Macedonia chưa tìm được lối thoát cho khủng hoảng chính trị

Sau các cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, các chính đảng ở Macedonia vẫn không đạt thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị.
Macedonia chưa tìm được lối thoát cho khủng hoảng chính trị ảnh 1Biểu tình phản đối chính phủ tại thủ đô Skopje ngày 17/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau các cuộc đàm phán do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian, kéo dài khoảng 12 giờ trong ngày 10/6 tại thủ đô Brussels của Bỉ, các chính đảng ở Macedonia vẫn không đạt thỏa thuận cuối cùng nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị đang làm tê liệt quốc gia vùng Balkan này trong nhiều tháng qua.

Thông báo của EU nói rõ đàm phán diễn ra cởi mở và chi tiết, nhưng không dẫn đến thỏa thuận cuối cùng. EU kêu gọi tất cả các bên vì lợi ích của đất nước và công dân nước mình, không được chậm trễ trong việc tìm kiếm thỏa hiệp chính trị lâu dài và đưa ra những đề xuất cụ thể để đạt được mục tiêu này dựa trên thỏa thuận đạt được ngày 2/6 vừa qua ở thủ đô Skopje của Macedonia.

Theo thỏa thuận này, Macedonia sẽ tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn để chấm dứt tình trạng hỗn loạn chính trị, nổ ra sau khi có những phát giác nói rằng chính phủ lạm dụng quyền lực để nghe lén điện thoại, vụ việc có nguy cơ gây bất ổn định ở quốc gia vẫn chưa hết chấn động vì cuộc nội chiến năm 2001.

EU nhấn mạnh những cam kết cải cách đã được nhất trí ngày 2/6 vừa qua phải được triển khai khẩn trương như điều kiện thiết yếu mà Macedonia phải thực hiện nếu muốn đạt tiến bộ trong lộ trình châu Âu-Đại Tây Dương, hàm ý những nỗ lực của nước này trên con đường gia nhập EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO), vốn bị phong tỏa trong nhiều năm qua vì tranh cấp giữa Skopje với Hy Lạp về tên gọi của Macedonia. EU khẳng định vẫn sẵn sàng làm trung gian cho bất kỳ cuộc đàm phán tiếp theo nào.

Thủ tướng Macedonia Nikola Gruevski lên cầm quyền đã được 9 năm nhưng từ tháng 1 vừa qua phải chịu sức ép về những cáo buộc nghe lén do lãnh đạo phe đối lập Zoran Zaev công bố.

Theo ông Zaev, Chính phủ của ông Gruevski nghe lén khoảng 20.000 người gồm các nhân vật chính trị, nhà báo, thẩm phán... trong khi Skopje khẳng định một cơ quan tình báo nước ngoài hợp tác với ông Zaev thực hiện những cuộc nghe lén này với mục đích lật đổ chính phủ.

Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Johannes Hahn đã mời những người đứng đầu 4 chính đảng ở Macedonia đến Brussels để soạn thảo các chi tiết cụ thể cho thỏa thuận cuối cùng nhưng không thành.

Cuộc đàm phán lần này còn có sự tham gia của Đại sứ Mỹ tại Macedonia Jess Baily. Ngày 2/6 vừa qua, ông Hahn cho biết các nhà lãnh đạo chính trị Macedonia đã nhất trí với một "hình thức thời kỳ chuyển tiếp" và tổng tuyển cử trước thời hạn sẽ được tiến hành không muộn hơn cuối tháng 4/2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục