Malaysia Airlines tiếp tục gặp rắc rối lớn vì vụ rơi MH17

Gia đình của 6 người Malaysia trong số 15 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã nộp đơn kiện hãng.
Malaysia Airlines tiếp tục gặp rắc rối lớn vì vụ rơi MH17 ảnh 1Thân nhân của các nạn nhân vụ MH17 dự lễ tưởng niệm ngày 17/7/2014 tại Australia (Nguồn: AFP)

Ngày 2/6, gia đình của 6 người Malaysia trong số 15 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS), bị rơi ở miền Đông Ukraine năm 2014, đã nộp đơn kiện hãng và khẳng định MAS phải chịu trách nhiệm về thảm họa này.

Luật sư đại diện cho bên nguyên Balan Nair cho biết đơn kiện buộc tội MAS bất cẩn và vi phạm hợp đồng khi điều máy bay MH17 đi qua khu vực đang ở trong tình trạng xung đột vũ trang và đặt chuyến bay vào tình trạng rủi ro "hết sức vô lý" có thể gây nguy hiểm chết người. Luật sư Balan không đưa ra con số đền bù cụ thể và cho rằng vấn đề này có thể có thể do tòa án quyết định.

Luật sư cũng cho biết MAS đã đề nghị một mức bồi thường bí mật cho các nạn nhân, tuy nhiên các gia đình đã từ chối. Hiện MAS chưa đưa ra bình luận gì về vụ kiện này.

Tháng 10/2015, Ủy ban An ninh Hà Lan công bố báo cáo điều tra cuối cùng về vụ rơi máy bay MH17, trong đó xác định máy bay đã bị trúng một tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất.

Phía Hà Lan không chỉ đích danh bên nào tại Ukraine là thủ phạm bắn rơi MH17, nhưng khẳng định quả tên lửa này được phóng từ khu vực miền Đông Ukraine, vốn do lực lượng đòi độc lập kiểm soát. Điều này ngược với kết luận từ phía hãng Almaz-Antey của Nga, chuyên sản xuất tổ hợp tên lửa Buk. Hãng này nói rằng chiếc Boeing 777 xấu số đã bị bắn hạ bằng tên lửa phóng đi từ lãnh thổ nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Ukraine, đồng thời khẳng định nếu quả tên lửa được bắn đi từ làng Snezhnoye như kết luận của Hà Lan, nó sẽ không thể trúng mạn trái của máy bay.

Chiếc máy bay mang số hiệu MH17 bị rơi ngày 17/7/2014 tại miền Đông Nam Ukraine khi đang trên hành trình từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia), làm toàn bộ 298 người trên máy bay thiệt mạng. Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc này. Tuy nhiên, các tay súng ở miền Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc và cho rằng chính quân đội Ukraine đã bắn nhầm chiếc MH17.

Đây là vụ kiện đầu tiên chống lại MAS kể từ khi thảm họa xảy ra. Theo Công ước Montréal năm 1999, người nhà nạn nhân có hai năm để khiếu kiện hãng hàng không liên quan sau một vụ tai nạn máy bay.

Trước đó, hãng MAS đã phải đối mặt với một loạt đơn kiện liên quan đến vụ máy bay mang số hiệu MH370 mất tích cùng toàn bộ 239 người trên máy bay vào ngày 8/3/2014 khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh. Một số mảnh vỡ nhỏ được tìm thấy ở khu vực Ấn Độ Dương và bờ biển miền Đông châu Phi được xác định là của chiếc máy bay mất tích bí hiểm này. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm thấy phần thân máy bay cũng như chưa rõ số phận của các hành khách và phi hành đoàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục