Evan Spiegel

Evan Spiegel đang sống một cuộc đời nhiều người chỉ có thể mơ ước. Anh nắm quyền kiểm soát một công ty công nghệ non trẻ nhưng hùng mạnh. Anh sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 6 tỷ USD. Vị hôn thê của anh là siêu mẫu Miranda Kerr. Và anh có tất cả những điều này khi mới 26 tuổi đời.

Ai đó hẳn cho rằng Spiegel là một kẻ may mắn và đây cũng là điều anh công khai thừa nhận. Nhưng nếu nhìn vào hành trình đi lên đỉnh cao chóng vánh của Spiegel, người ta sẽ thấy thành tựu anh có được hôm nay là nhờ những bước đi, góc nhìn và quyết định đặc biệt khác người.

Từ xuất phát điểm khiêm tốn, Snapchat hiện đã thu hút 161 triệu người dùng thường nhật. (Nguồn: AFP)
Từ xuất phát điểm khiêm tốn, Snapchat hiện đã thu hút 161 triệu người dùng thường nhật. (Nguồn: AFP)

Một ý tưởng trị giá hàng tỷ đôla

Spiegel lớn lên tại Pacific Palisades, một vùng ngoại ô giàu có ở Los Angeles và theo học Crossroads, một ngôi trường trung học ở Santa Monica, California, nơi từng dạy dỗ những sao giải trí như Jonah Hill, Kate Hudson, Jack Black.

Cha mẹ là những luật sư thành đạt đã khiến Spiegel sớm được thụ hưởng một cuộc sống thượng lưu, với những chiếc xe sang, thẻ thành viên của các câu lạc bộ đắt tiền, các chuyến đi nghỉ xa xỉ.

“Tôi là một thanh niên da trắng, trẻ trung, có giáo dục đã rất, rất may mắn. Nhưng đời vốn không công bằng.” (Evan Spiegel, CEO Snapchat)

Trong khi nhiều người trong giới công nghệ cố gắng chứng minh rằng ngành này vận động theo cơ chế đề cao nhân tài, Spiegel không hề che giấu gốc gác giàu có, cho rằng đó là cơ sở tốt để anh bật lên. Spiegel nhiều lần tuyên bố mình “là một thanh niên da trắng, trẻ trung, có giáo dục đã rất, rất may mắn.” “Nhưng đời vốn không công bằng,” anh cũng nói thêm.

Tốt nghiệp phổ thông, Spiegel theo học tại trường Stanford danh giá, chuyên ngành thiết kế sản phẩm. Ở đây, anh kết bạn với Reginald (Reggie) Brown và sau đó là Bobby Murphy – đồng sáng lập Snapchat. Cần biết rằng Snapchat không phải là hoạt động kinh doanh khởi nghiệp đầu tiên của Spiegel. Murphy từng tuyển dụng Spiegel để phát triển ý tưởng về mạng xã hội.

Năm 2010 cả hai cũng triển khai FutureFreshman, một trang mạng xã hội nhằm giúp thanh niên đăng ký theo học các trường đại học dễ dàng hơn. Startup này thất bại, nhưng nó truyền cho Spiegel cảm hứng kinh doanh lớn lao.

Ba người bạn đã cùng nhau sinh ra Snapchat, từ phải qua là Spiegel, Murphy và Brown. Brown về sau bị loại khỏi đội ngũ Snapchat do bất đồng. (Nguồn: Business Insider)
Ba người bạn đã cùng nhau sinh ra Snapchat, từ phải qua là Spiegel, Murphy và Brown. Brown về sau bị loại khỏi đội ngũ Snapchat do bất đồng. (Nguồn: Business Insider)

Phải thêm một thời gian nữa, ý tưởng về Snapchat mới ra đời. “Tớ ước ao rằng những tấm ảnh mình đã gửi cho cô gái này sẽ tự hủy,” Brown nói với Spiegel vào tháng 4/2011, trong một cuộc trò chuyện phiếm. Spiegel lập tức hứng thú với ý tưởng các bức ảnh tự hủy và nói với Brown rằng đây có thể là một ý tưởng trị giá triệu đô. 6 năm sau, họ mới nhận ra đây thực ra là ý tưởng trị giá hàng tỷ đôla.

Mùa Hè 2011, Snapchat ra đời, dù chưa mang cái tên chính thức này. Khi mới được tung lên cửa hàng ứng dụng App Store, nó có tên Picaboo. Brown, Spiegel và Murphy dành cả mùa Hè đó để phát triển Picaboo. Chính Spiegel đã vẽ biểu tượng con ma hài hước nay trở nên nổi tiếng của Snapchat.

Nhưng Picaboo không gây sốt ngay từ đầu. Tới cuối mùa Hè 2011, chỉ có 127 người dùng mạng xã hội này. Rồi Brown, Spiegel và Murphy tranh cãi quanh quyền sở hữu mạng xã hội này.

Kết quả của cuộc lục đục nội bộ là Spiegel cúp điện thoại và chặn không cho Brown truy cập vào mọi tài khoản điều hành của Picaboo – hành động khiến Spiegel và Murphy tốn cả mớ tiền không nhỏ về sau này.

Snapchat là phần mềm nhắn tin và hình ảnh tự hủy, được giới trẻ Mỹ và nhiều nơi khác ưa chuộng. (Nguồn: YouTube)

Bộ đôi còn lại quyết định đổi tên Picaboo thành Snapchat vào tháng 9/2011. Snapchat vẫn chưa ăn khách, nhưng bắt đầu thu hút sự chú ý khi cháu của Spiegel sử dụng nó tại trường trung học ở Los Angeles. Các thanh niên mới lớn tuổi teen chợt phát hiện ra nơi chúng có thể gửi các bức ảnh và tin nhắn, với khả năng tự hủy chỉ từ 1-10 giây sau khi được mở ra. Như thế chúng có thể chia sẻ các bức ảnh nhạy cảm, thậm chí là ảnh sex, mà không sợ bị phụ huynh phát hiện và trừng phạt.

Tới mùa Xuân 2012, ứng dụng từng chỉ có hơn 100 người dùng nay đã tăng vọt lên 100.000 người dùng thường nhật. Tuy nhiên điều này mang đến vấn đề mới: chi phí thuê máy chủ tăng cao.

Spiegel và Murphy phải trả gần 5.000 USD mỗi tháng chỉ để nuôi ứng dụng của họ và cả hai sắp cạn tiền. May mắn thay, quỹ đầu tư mạo hiểm Lightspeed Venture Partners nhìn thấy tiềm năng của Snapchat và startup này nhận được khoản đầu tư đầu tiên.

Ngay khi tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân, Spiegel đã bỏ học ở trường Stanford, khi chỉ còn 3 tín chỉ nữa là tốt nghiệp. Anh và đội ngũ của mình (lúc này đã tăng thêm 2 nhà phát triển nữa) chuyển tới nhà cha đẻ của Spiegel ở Los Angeles để làm việc. Tới cuối năm 2012, Snapchat cán mốc 1 triệu người dùng thường nhật.

Spiegel vẽ hình ảnh con ma, nay trở thành biểu tượng của Snapchat. (Nguồn: Forbes)
Spiegel vẽ hình ảnh con ma, nay trở thành biểu tượng của Snapchat. (Nguồn: Forbes)

Đóng sập cửa trước mặt Facebook

Trong tháng 12/2012, Facebook triển khai ứng dụng nhắn tin và ảnh tự hủy để cạnh tranh với Snapchat có tên Poke. Đầu tiên Spiegel lo ngại Poke sẽ nghiền nát Snapchat. Nhưng thực tế thì Snapchat nhanh chóng vượt qua Poke và nhờ đó càng thêm nổi tiếng. Spiegel giờ coi Poke là món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất Facebook dành cho Snapchat.

Ứng dụng của Spiegel và Murphy tiếp tục lớn mạnh, thu hút nhiều vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm khác. Nhưng đó là khi Reggie Brown, người khai sinh ý tưởng về các bức ảnh tự hủy, kiện Murphy, Spiegel và Snapchat vì không cho anh tiếp tục tham gia hoạt động kinh doanh.

Vụ kiện tụng này không làm giảm tốc độ tăng trưởng của Snapchat. Tới mùa Thu năm 2013, công ty triển khai mục Stories, bước đầu tiên để giúp các tin nhắn, hình ảnh gửi lên mạng xã hội này sống lâu hơn mức vài giây như thông thường.Thông qua tính năng mới, người dùng Snapchat có thể tải các tin nhắn, hình ảnh của họ vào một câu chuyện có thể tồn tại 24 giờ trước khi nó tự hủy. Đây có thể nói là thời điểm Snap tạo ra một thứ gần nhất với tính năng Timeline của Facebook.

Snapchat đã có khởi đầu khá chật vật, trước khi trở thành hiện tượng và tăng trưởng ấn tượng. (Nguồn: AFP)
Snapchat đã có khởi đầu khá chật vật, trước khi trở thành hiện tượng và tăng trưởng ấn tượng. (Nguồn: AFP)

Sự lớn mạnh của Snapchat và thất bại của Poke đã khiến Mark Zuckerberg chú ý. Vị tổng giám đốc điều hành (CEO) Facebook liên hệ với Spiegel và ra giá: 3 tỷ USD để mua lại toàn bộ công ty. Khi ấy mới chỉ 23 tuổi nhưng Spiegel đã thẳng thừng khước từ đề nghị từ ông chủ mạng xã hội đình đám. Khỏi phải nói dư luận đã phản ứng kinh ngạc ra sao. Một anh chàng bỏ học đại học đóng sập cửa ngay trước mặt Mark Zuckerberg quyền lực? Vì sao lại thế?

Trong một bài viết trên tờ Forbes, Spiegel đã giải thích về quyết định của anh: “Có rất ít người trên thế giới xây dựng một hoạt động kinh doanh như thế này. Tôi nghĩ rằng đánh đổi nó cho một lợi ích ngắn hạn là điều không hay ho cho lắm.”

Nhưng khi phát biểu tại trường kinh doanh USC Marshall, Spiegel lại có tuyên bố khác: “Tôi thường được hỏi một câu: “Vì sao anh không bán hoạt động kinh doanh của mình? Công việc ấy thậm chí còn không sinh ra tiền. Nó chỉ gây sốt nhất thời mà thôi. Lẽ ra anh đã có thể ở trên một chiếc du thuyền rồi. Ai cũng thích du thuyền. Có chuyện gì xảy ra với anh vậy?

“Giờ tôi tin rằng cách nhanh nhất thể nhận ra mình đang làm một điều gì đó thực sự quan trọng với bản thân là khi có kẻ nào đấy mang tới một đống tiền và đề nghị tôi chia tay với công việc đó.” (Evan Spiegel, CEO Snapchat)

Rồi anh nói tiếp: “Giờ tôi tin rằng cách nhanh nhất thể nhận ra mình đang làm một điều gì đó thực sự quan trọng với bản thân là khi có kẻ nào đấy mang tới một đống tiền và đề nghị tôi chia tay với công việc đó.”

1 tháng sau khi từ chối đề nghị mua lại của Facebook, Snapchat bị tin tặc tấn công. Tên người dùng và số điện thoại của hơn 4 triệu tài khoản bị lộ ra ngoài. Người dùng rất tức giận. Sau rốt thì ứng dụng này vẫn bị mang tiếng là nơi để người ta thoải mái chia sẻ các tin nhắn chứa nội dung gợi dục và nhiều người sợ danh tiếng của họ bị tổn hại.

Ban đầu Spiegel thấy rằng anh không cần phải lên tiếng xin lỗi. Nhưng phản ứng của dư luận quá mạnh. Vài tháng sau sự cố, công ty đã phải bỏ tiền dàn xếp cáo buộc đã cung cấp thông tin sai lạc cho người dùng.

Evan Spiegel chia sẻ về Snapchat. (Nguồn: YouTube)

Thêm một số thư điện tử cá nhân của Spiegel trong những ngày anh học ở Stanford với nội dung không đẹp bị tung lên mạng khiến người ta có cái nhìn thiếu thiện cảm về anh. Nhưng tất cả các biến cố này không hề làm giảm đà thăng tiến của Snapchat.

Trang TechCrunch cho biết tới tháng 12/2014, lượng người dùng thường nhật của Snapchat tăng lên con số ấn tượng 74 triệu. Tháng 12/2015, lượng người dùng thường nhật chạm mốc 111 triệu. Sang quý 4/2016, con số tăng lên 161 triệu người dùng, với 60 triệu trong đó tới từ Mỹ và Canada.

Cổ phiếu Snapchat lên sàn chứng khoán New York trong ngày mở bán IPO. (Nguồn: AFP)
Cổ phiếu Snapchat lên sàn chứng khoán New York trong ngày mở bán IPO. (Nguồn: AFP)

Thành công nhờ đi ngược xu thế đám đông

Tới đây hẳn sẽ có người đặt câu hỏi rằng vì đâu Snapchat lại hút người dùng mạnh tới vậy? Theo nhiều chuyên gia, câu trả lời có thể là từ sự khác biệt của Spiegel.

Spiegel là người không ưa việc đi theo xu thế chung. “Tuân theo xu thế chính là cai ngục canh gác tự do và là kẻ thù của sự tăng trưởng,” Spiegel từng phát biểu như vậy tại Trường kinh doanh Marshall ở Nam California vào năm 2015.

Lần đó, Spiegel chia sẻ rằng vì sao anh vẫn tới dự lễ tốt nghiệp tại khóa học của mình ở trường Standford, dù chưa đủ tín chỉ để tốt nghiệp. Đó là vì trong khoảnh khắc ấy anh không muốn “bị gạt ra bên ngoài.” Khi nhìn lại, Spiegel thấy hành động của mình thật kỳ quái.

“Đôi khi chúng ta làm đủ thứ ngu ngốc chỉ để tránh tỏ ra khác biệt. Tâm lý muốn tuân theo đám đông xảy ra quá tự nhiên tới mức chúng ta có thể quên mất nó mạnh như thế nào.” (Evan Spiegel, CEO Snapchat)

“Nhưng sự kiện nhắc tôi nhớ rằng đôi khi chúng ta làm đủ thứ ngu ngốc chỉ để tránh tỏ ra khác biệt,” anh nói. “Tâm lý muốn tuân theo đám đông xảy ra quá tự nhiên tới mức chúng ta có thể quên mất nó mạnh như thế nào. Chúng ta muốn những người ở xung quanh chấp nhận mình, muốn là thành viên của một nhóm. Điều này nằm trong đặc điểm sinh học của chúng ta. Vì thế, thứ khiến ta trở thành con người là những khoảnh khắc khi ta lắng nghe tiếng thì thầm trong tâm hồn và để mình bị kéo đi một hướng khác so với đám đông.”

Quan điểm này khiến anh có cái nhìn không giống ai về mạng xã hội từ thời còn học ở Standford. Nhờ sự trỗi dậy của Facebook, gần như mọi người đều tin rằng các mạng xã hội sẽ trở nên ngày càng có giá nhờ việc thu hút càng lúc càng đông người dùng.

Nhưng Spiegel nhận ra rằng ở ngoài đời thực, ngay cả những người có hàng ngàn bạn bè cũng chỉ dành phần lớn thời gian của họ với vài người bạn thật sự. Đó là những con người được đề cao hơn một lượng lớn bạn bè khác có quan hệ lỏng lẻo.

Spiegel và Murphy được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất hồi năm 2014. (Nguồn: AFP)
Spiegel và Murphy được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất hồi năm 2014. (Nguồn: AFP)

Vì thế, khi Spiegel và Murphy tạo ra Snapchat vào năm 2011, họ quyết định rằng các nội dung được tải lên đây sẽ chỉ tồn tại trong một thời gian siêu ngắn trước khi biến mất vĩnh viễn. Theo cách này, việc giao tiếp trên Snapchat sẽ giống như cuộc trò chuyện tâm tình giữa những người bạn thân. Người dùng sẽ chẳng phải lo rằng họ đã tung ra một bức ảnh quá hớ hênh hay viết ra điều gì đó ngớ ngẩn và trở thành trò cười lâu dài cho thiên hạ…

Spiegel chủ trương biến Snapchat thành một nền tảng mạng xã hội trong đó người dùng có thể sống thực với chính mình, không tô vẽ, đánh bóng.

“Quan điểm truyền thống của mạng xã hội về bản sắc của mỗi người thực ra khá cực đoan: bạn là tổng kết của tất cả những gì bạn từng đăng tải lên mạng xã hội. Nói cách khác thì bạn phải trưng ra một tấm ảnh làm bằng, hoặc sẽ chẳng ai tin cả. Trong trường hợp như của Instagram, bạn phải trưng ra một tấm ảnh đẹp, nếu không thì chuyện bạn kể chưa xảy ra và bạn sẽ không được xem là người hay ho,” Spiegel nói tại hội thảo AXS Partner Summit vào năm 2014.

“Snapchat quan niệm rằng chúng ta không phải là tổng kết của mọi thứ mình từng nói, làm, trải nghiệm hoặc xuất bản. Chúng ta là chính mình trong ngày hôm nay, ngay lúc này. Chúng ta không còn cần phải ghi lại “thế giới thực” và tái tạo nó trên mạng nữa. Chúng ta đơn giản là sống và giao tiếp với nhau cùng một lúc.”

Sự kiện IPO đình đám của Snapchat. (Nguồn: AFP/VietnamPlus)
Sự kiện IPO đình đám của Snapchat. (Nguồn: AFP/VietnamPlus)

Thay vì chấp nhận các tiêu chuẩn thông thường của hệ sinh thái mạng xã hội, Spiegel luôn có quan điểm khác biệt trên mọi vấn đề, từ video di động cho tới giao diện trên trang chủ. Đơn cử như Spiegel bác bỏ ý tưởng thiết lập một tính năng như News Feed trên Facebook tại Snapchat, bởi anh nói rằng người ta thích theo dõi một câu chuyện theo trật tự thời gian. Trong khi đó tại News Feed của Facebook, trật tự này lại bị đảo ngược, nghĩa là những bài viết mới nhất luôn được đẩy lên đầu tiên, thay vì xếp xuống dưới cùng.

Snapchat cũng không dùng thuật toán để ép người ta nhìn thấy những nội dung nhất định như nhiều mạng xã hội khác. Ngoài ra, người dùng Snapchat sẽ kéo màn hình và xem video theo chiều thẳng đứng, thay vì phải nhấn vào các menu hoặc xoay điện thoại chỉ để có thể xem video theo chiều ngang.

Và Spiegel làm tất cả những điều trên từ Venice, California (Los Angeles), nơi Snapchat đặt đại bản doanh, vốn cách Thung lũng Silicon – trung tâm của giới công nghệ Mỹ – tới hơn 500km. “Chúng tôi yêu Los Angeles, văn phòng của chúng tôi nằm trên bãi biển và nó khá đẹp,” Spiegel nói tại cuộc hội thảo reCode hồi năm 2015. “Thẳng thắn thì với chúng tôi, việc di chuyển tới đây giúp tạo chút khoảng cách cần thiết với mọi thứ để chúng tôi có thể thực sự tập trung vào hoạt động kinh doanh.”

Tư duy độc đáo của Spiegel còn thể hiện rõ ràng qua việc anh mong muốn tiến hành sớm việc chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của Snapchat, coi đây là điều mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty và các nhà đầu tư, trong khi những doanh nghiệp công nghệ cao khác cố gắng né tránh việc này càng lâu càng tốt.

Nhưng khi đệ trình hồ sơ S-1 để tiến hành IPO, Spiegel vẫn có vài động thái đi ngược truyền thống thông thường. Trước tiên, anh tuyên bố trong hồ sơ rằng Snapchat đã bị lỗ 514 triệu USD trong năm 2016 và cảnh báo rằng “có thể sẽ không bao giờ thu được lợi nhuận” từ hoạt động của mạng xã hội này.

Snapchat bổ sung tính năng nhắn tin video. (Nguồn: YouTube)

Thứ hai, Spiegel tận dụng cơ hội để “bắn tỉa” Mark Zuckerberg khi nói tính năng “stories (các câu chuyện)“ mới được triển khai của Instagram (mạng xã hội đã bị Facebook mua lại) thực ra chỉ là sản phẩm nhái kém cỏi hơn, dựa trên tính năng “user experience (trải nghiệm người dùng)” của Snapchat.

Tuy nhiên cách đệ trình hồ sơ chẳng giống ai này thực tế lại khớp hoàn toàn với lối điều hành Snapchat của Spiegel, cũng như cách anh đã sống đời mình. Và điều thú vị là bất chấp những cảnh báo thẳng thắn của Spiegel, người dùng vẫn đổ xô vào mua cổ phiếu của Snapchat (hiện đã đổi tên thành Snap Inc.)

Ngay sau khi được chào bán, giá cổ phiếu Snap tăng vọt 44% lên mức 24,48 USD/cổ phiếu và khiến công ty có giá trị khoảng 33 tỷ USD. Sau đó giá cổ phiếu đã giảm xuống mức 20,5 USD/cổ phiếu, vẫn đủ để khiến công ty có giá trị khoảng 27 tỷ USD. Tới đây, những ai từng xuýt xoa tiếc rẻ khi Spiegel từ chối bán Snapchat với giá 3 tỷ USD mới thấy quyết định của anh không hề sai lầm.

Snap Inc. đã tung kính thông minh Spectacles ra thị trường vào đầu năm 2017. (Nguồn: AFP)
Snap Inc. đã tung kính thông minh Spectacles ra thị trường vào đầu năm 2017. (Nguồn: AFP)

Giá trị của sự níu chân cái cũ

Có một điều rõ ràng là dù Snapchat phát triển đi lên và nội dung được chia sẻ đã đa dạng hơn nhiều so với các tin nhắn khiêu dâm ban đầu thì tự hủy nội dung vẫn là một đặc điểm nổi bật của mạng xã hội này. Nhưng giới chuyên gia chỉ ra một thực tế nghiệt ngã rằng nội dung biến mất cũng làm giảm đi đáng kể khả năng níu chân người dùng của Snapchat.

Hãy thử so sánh Snapchat với Facebook, mạng xã hội thu hút đông đảo người dùng nhất hiện nay. Facebook chứa rất nhiều thông tin về bạn, gồm cả các bài viết trước đây và các nội dung truyền thông bạn từng tải lên, cũng như các giao tiếp của bạn với mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Nhờ đó, Facebook đã triển khai tính năng On This Day (Ngày này năm xưa) hồi tháng 3/2015, nhắc nhở người dùng về những kỷ niệm họ chia sẻ trước đây. Tính năng này đặc biệt được yêu thích, bất chấp việc đôi khi nó nhắc nhở người dùng nhớ về các kỷ niệm mà họ muốn quên. Snapchat dĩ nhiên không thể làm được điều tương tự, bởi mọi nội dung đều đã tự hủy.

Evan Spiegel và vị hôn thê Miranda Kerr. (Nguồn: AFP)
Evan Spiegel và vị hôn thê Miranda Kerr. (Nguồn: AFP)

Vấn đề chính ở đây là tài khoản Facebook của bạn giống như một sự tổng kết các nội dung và hoạt động của quá khứ lẫn hiện tại, trong khi Snapchat chỉ duy trì những thứ thuộc về hiện tại. Giả dụ một người dùng muốn vứt bỏ Facebook, họ sẽ phải ném lại sau lưng toàn bộ lịch sử hoạt động của mình trên mạng xã hội và đây sẽ là cái giá không nhỏ khi chuyển đổi nền tảng.

Trong khi đó, Snapchat lại không có nhiều lưu luyến với các nội dung được đưa lên trước đó. Và trong khi hiệu ứng đám đông có vai trò rất quan trọng với mọi mạng xã hội thì dường như Snapchat đã sống dựa hoàn toàn vào hiệu ứng này. Nếu người dùng Snapchat vì lý do nào đó muốn di cư hàng loạt sang các nền tảng khác thì họ cũng chẳng mất mát nhiều lắm, trong khi đó lại là thảm họa của mạng xã hội này.

Với việc Facebook đang tích cực đưa Snapchat vào tầm ngắm, sao chép đủ loại đặc điểm trên mạng xã hội này, bao gồm cả những dịch vụ nhỏ nhất, Snapchat sẽ mất rất nhiều nếu không thể giữ chân người dùng.

Spiegel sớm nhận ra nguy cơ nên Snapchat đã có nhiều cải tiến trong suốt thời gian qua. Từ tháng 1/2015, Snapchat thêm mục “Discover”, cho phép các nhà xuất bản đưa lên những nội dung tin tức ngắn, thân thiện với không gian của mạng xã hội này. Mùa Hè 2016, Snapchat bổ sung thêm mục “Memories”, cho phép các câu chuyện được lưu vào thiết bị để người dùng xem sau đó.

Snapchat thêm các mục Stories và Discover. (Nguồn: YouTube)

Snapchat còn tìm ra cách để kiếm tiền mới – điều khiến các nhà đầu tư thở phào sau thời gian dài “lỗ chổng vó.” Công ty bắt đầu bằng việc thêm quảng cáo vào các hiệu ứng geofilter. Tiếp đó, sau khi Snapchat mua Looksery, công ty đã thêm tính năng “Lenses” (Lăng kính,) tạo ra các hiệu ứng hình ảnh bắt mắt như cầu vồng phát sáng từ miệng, bóp méo mặt, chúc mừng sinh nhật hoặc biến thành động vật. “Lenses” khiến người dùng Snapchat đặc biệt thích thú.

Ngoài ra Spiegel cùng Murphy còn đang ngấm ngầm nghiên cứu một dự án bí mật mới: kính thông minh. Tại sự kiện Sony Hack hồi năm 2014, họ tiết lộ việc đã mua Vergence Labs, nơi sản xuất kính thông minh Epiphany Eyewear.

Tháng 6 năm ngoái, paparazzi chụp được bức ảnh Spiegel đang đeo một chiếc kính thông minh thử nghiệm khi đi nghỉ với Miranda Kerr. Ngay sau đó, Snapchat đã giới thiệu kính Spectacles và tung nó ra thị trường vào đầu năm nay. Công ty cũng đổi tên thành Snap Inc. vào cuối năm ngoái và thêm mục sản xuất thiết bị máy ảnh vào hoạt động kinh doanh, đánh dấu một bước chuyển mình lớn.

“Khi chúng tôi mới bắt đầu, nhiều người không thể hiểu Snapchat là gì và nói rằng nó chỉ được dùng để nhắn tin sex, dù rằng chúng tôi biết nó được dùng cho nhiều mục đích hơn thế,” công ty viết trong đơn đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu. “Hành trình của công ty, từ một ứng dụng triệu đô khiến các bức ảnh biến mất thành một công ty máy ảnh như ngày hôm nay, đã thực sự chứng tỏ điều đó.”

Việc mở rộng đầu tư sang kính thông minh đã đánh dấu một bước chuyển mình lớn của Snapchat. (Nguồn: AFP)
Việc mở rộng đầu tư sang kính thông minh đã đánh dấu một bước chuyển mình lớn của Snapchat. (Nguồn: AFP)