Mâu thuẫn đất rừng: Dân bức xúc vì “địa chủ” kiểu mới

Các lâm trường được giao quản lý nhiều đất rừng nhưng hiệu quả sử dụng thấp, trong khi dân sống gần rừng lại thiếu đất sản xuất.
Theo các chuyên gia, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28/NQ-TW ngày 16/6/003 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển nông-lâm trường quốc doanh, vấn đề “nóng” nhất là quản lý, rà soát đất rừng chưa được thực hiện ráo riết, nên tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng giữa lâm trường và người dân vẫn tiếp diễn phức tạp, nhiều nơi diễn ra gay gắt.

[Rừng phía Bắc đang bị xâm phạm nghiêm trọng]

Thực tế cho thấy, các lâm trường được giao quản lý nhiều đất rừng nhưng hiệu quả sử dụng thấp, trong khi đó người dân sống gần rừng lại thiếu đất sản xuất đã khiến tình trạng “cạo trọc” đất rừng ngày một gia tăng.

Cố “xí” đất rừng để… sống

Gần nửa đời người sống với rừng, song gia đình anh Bùi Văn Nhịn, Bí thư Chi bộ xóm Nhót, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình vẫn không có một mét đất để trồng cây, trong khi diện tích đất lâm trường sở hữu tại địa bàn xã này lên tới 43ha lại đem cho người dân các xã khác quản lý.

Anh Nhịn ấm ức kể: “Nhiều năm qua, lâm trường lấy đất của xóm rồi giao cho người dân các xã khác đến sử dụng, trong khi nhà mình thì thiếu đất. Hơn nữa, nhà chỉ có 1.000 m2 đất nông nghiệp để trồng lúa, trồng sắn cũng không đủ cho 6 miệng ăn. Đói quá, nên mình đành theo làng, theo xóm vào rừng cố ‘xí’ 3.000m2 đất để trồng cây keo, kiếm sống.”

Trái với “cơn khát” đất rừng của người dân, diện tích đất do Công ty Lâm trường Tân Lạc (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) quản lý lại khá lớn trong khi số người quản lý của đơn vị này chưa đếm đủ trên đầu ngón tay, khiến chất lượng đất rừng ngày một suy giảm.

Ông Kim Danh Hà, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty lâm trường Tân Lạc, cho biết hiện nay, lâm trường đang giữ 1.200ha đất rừng, trải rộng theo các xã trên địa bàn huyện Tân Lạc của tỉnh Hòa Bình, nhưng chỉ có duy nhất "bộ khung" với 8 người quản lý. Do đó, một phần diện tích đất rừng, đơn vị này đã giao cho người dân các xã lân cận quản lý.

“Thực tế là do thiếu công nhân, nên mấy năm gần đây, công ty phải liên doanh với các hộ dân ở một số xã trong huyện khai thác và quản lý hơn 200ha rừng. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, lâm trường đã bị người dân lấn chiếm trên 100ha, chất lượng rừng một số nơi cũng bị suy giảm,” ông Hà thừa nhận.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Bùi Văn Huyến, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thanh Hối khẳng định tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất rừng giữa người dân xóm Nhót và Công ty lâm trường Tân Lạc đã diễn ra gay gắt từ nhiều năm nay, song chính quyền các cấp cũng không can thiệp được.

“Thanh Hối là một xã đông dân cư, với 90% đồng bào dân tộc Mường sinh sống. Trung bình mỗi hộ dân chỉ có 1.500m2 đất canh tác, trong khi đó lâm trường quản lý tới 43ha đất rừng nhưng sử dụng không hiệu quả, nên cả chục ha đã bị dân lấn chiếm. Tình trạng này cũng đã xảy ra ở các xã lân cận nơi lâm trường quản lý,” ông Huyến chia sẻ.

Nghiên cứu thực tế của Viện Tư vấn Phát triển và Forest Trends (một tổ chức phi chính phủ của Mỹ) tại các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Quảng Bình và Lạng Sơn cũng cho thấy tình trạng lấn chiếm đất rừng đang diễn ra phổ biến, nhiều nơi mâu thuẫn gay gắt.

Cụ thể, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp Đông Bắc đang quản lý gần 22.000ha, nằm trên địa bàn ba tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn và Thái Nguyên đã bị các hộ dân lấn chiếm lên tới 17.095 ha; Công ty M’Đrắk (Đắk Lắk) quản lý 26.769ha bị lấn chiếm hơn 3.000 ha…

Theo ông Lê Văn Lân, điều phối viên các dự án phát triển của Trung tâm phát triển nông thôn miền Trung, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên-Huế) có 45 cán bộ nhưng quản lý trên 15.000 ha, trong khi bình quân một hộ dân tộc thiểu số Cờ Tu vùng này chỉ có bình quân 1,5-2ha, kể cả đất nông nghiệp và lâm nghiệp cũng không đủ để người dân có cuộc sống ổn định.

“Sự thực là người dân thiếu đất, đời sống khó khăn nên tình trạng xâm lấn đất của lâm trường đã xảy ra từ nhiều năm nay. Và, dù chính quyền các địa phương đã lên tiếng, nhưng sức ‘nóng’ về tranh chấp đất rừng vẫn chưa một ngày hạ nhiệt,” ông Lân phản ánh.

Đặc biệt, tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, Công ty lâm công nghiệp Long Đại được giao quản lý 100.035ha trên địa bàn, nhưng vì quản lý không hiệu quả, gây mâu thuẫn với cả 15 bản đồng bào dân tộc ở vùng này đã khiến diện tích đất rừng ở một số xã bị “cạo trọc."

Lâm trường - “địa chủ” kiểu mới


Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích đất tranh chấp, lấn chiếm giữa lâm trường và người dân tính đến hết năm 2011 là khoảng 76.000ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, con số trên chỉ là phần nhỏ của “tảng băng chìm” về tình trạng tranh chấp thực tế, trong khi người dân không có đất để đảm bảo sinh kế, thì lâm trường lại thừa đất đem cho thuê hưởng lợi.

[Kiểm điểm sai phạm trong quản lý rừng ở Sóc Sơn]

Ông Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn và Phát triển (CODE) cho biết các lâm trường hiện nắm rất nhiều đất rừng, nhưng lực lượng quản lý lại quá mỏng. “Điều đáng quan tâm khác là phía lâm trường không khoán đất cho người dân ở địa phương mà giao cho người dân nơi khác quản lý, trong khi người dân bản địa thiếu đất sản xuất trầm trọng, nên đã dẫn đến tranh chấp,” ông Tú phân bua.

Mặt khác, thống kê của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012 cũng cho thấy, giai đoạn 2002-2008 cả nước đã có trên 421.000 hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, chiếm gần 20% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Con số các hộ thiếu đất có chiều hướng ngày càng gia tăng, đặc biệt trong giai đoạn 2009-2011 có trên 347.000 hộ thiếu đất, dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo tăng cao.

Theo báo cáo của CODE vừa mới công bố, cả nước hiện có 148 công ty lâm nghiệp, trung bình mỗi công ty "giữ" khoảng 14.000ha đất rừng nhưng sử dụng lại không hiệu quả. Đặc biệt, không ít địa phương còn cắt đất của lâm trường cho các công ty tư nhân thuê để phát triển cây công nghiệp vì mục đích lợi nhuận, thay vì phải chia đất cho người dân để bà con có sinh kế làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Sự bất ổn còn thể hiện trong trường hợp lâm trường giao hợp đồng khoán và bảo vệ rừng cho người ngoài cộng đồng dân cư sở tại, từ đó làm mất cơ hội về thu nhập và việc làm của những người dân nghèo sống gần rừng.

Thừa nhận về tình trạng trên, ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho biết ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có 911 hộ thì đến 57% trong số này chưa có đất rừng sản xuất, 85% người dân có nhu cầu muốn được giao đất rừng.

Tình trạng thiếu đất rừng dẫn tới việc tranh chấp giữa người dân và các công ty lâm trường cũng diễn ra phổ biến tại ba xã Ngân Thủy, Kim Thủy, Lâm Thủy của huyện Lệ Thủy, với hơn 40% người dân chưa có đất rừng sản xuất.

“Bên cạnh đó, phần lớn đất rừng gần với khu vực dân sinh sống và đường giao thông gần như đã được giao cho lâm trường, người dân phải đi rất xa mới tới được mảnh đất cằn cỗi của mình. Hơn nữa, các công ty lâm trường hoạt động như ‘địa chủ’ kiểu mới là khoán cho người dân chăm sóc, với mức lương rẻ mạt, nên nhiều người dân rất bức xúc, dẫn đến tình trạng tranh chấp đất rừng kéo dài,” ông Tài nói./.

Bài 2: Quản lý đất rừng: Nên giao trực tiếp thay vì “khoán”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục