Manchester City thảm bại: Pep Guardiola và điểm yếu tinh thần

Pep Guardiola là một nhà cầm quân đại tài về mặt chiến thuật, nhưng đốc thúc tinh thần cầu thủ lại là điểm yếu của huấn luyện viên người Tây Ban Nha.
Manchester City thảm bại: Pep Guardiola và điểm yếu tinh thần ảnh 1Khuôn mặt thất vọng của Pep Guardiola. (Nguồn: Reuters)

Pep Guardiola là một nhà cầm quân đại tài về mặt chiến thuật, nhưng đốc thúc tinh thần cầu thủ lại là điểm yếu của huấn luyện viên người Tây Ban Nha. Những ngày mùa Đông giá lạnh tại nước Anh vì thế đang dần vắt kiệt tinh thần của Pep.


Thảm họa Man City

Trận thua 0-4 trước Everton trên sân Goodison Park được ghi nhận là trận thua đậm nhất của Pep Guardiola trên tư cách huấn luyện viên. Trong khuôn khổ giải Ngoại hạng, kết quả thảm bại này một lần nữa vạch trần điểm yếu của Pep trước những đội bóng có sự cách tân về mặt chiến thuật.

Trong giai đoạn lượt đi, Man City đã mất điểm trước Everton, Tottenham, Southampton, Middlesbrough, Chelsea, Leicester City và Liverpool. Ngoại trừ Leicester và Middlesbrough, tất cả các đội bóng gây khó dễ cho Man City đều nằm lòng cách chơi pressing của Pep, thậm chí chính bản thân các câu lạc bộ này còn áp dụng trực tiếp để chống lại cách chơi bóng thiên về kiểm soát của nhà cầm quân người Tây Ban Nha.

Everton là câu lạc bộ trong nhóm trên đầu tiên Man City phải đối mặt trong giai đoạn lượt về Premier League, và Ronald Koeman trong lần gặp lại người đồng đội cũ tại Dream Team Barcelona đã buộc Pep phải nhận lấy thất bại. Thật khó để Pep có thể bào chữa điều gì về thất bại đáng xấu hổ này, Man City đã cầm bóng 62%, tung 10 cú sút về phía khung thành đối phương, có 6 lần được hưởng phạt góc nhưng sau cùng lại là đội phải nhận thất bại. Everton đã chơi một trận cầu hiệu quả gần như tuyệt đối khi chỉ tung đúng 4 cú sút về phía khung thành Man City và có được đúng 4 bàn thắng.

Một trong những hình ảnh tiêu biểu của sự thắng thế nơi Everton trước Man City là khi Tom Davies, tiền vệ sinh năm 1998 của Everton ghi bàn nâng tỉ số lên 3-0 cho đội chủ nhà. Davies đã bị ngã sau khi va chạm với John Stones nhưng đã ngay lập tức đứng dậy để tiếp tục pha bóng và kết thúc bằng bàn thắng. Người có nhiệm vụ theo kèm Davies trong pha bóng đó bên phía Man City, Yaya Toure (nhiều tuổi gần gấp đôi Davies) đã gần như đứng lại sau khi tiền vệ số 16 của Everton nằm ra sân.

Thất bại của Man City càng đáng quên hơn khi Pep không hiểu gì lý do nào đó đã từ chối bắt tay Ronald Koeman khi kết thúc trận để đi thẳng vào phòng thay đồ. Nhà cầm quân người Hà Lan chỉ có thể bắt tay hai người trợ lý của Pep sau đó.

Điểm yếu tinh thần

Pep là một con nghiện bóng đá chính hiệu. Nhà cầm quân người Tây Ban Nha giữ thói quen… bỏ bữa trước khi trận đấu quan trọng diễn ra, một ngày chỉ ngủ 4 tiếng trong suốt nhiều năm qua. Chính vì thế về mặt chiến thuật, Pep có thể coi đang ở một đẳng cấp khác so với những người đồng nghiệp tại Châu Âu vào lúc này. Song bóng đá ở Premier League không đơn giản chỉ là chiến thuật.

Việc các cầu thủ lao ra sân, nhảy bổ vào nhau theo đúng nghĩa đen là điều xảy ra tại xứ sở sương mù. Ở Liverpool dưới thời Klopp đó gọi là pressing, nhưng với nhiều câu lạc bộ khác, đó là thói quen được hình thành từ triết lý kick & rush nổi tiếng của người Anh. Chiến thuật, ở một mặt nào đó, được xem là thứ yếu tại xứ sở sương mù.

Việc kích thích các cầu thủ cống hiến hết mình vì đội bóng được xem như yếu tố cốt lõi trong thành công của một huấn luyện viên tại Anh. Jose Mourinho, Juergen Klopp, Antonio Conte, Arsene Wenger hay Sir Alex Ferguson trong quá khứ đều là những chuyên gia trong phòng thay đồ. Còn Pep đang tụt lại vì không thể đưa ra những liệu pháp về tâm lý đủ tốt cho các học trò thông qua những lời động viên, hay các màn diễn thuyết trong phòng thay đồ.

Tại những câu lạc bộ giàu truyền thống như Barcelona cũng như Bayern Munich, các cầu thủ đều đã sớm có tư tưởng chiến đấu vì câu lạc bộ (một phần nguyên nhân cũng tới khi cả Barca lẫn Bayern đều sở hữu những lò đào tạo trẻ trứ danh cho ra những ngôi sao ngay ở đội hình chính). Nhưng Man City thì không. Không phải ngẫu nhiên mà Pep than phiền về “đẳng cấp” giữa Man City và Barca lẫn Bayern trong bài phát biểu gần đây. Lò đào tạo trẻ của Man City dĩ nhiên còn phải chạy dài mới bằng Barca hay Bayern.

Khoảng cách về mặt tư tưởng giữa các cầu thủ Man City và cầu thủ ở hai đội bóng cũ của Pep trong quá khứ đang ngăn cản nhà cầm quân người Tây Ban Nha thi triển những toan tính của mình trên sa bàn chiến thuật. Thời gian sẽ không đủ để Man City trở thành Barcelona hay Bayern Munich. Pep vì thế sẽ phải tự thay đổi chính bản thân mình nếu không muốn chết chìm tại Premier League./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục