khang trang, rộng rãi với sự tham gia ủng hộ công sức, tinh thần, trí tuệ và vật chất của cộng đồng Việt Kiều và nhân dân Thái Lan, nhiều doanh nghiệp, cá nhân ở Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn ở Thái Lan. Đây là nơi nơi để bà con Việt kiều tụ họp trong những dịp Lễ,Tết hay sinh nhật Bác, Ngày Quốc khánh 2/9.

Khu nhà đa năng có Ban thờ tưởng niệm Bác, có phòng trưng bày các hình ảnh về cuộc đời hoạt động của Bác Hồ tại Thái Lan, về cuộc sống sinh hoạt của bà con Việt kiều và mối quan hệ Việt-Thái, phòng chiếu phim và đọc sách báo.

Phòng trưng bày hiện lưu giữ rất nhiều hình ảnh, tư liệu quý: những câu chuyện về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thái Lan; Bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người ở Thái Lan; Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với kiều bào Thái Lan về nước ngày 10/1/1960; mô hình nhà sàn Bác Hồ...

Năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 122 năm Ngày sinh của Bác kính yêu, cộng đồng Việt Nam tại Udon Thani sẽ tổ chức khánh thành tòa nhà đa năng trong Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh theo nghi thức truyền thống của nhân dân Thái Lan. Trước đó, ngày 30/8/2011, Lễ khánh thành Khu tưởng niệm đã được tổ chức theo nghi thức truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Sâu nặng nghĩa tình

Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani đã được ghi đậm trên bản đồ du lịch của đất nước Thái Lan. Không chỉ kiều bào, những người con nước Việt mà nhân dân Thái Lan cũng rất tự hào có một khu di tích lịch sử, văn hóa gắn với tên tuổi của Hồ Chí Minh vĩ đại trên quê hương của họ.

Được đến Udon, thăm khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, mọi người được chứng kiến tình cảm sâu đậm, tình yêu nước, tình yêu thương đùm bọc nhau, một lòng đi theo Bác của cộng đồng người Việt Nam tại Thái Lan.

Được đón những đoàn du khách từ Việt Nam đến thăm khu di tích, nhiều Việt kiều sống ở Uđon xúc động bày tỏ niềm vinh dự và hãnh diện là người con đất Việt. Dù ở xa Tổ quốc nhưng họ được sống ngay trên địa danh có những dấu ấn lịch sử về Bác Hồ kính yêu. Họ nguyện sẽ làm hết sức mình để góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát triển Khu Di tích ngang tầm với hình ảnh và những giá trị văn hóa của Người.

Năm nay 68 tuổi, ông Trần Trọng Tài (tên Thái Lan gọi là Chun) đã rời ra gia đình ở Bangkok để về đây tình nguyện tham gia Ban Quản lý khu di tích, ngày ngày đón những đoàn du khách đến thăm, thắp những nén nhang thơm tưởng nhớ Người.

Lần nào cũng vậy, được tin có đoàn du khách từ Việt Nam sang thăm, bà Đào Thị Son (79 tuổi) cũng chọn mặc những bộ quần áo đẹp nhất, có mặt ở khu di tích từ rất sớm để được đón những người thân của mình.

Trong không khí đầm ấm, bà Trần Thị Bạch Vân (63 tuổi) lại hát những bài dân ca, các ca khúc về Bác Hồ, về quê hương đất nước như “Trông cây lại nhớ đến Người,” “Người ơi người ở đừng về”

Bà Vũ Thị Tin, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Việt kiều tỉnh Udon Thani, thành viên Ban Quản lý Khu di tích cho biết khu di tích đã đón trên 100.000 lượt khách đến thăm. Đây là một trong những địa điểm du lịch lịch sử đông nhất tại Thái Lan.

Đến với khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani, nhiều du khách đã viết những dòng lưu bút bày tỏ niềm tự hào và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm trân trọng với những đóng góp của cộng đồng người Việt tại Thái Lan, nhân dân và đất nước Thái Lan đã xây dựng nên Khu di tích này.

Giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Trưởng ban Việt kiều Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài đã viết: "Thật là một niềm hạnh phúc lớn lao, một sự xúc động mãnh liệt được thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và nơi Bác sinh sống ở Thái Lan trên con đường hoạt động cách mạng, giải phóng dân tộc, đất nước.

Xin được bày tỏ lòng biết ơn với kiều bào đã gìn giữ những kỷ niệm về Bác Hồ và góp công sức của cải để xây dựng nên Khu tưởng niệm. Tin rằng địa danh và Khu tưởng niệm này sẽ hun đúc lòng yêu quê hương đất nước của các thế hệ người Việt Nam. Cảm ơn tình cảm mà nhân dân và đất nước Thái Lan đã dành cho Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh."

Chia tay Udon Thani, những ấn tượng tốt đẹp về những việc làm son sắt, tình nghĩa của người dân Thái Lan dành cho Bác Hồ kính yêu còn đọng mãi trong lòng mỗi du khách đến Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngoài ý nghĩa văn hóa và lịch sử, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani còn là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Thái Lan, là tấm lòng thành kính của người dân Thái Lan, của bà con Việt kiều đối với Bác Hồ kính yêu và dân tộc Việt Nam./.

Hương Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục