Gánh hàng rong của mẹ

Trận mưa dầm dề, rả rích kéo dài suốt mấy ngày cuối tháng Chạp đã mang chút khí lạnh hiếm hoi cho mùa Đông, Hà Nội. Chỉ còn hơn chục ngày tới Tết Đinh Dậu. Dù thời tiết có ảm đạm tới đâu thì người người, nhà nhà vẫn vội vã ra đường, những mong kết thúc công việc của năm hoặc tranh thủ mua sắm đón năm mới.

Cần mẫn trên những con phố, những khu chợ truyền thống là bóng dáng của người phụ nữ bán hàng rong tần tảo, lam lũ, tranh thủ lặn lội trong mưa, lầm lũi giữa cái rét, tìm kiếm chút lãi lời, bù đắp cho ngày Xuân của gia đình được thêm sung túc.

Trong số họ hầu hết là những người mẹ, những người phụ nữ thôn quê, vốn không thể kiếm ăn từ ruộng đồng, vườn tược… bất đắc dĩ mò mẫm lên thành phố mưu sinh.

“… ngày nào bố không uống rượu”

Lụp xụp trong chiếu áo mưa giấy, chị Nguyễn Thị Lý, ở Cửu Cao, Văn Giang, Hưng Yên, khuôn mặt nhợt nhạt, tím tái khép lép trong nét cười ngại ngùng khi biết chúng tôi đề xuất được phỏng vấn và hình đưa chị lên báo.

Nét buồn phảng phất trên khuôn mặt người phụ nữ, với một buổi chợ kém “buôn may bán đắt.” (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nét buồn phảng phất trên khuôn mặt người phụ nữ, với một buổi chợ kém “buôn may bán đắt.” (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chị Lý rong ruổi trên chiếc xe đạp ra thành phố bán hoa quả đã hơn 10 năm. Nhà cách Hà Nội khoảng 20 km, do đó mỗi ngày chị rời nhà lúc 4 giờ sáng và trở về khoảng 10 giờ tối.

Chị tâm sự, cả gia đình trông chờ vào xe hàng này, nên dù mưa hay nắng chị cũng không dám nghỉ. Ngày nào buôn bán đắt, chị có thu nhập khoảng một, hai trăm nghìn đồng, còn ngày ế ẩm thì vài chục nghìn đồng.

Hôm đó là rằm tháng Chạp, trời mưa nặng hạt từ đêm hôm trước kéo sang hết cả ngày hôm sau. Mặc dù dầm mình trong mưa rét từ sáng đến chiều tối, song chị Lý cho biết vẫn mong bán nốt xe hàng, “cuối năm, chị em công sở thường về khá muộn nên tôi cố nán lại một chút.”

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm,” tự nhiên vốn là vậy, nhưng trong thực tế lại không phải lúc nào cũng “mưa thuận, gió hoà.” Do điều kiện không cho phép, nhiều người phụ nữ đã phải gánh vác mọi tránh nhiệm lên đôi vai gầy guộc của chính mình, đảm nhiệm cả hai nhiệm vụ lo toan kinh tế đồng thời giữ hòa khí gia đình.

Lóc cóc, lóc cóc… mẹ chở tương lai trên những gánh hàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lóc cóc, lóc cóc… mẹ chở tương lai trên những gánh hàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Em Lê Thị Hồng Nhung (y tá mới ra trường), cô con gái lớn của chị Lý chia sẻ, “Tết, trong nhà rất sơ sài. Bố em tai nạn và ốm nhiều năm, nên kinh tế trong gia đình do mẹ em lo toan hết. Nhưng không khí ngày Tết có vui hay không lại phụ thuộc vào tâm trạng của bố. Hy hữu ngày nào bố không uống rượu, quát mắng, cả nhà còn được quây quần, còn không thì ba mẹ con em chỉ biết nháo nhác, mỗi người một góc cho xong.”

Thời gian như ngưng đọng, ánh đèn heo hắt ra từ mấy hộ nhà dân xung quanh, chiếu lên khuôn mặt đầy bối rối, khiến giọt nước trực tràn qua khoé mắt của Nhung trở nên long lanh, “Em thương mẹ lắm. Mẹ em rất hiền, bố mắng thường không nói gì. Trong cuộc đời em, điều an ủi lớn nhất là ngắm nụ cười của mẹ.”

Giọt nước mắt của con

Cũng quê Hưng Yên, nhưng nhà chị Nguyễn Thị Thu lại ở cách Hà Nội khá xa, giải pháp duy nhất là thuê nhà trọ ngủ qua đêm và lâu lâu thu xếp về thăm nhà một lần.

Chị Thu cho biết, mình có hai con, cháu trai học lớp 9 và cháu gái học lớp 10, đang sống cùng ông bà ngoại ở quê. Hai vợ chồng chị Thu lên Hà Nội kiếm sống từ khi đứa con bé khoảng ba tuổi. Chị Thu bán hoa quả rong bằng xe đạp và chồng chở xe ôm tại một khu chợ trên quận Long Biên.

Không có vốn liếng, nhiều người phụ nữ rời làng quê lên thành phố lựa chọn công việc khuân vác để mưu sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Không có vốn liếng, nhiều người phụ nữ rời làng quê lên thành phố lựa chọn công việc khuân vác để mưu sinh. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chị tâm sự: “Nhìn mọi người sắm Tết, nghĩ tới cảnh nhà mình lại chạnh lòng. Năm nào cũng vậy, xong xuôi tất cả hai vợ chồng mình trở về nhà là chạng vạng tối ngày 30 Tết, may mà mọi thứ mua sắm và dọn dẹp nhà cửa đã có ông bà. Hai đứa trẻ nháo nhác, ùa ra khi nghe thấy tiếng xe máy của bố. Kể cũng tội!”

Niềm vui lớn nhất của chị Thu là mua sắm quần áo mới cho các con vào mỗi dịp Xuân về. Ngắm những hai đứa trẻ hớn hở thử quần, áo… sẽ giúp chị quên đi mọi khó khăn, vất vả cũng như những thiếu thốn tình cảm khi không được gặp con cái thường xuyên như những người mẹ khác.

“Mặc dù không có bố, mẹ ở bên kèm cặp, chăm sóc, chỉ bảo nhưng cả hai đứa con nhà mình đều ngoan và chăm học. Chúng rất thương bố mẹ. Lớn chừng này rồi mà mỗi lần ăn Tết xong, mẹ đi ra thành phố làm ăn, hai đứa cứ quấn lấy chân mà khóc. Thằng con trai lấm lem quệt nước mắt, mẹ đừng đi nữa có được không? Mình lừ mắt, ‘bố, mẹ không đi làm thì lấy gì mà ăn, mà đóng học.’ Nói vậy thôi, mình cũng tủi thân lắm!”

Chuyện xưa, chuyện nay, người mẹ nào cũng vẫn tấm lòng như vậy! Chợt nhớ đến câu chuyện cách đây hơn 80 năm của cố nhà văn Hồ Dzếnh. Trong tác phẩm “Chân trời cũ,” ông kể vì đóng tiền học cho con, người mẹ tần tảo, nhân hậu của ông trong người chỉ còn mười quan tiền, đã phải muối mặt “mượn tạm” hai đồng bạc của người em dâu “rơi ở đầu giường.”

Những người phụ nữ tranh thủ lấy hàng từ trong đêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Những người phụ nữ tranh thủ lấy hàng từ trong đêm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

“Câu chuyện đó theo dõi tôi như một ám ảnh cực nhục. Mỗi lần nhớ đến mẹ tôi, hay xét mình phạm tội, tôi thường đem nó ra để tự hình phạt. Nhiều năm đã rơi theo nhiều năm và bây giờ, trong những đêm của Hà Nội, cái thành phố hoa lệ chỉ quen tiêu bạc với hào, tôi vẫn rờn rợn nghe thấy âm thanh của mười quan tiền kêu lanh lảnh…,” tháng 10/1937, nhà văn lưu bút.

Toàn cầu hoá “đuổi tới” gánh hàng rong

Bần thần, tôi nghe chị Lý và chị Thu than phiền, dạo này nhiều khách quen, nhất là các chị em công sở không còn thường xuyên mua trái cây do các chị bán.

Chị Nguyễn Phương Anh, một cô giáo ở quận Hoàn Kiếm chia sẻ, “do công việc bận rộn, nhà lại gần siêu thị nên mỗi lần đi chợ tôi thường mua luôn tất cả mọi thứ cho tiện. Gần đây, các siêu thị cạnh tranh mạnh mẽ nên giá cả rau, quả, thực phẩm so với ngoài chợ cũng không hơn, kém nhiều. Hơn nữa tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm lại xảy ra xuyên, do đó mua hàng trong siêu thị ít ra cũng có nguồn gốc. Thậm chí,nếu có vấn đề xảy ra khi sử dụng thực phẩm, có hoá đơn của siêu thị thì mìnhcó thể nắm được ‘người có tóc’.”

Cơ hội mưu sinh trên những gánh hàng rong ngày càng nhỏ dần trước áp lực cạnh tranh từ hội nhập. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cơ hội mưu sinh trên những gánh hàng rong ngày càng nhỏ dần trước áp lực cạnh tranh từ hội nhập. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Xu thế mua hàng hoá, thực phẩm… chuyển từ các chợ truyền thống sang hệ thống bán lẻ như siêu thị, cửa hàng tiện ích đang lan rộng trong các thành phố trên cả nước. Trên thực tế, đây là câu chuyện tất yếu của hội nhập và toàn cầu hóa.

Nghiệt ngã thay, với những người bán hàng rong như chị Lý, chị Thu… cả ngày lang thang trên phố sẽ không dễ dàng tiếp cận và hiểu hết về những thông tin vĩ mô mang tầm vóc quốc gia và thế giới như vậy. Chắc chắn sẽ chẳng có ai nói thầm vào tai họ, giải thích cho họ, câu chuyện kinh doanh khó khăn của các khu chợ truyền thống, trước đó đã từng diễn ra ở Thái Lan vào những năm 2000, khi các hệ thống bán lẻ chuyên nghiệp (trong nước, quốc tế) trở nên bành trướng và hướng vòi bạch tuộc chiếm lĩnh phần lớn các phân khúc thị trường.

Cơ hội mưu sinh trên những gánh hàng rong ngày càng nhỏ dần trước áp lực cạnh tranh từ hội nhập. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cơ hội mưu sinh trên những gánh hàng rong ngày càng nhỏ dần trước áp lực cạnh tranh từ hội nhập. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Mùa Xuân sắp đến, trên khắp nẻo đường mọi người rộn ràng sắm Tết, chị Lý, chị Thu… và tất cả những người buôn bán truyền thống đều đang tranh thủ những cơ hội buôn bán để kiếm thêm chút lợi nhuận cuối năm.

Bài toán toàn cầu hoá với các mối đe doạ tiềm ẩn về những áp lực cạnh tranh cũng gác sang một bên. Có lẽ, không phải sang năm mới mà phải một vài năm hay nhiều năm sau này, câu chuyện về nghề bán hàng rong đã từng phổ biến trên các khu chợ Hà Nội, sẽ lại được chị kể cho con cháu mình như một kỷ niệm, một dấu ấn ngơ ngác… của một thời đất nước bước vào hội nhập./.

Xuân theo mẹ về trên phố (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)
Xuân theo mẹ về trên phố (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)