“Mặt nạ, mặt”: Câu chuyện đương đại trên nền chất liệu truyền thống

Họa sỹ Lê Thiết Cương bảo, anh muốn nối dài đời sống cho những chiếc mặt nạ giấy bồi, để chúng không chỉ là đồ chơi Trung Thu mà còn là những tác phẩm hội họa thực sự.
“Mặt nạ, mặt”: Câu chuyện đương đại trên nền chất liệu truyền thống ảnh 1Các em nhỏ say sưa vẽ mặt nạ. (Ảnh: CTV Hải An/Vietnam+)

Triển lãm “Mặt nạ, mặt” khai mạc sáng nay (10/9) mang đến cho người xem cảm giác lạ, từ ý tưởng đến cách thể hiện.

“Mặt nạ, mặt” giới thiệu tới công chúng 20 bức tranh chân dung và 14 mặt nạ giấy bồi của các họa sỹ nhóm G39 tại không gian Laca Càphê (số 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội).

Sử dụng vải gai làm tóc, họa sỹ Tào Linh đã tạo hình những chiếc mặt nạ giống như gương mặt thật. Trong khi đó, những bức tranh chân dung của anh lại khiến người xem liên tưởng đến những mặt nạ sân khấu hay gương mặt tượng nhà mồ.

Hòa nhịp sáng tạo, tác phẩm của họa sỹ Hồng Phương lại mang vẻ ma mị, huyền bí, đầy mê hoặc; họa sỹ Phạm Trần Quân lại gây ấn tượng thị giác bằng cách chia và trộn các mảng màu, để tạo nên “những mảnh ghép chân dung” chứa đầy ám ảnh với những gương mặt người, những ngôi nhà và những ô cửa sổ…

Mỗi tác phẩm kể một câu chuyện khác nhau về đời sống, cảm xúc vui-buồn, nét suy tư-sự háo hức-vẻ tò mò đan xen. Vẽ mặt nạ cũng là cách thể hiện gương mặt thật, vẽ chân dung cũng là tự họa chính mình. Đó chính là thông điệp của triển lãm.

“Mặt nạ, mặt”: Câu chuyện đương đại trên nền chất liệu truyền thống ảnh 2Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm. (Ảnh: CTV Hải An/Vietnam+)

Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, mặt nạ là đồ vật khá quen thuộc trong đời sống của người Việt. Từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn cách ngày nay khoảng hơn 2000 năm, người Việt cổ đã sang tạo nên những chiếc mặt nạ từ nhiều loại chất liệu khác nhau: mặt nạ bằng đồng, bằng gỗ…

“Nhịp sống ngày hôm nay có nhiều đổi thay, quan niệm thẩm mỹ cũng khác xưa nhiều. Bởi thế, chúng tôi chỉ giữ lại tinh thần, hình dáng chung của mặt nạ truyền thống; trên cơ sở đó, đưa vào những yếu tố đương đại. Chúng tôi coi mỗi chiếc mặt nạ như một tờ giấy để vẽ lên đó những bức tranh,” họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ.

Gã họa sỹ vốn nổi tiếng cả về tài và độ “dị” ấy bảo, anh và các cộng sự muốn nối dài đời sống cho những chiếc mặt nạ giấy bồi; để những chiếc mặt nạ ấy không chỉ là đồ chơi Trung Thu mà còn là những tác phẩm hội họa, được treo trên tường và lưu giữ theo thời gian.

Họa sỹ Lê Thiết Cương kể chuyện nối dài đời sống cho những chiếc mặt nạ

“Mặt, mặt nạ” đem đến cho công chúng một cái nhìn đa diện hơn về chính “gương mặt tinh thần” của người họa sỹ: nhiều màu sắc, giàu tâm trạng và đầy biến ảo. Mặt nạ không chỉ là một thứ đồ chơi, vật trang trí mà nó còn là phương tiện giúp con người che đi khuôn mặt, cảm xúc hiện tại, để trở về với bản thể.

Cũng trong buổi sáng nay, các họa sỹ đã hướng dẫn các em nhỏ sáng tạo trực tiếp trên những chiếc mặt nạ giấy bồi thông qua màu và bút vẽ; để tự tạo cho mình món đồ chơi Trung Thu truyền thống.

Các họa sỹ tham gia triển lãm gồm Tào Linh, Nguyễn Hồng Phương, Lê Thiết Cương, Nguyễn Quốc Thắng, Phạm Trần Quân, Ngô Thị Bình Nhi và Trần Gia Tùng./.

Một số hình ảnh tại buổi khai mạc triển lãm:

“Mặt nạ, mặt”: Câu chuyện đương đại trên nền chất liệu truyền thống ảnh 3Một bạn nhỏ thích thú với màu vẽ và mặt nạ. (Ảnh:PV/Vietnam+)
“Mặt nạ, mặt”: Câu chuyện đương đại trên nền chất liệu truyền thống ảnh 4Tranh của họa sỹ Lê Thiết Cương. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
“Mặt nạ, mặt”: Câu chuyện đương đại trên nền chất liệu truyền thống ảnh 5Tranh của họa sỹ Tào Linh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
“Mặt nạ, mặt”: Câu chuyện đương đại trên nền chất liệu truyền thống ảnh 6Họa sỹ Hoàng Phương hướng dẫn bạn nhỏ vẽ mặt nạ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục