Malaysia sẽ là một nước thành công nhất khi tham gia AEC

Malaysia sẽ là một trong các nước thành công nhất khi tham gia AEC

Tính đến nay, Malaysia đã hoàn thành hơn 88% các biện pháp theo kế hoạch chi tiết của AEC, cao hơn tỷ lệ thực hiện trung bình của 10 nước ASEAN.
Malaysia sẽ là một trong các nước thành công nhất khi tham gia AEC ảnh 1Một góc thủ đô Kuala Lumpur. (Nguồn: therakyatpost.com)

Sở hữu những tiềm năng kinh tế lớn mạnh, nguồn nhân công dồi dào, tay nghề cao, cơ chế pháp lý chặt chẽ, Malaysia hội tụ các điều kiện trở thành một trong số các quốc gia thành công nhất khi tham gia sân chơi rộng lớn của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay.

Theo đánh giá của Ban Thư ký ASEAN, tính đến nay, Malaysia đã hoàn thành hơn 88% các biện pháp theo kế hoạch chi tiết của AEC, cao hơn tỷ lệ thực hiện trung bình của 10 nước ASEAN.

Ưu tiên của Malaysia là xóa bỏ các hàng rào phi thuế quan, sự di chuyển tự do của lao động lành nghề, tiếp cận dịch vụ chuyên nghiệp và thúc đẩy đầu tư trong nội khối. Do đó, Malaysia đã tiến hành đối thoại giữa chính phủ và các doanh nghiệp nhằm tập hợp phản hồi của các bên liên quan về những sáng kiến hội nhập kinh tế khu vực để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển tiếp theo của ASEAN sau năm 2015.

Năm nay, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Malaysia có vai trò quyết định trong việc đề xuất và xây dựng các sáng kiến hội nhập kinh tế toàn diện của ASEAN cho giai đoạn tiếp theo.

Để đáp ứng những yêu cầu chặt chẽ của AEC, Chính phủ Malaysia cũng đã chuẩn bị hành trang cho từng lĩnh vực, đặt ra những mục tiêu cụ thể.

Nhận thấy những thách thức không hề nhỏ trong thị trường lao động sau khi AEC có hiệu lực, chính phủ đã lên kế hoạch chặt chẽ nhằm vừa đảm bảo thị trường việc làm nội địa, vừa tạo sức hút các lao động nước ngoài có trình độ cao.

Cụ thể, tháng Tư vừa qua, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia đã tiến hành rà soát toàn bộ Luật Lao động, Luật quan hệ Lao động và Luật Công đoàn, qua đó tạo nền tảng pháp lý giúp người lao động và người sử dụng lao động có thể đối phó với những thách thức từ thị trường 600 triệu lao động của AEC.

Phía Malaysia cũng đề xuất nghiên cứu cải thiện phạm vi và mức độ bảo vệ người lao động, giải quyết tranh chấp và yêu cầu bồi thường khi sa thải nhân công.

Trong khi đó, TalentCorp được thành lập từ năm 2011 với mục đích hỗ trợ các nhân tài Malaysia tiếp cận những việc làm phù hợp tại các quốc gia có thu nhập cao. Đơn vị này cũng xây dựng chương trình hỗ trợ phụ nữ tái hội nhập thị trường lao động. Chính phủ Malaysia chú trọng đời sống của các lao động nữ, theo đó cả phụ nữ có con nuôi hoặc con kế cũng được hưởng chế độ nghỉ chăm sóc con.

Từ ngày 1/4, chính phủ áp dụng thuế hàng hóa dịch vụ (GST) 6% nhằm cải thiện hệ thống thuế lỏng lẻo và khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách. Giá 354 sản phẩm và dịch vụ sẽ tăng không quá 5,8%. Chính phủ cũng chủ động chi hơn 68 triệu USD để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc áp dụng GST.

Ngoài ra, Malaysia cũng xác định đầu tư giáo dục là ưu tiên hàng đầu. Tương tự Singapore, Malaysia đầu tư rất nhiều cho tài sản trí tuệ quốc gia; trong năm 2013, đầu tư giáo dục nước này chiếm 21,3% tổng chi tiêu ngân sách quốc gia, chỉ thua Singapore (22,7%) và Thái Lan (29,5%).

Malaysia cũng nhận thức được rằng doanh nghiệp vừa và nhỏ là trụ cột của nền kinh tế. Theo Giám đốc Credit Suisse châu Á-Thái Bình Dương Viktor Shvets, đến năm 2017, Malaysia hoàn toàn có thể đứng vào nhóm các nước phát triển, cùng với Singapore là hai nước thuộc ASEAN đạt đủ các tiêu chuẩn về xã hội, kinh tế và môi trường. Nhờ các chính sách của nhà nước mà hiện nay khoảng 1 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và hơn 5 triệu doanh nghiệp “siêu nhỏ” tại nước này sống vững.

Theo ông Wayne Lim, Tổng Giám đốc trung tâm hỗ trợ SME quốc gia, gần 90% số doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong ngành dịch vụ với 25% trong số đó tham gia thị trường bán sỉ, bán lẻ. Hiện tại, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa đóng góp 33,5% vào tổng GDP. Doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia đang dần chiếm lĩnh thị trường nội địa qua các hợp đồng lớn. Các ngân hàng tại Malaysia cũng hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy vẫn còn nhiều việc phải làm như đầu tư cho cơ sở hạ tầng hay nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh trực tuyến nội địa, nhưng Malaysia đang đứng trước thời cơ lớn để trở thành đầu tàu cho ASEAN tại AEC.

Để chuẩn bị cho năm bản lề 2015, Chính phủ Malaysia đã chi khoảng 75 tỷ USD, trong đó chi phí vận hành là 61 tỷ USD và chi phí phát triển gần 14 tỷ USD. Malaysia có lợi thế về diện tích, vị trí địa lý và dân số, tình hình chính trị và giáo dục tương đối ổn định. Nếu chính phủ tiếp tục giữ vai trò chủ động như hiện tại, Malaysia hoàn toàn có thể sẽ cán đích thành công việc tham gia hiệu quả vào AEC./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục