Châu Âu

ecb3-1500521544-75.jpg

Tin tốt từ châu Âu là đảng Mặt trận Quốc gia theo chủ nghĩa Quốc xã mới của Marine Le Pen đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 7/5. Tin xấu là chương trình của người giành chiến thắng, Emmanuel Macron, có thể đưa Le Pen trở lại cuộc đua trong 6 năm nữa kể từ bây giờ.

Macron cam kết cắt giảm 120.000 công ăn việc làm trong lĩnh vực công, giảm chi tiêu 60 tỷ euro, bãi bỏ tuần làm việc 35 giờ, tăng độ tuổi nghỉ hưu, làm suy yếu sức mạnh đàm phán và cắt giảm thuế doanh nghiệp. Đây là một chương trình không có khả năng hồi phục nền kinh tế ốm yếu của Pháp, nhưng chắc chắn sẽ làm trầm trọng thêm tình cảnh khó khăn của thanh niên thất nghiệp và người lớn tuổi và trao cho đảng Mặt trận Quốc gia đạn dược cho cuộc bầu cử năm 2022.

Châu Âu đang vướng vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, một mặt do cấu trúc của Liên minh châu Âu (EU), mặt khác do bản chất của chủ nghĩa tư bản gây ra. Sự hội tụ đó đã khiến các nền kinh tế trên khắp nhóm thương mại gồm 27 thành viên đình trệ, khiến hàng chục triệu người lâm vào cảnh nghèo khổ và giúp khơi dậy các phong trào cánh hữu phân biệt chủng tộc mà một vài thất bại bầu cử không có khả năng ngăn chặn.

Điều che đậy gốc rễ của cuộc khủng hoảng này là câu chuyện thần thoại rằng nợ là kết quả của hành vi chi tiêu hoang phí, kinh tế trì trệ là hệ quả của mức thuế cao, và các quy tắc lao động cứng nhắc mà vô hiệu hóa các doanh nghiệp và kiềm chế tăng trưởng. Thủ tướng Đức Angela Merkel thích nói rằng các nước nên hành xử như một “bà nội trợ Swabia tiết kiệm”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thích nói rằng các nước nên hành xử như một “bà nội trợ Swabia tiết kiệm”

Nhận xét của Merkel là dựa trên một câu chuyện thần thoại hay đó là một câu chuyện ngụ ngôn? Trong khi một câu chuyện ngụ ngôn là “lối nói ẩn dụ về một chủ đề dưới hình thức một chủ đề khác,” một câu chuyện thần thoại là “một niềm tin chung không có căn cứ hoặc sai lầm được sử dụng để biện minh cho một thể chế xã hội.” Sự khác biệt dường như có thể mang tính mô phạm, nhưng hoàn toàn không phải vậy, và vì những câu chuyện thần thoại đặc biệt khó có thể xóa bỏ một khi chúng trở nên phổ biến, điều thiết yếu là giải mã chính xác cách thức EU đã tự đưa mình vào rắc rối.

Một phần của vấn đề này là chính chủ nghĩa tư bản, một hệ thống kinh tế tạo ra cả năng lực sản xuất khổng lồ lẫn sự hỗn loạn kinh tế.

Chủ nghĩa tư bản bị tổn hại bởi hai kiểu khủng hoảng là khủng hoảng theo chu kỳ và khủng hoảng cơ cấu. Các cuộc khủng hoảng theo chu kỳ – các cuộc suy thoái – có xu hướng xảy ra gần như cứ 10 năm một lần. Mỹ và châu Âu đã trải qua các cuộc suy thoái vào đầu những năm 1980, 1990 và 2000. Chúng gây đau đớn và không dễ chịu nhưng nhìn chung kết thúc trong khoảng 18 tháng.

Tuy nhiên, cứ mỗi 40 hoặc 50 năm, có một cuộc khủng hoảng cơ cấu như sự sụp đổ năm 1929 và Đại Suy thoái xảy ra sau đó.

Biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng tại Tây Ban Nha. (Nguồn:  AFP/TTXVN)
Biểu tình phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng tại Tây Ban Nha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Khi một cuộc khủng hoảng cơ cấu xảy ra, chủ nghĩa tự bản tự tái tổ chức. Vào những năm 1930, giải pháp là tạo ra chủ nghĩa tư bản tái phân phối, sử dụng sức mạnh của nhà nước để kích thích kinh tế và giảm bớt một số sự hỗn loạn đi cùng với việc tái tổ chức này. Bảo hiểm thất nghiệp và An sinh xã hội đã giảm bớt phần nào nỗi đau, các công trình công cộng đã thu hút một số người thất nghiệp và các công đoàn đã có quyền tổ chức và đình công.

Chủ nghĩa tư bản đã trải qua một cuộc khủng hoảng cơ cấu khác vào cuối những năm 1970, và chính hậu quả của nó hiện nay đang quấy rầy EU – và Mỹ. Sử dụng cuộc suy thoái năm 1979-1981 như một tấm bình phong, người ta đã cắt giảm thuế đối với doanh nghiệp và người giàu, dỡ bỏ điều tiết kinh doanh và tài chính, tư nhân hóa các thể chế công và tấn công các công đoàn. Chủ nghĩa tư bản cũng đã trở nên mang tính toàn cầu.

Chủ nghĩa toàn cầu hóa đã kích thích tăng trưởng lớn, nhưng với một thiếu sót sâu sắc. Với việc các công đoàn bị suy yếu – một phần vì cuộc tấn công trực tiếp, một phần vì nguồn lao động giá rẻ khổng lồ hiện có sẵn trong thế giới các nước đang phát triển – tiền lương hoặc bị đình trệ hoặc giảm sút ở châu Âu và Mỹ, và khoảng cách giàu nghèo đã gia tăng.

1% nhân loại hiện kiểm soát trên một nửa của cải của thế giới, và 20% người giàu nhất sở hữu 94,5% của cải. Tóm lại, 80% nhân loại xoay xở sống bằng 5,5% của cải của thế giới

Một nghiên cứu năm 2015 của Oxfam đã cho thấy 1% nhân loại hiện kiểm soát trên một nửa của cải của thế giới, và 20% người giàu nhất sở hữu 94,5% của cải. Tóm lại, 80% nhân loại xoay xở sống bằng 5,5% của cải của thế giới.

Đây không chỉ là một vấn đề đối với thế giới các nước đang phát triển và chưa phát triển. Đức có nền kinh tế lớn nhất trong EU và là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới. Năm 2000, 20% người Đức giàu nhất đã kiếm được nhiều hơn 3,5% so với 20% người nghèo nhất. Hiện nay con số đó đã tăng lên 5 lần. Đối với 10% người nghèo nhất, thu nhập đã thực sự sụt giảm. Trong khi thu nhập tăng 6%, chi phí sinh hoạt đã tăng 24%. Nếu bà nội trợ Swabia đó nằm trong số 10% này, bà tiết kiệm bao nhiêu cũng không tạo ra nhiều sự khác biệt, bà đã rơi vào cảnh khánh kiệt.

Toàn cầu hóa đã tạo ra sự bất ổn định bằng cách tạo ra một cuộc khủng hoảng tích lũy. Một vài người có rất nhiều tiền, nhưng có quá nhiều người có rất ít tiền, chắc chắn không đủ để tiếp nhận sản lượng của nền kinh tế toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản toàn cầu đã tràn ngập tiền, nhưng sử dụng chúng vào đâu? Câu trả lời là đầu cơ tích trữ tài chính – đặc biệt kể từ khi nhiều biện pháp kiềm chế và an toàn đã được xóa bỏ thông qua việc dỡ bỏ quy định.

Cảng container ở Tây Ban Nha. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Cảng container ở Tây Ban Nha. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đối với châu Âu, hầu hết đầu cơ tích trữ đi vào lĩnh vực đất đai. Giá đất ở Tây Ban Nha và Ireland đã tăng 500% từ năm 1999 đến năm 2007. Trong trường hợp Ireland, giá đất hầu như là ảo. Các khoản vay bất động sản của Ireland tăng từ 5 tỷ euro vào năm 1999 lên 96,2 tỷ euro vào năm 2007, hay nói cách khác là hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Cộng hòa này. Trong cùng giai đoạn, nợ của hộ gia đình châu Âu đã tăng trung bình 39%.

Rõ ràng đây là một bong bóng kinh tế và tất cả bong bóng kinh tế sớm hay muộn đều sẽ vỡ. Bong bóng kinh tế này đã vỡ tại Mỹ vào cuối năm 2007 và nhanh chóng lan sang châu Âu.

Điều quan trọng cần ghi nhớ là các nước EU gặp rắc rối hầu như không phải là các nước tiêu xài hoang phí. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland đều đã có tỷ lệ nợ khiêm tốn và thặng dư ngân sách vào thời điểm khủng hoảng.

Vấn đề không phải là các chính phủ tiêu xài hoang phí mà là lãi suất vay tăng đột ngột, điều khiến cho việc cấp vốn cho các hoạt động của chính phủ trở nên tốn kém. Điều đó kết hợp với quyết định sử dụng tiền của người đóng thuế để giải cứu các ngân hàng đã tự đưa mình vào rắc rối bằng việc đầu cơ tích trữ bất động sản. Về cơ bản, người dân Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Ireland đã nhận các khoản nợ của các ngân hàng mà họ chưa bao giờ vay mượn bất kỳ thứ gì.

Người đóng thuế Ireland đã bỏ ra 30 tỷ euro để giải cứu ngân hàng Anglo-Irish, một con số tương đương với thu nhập thuế trong cả năm của nước Cộng hòa này. Vì không nước nào trong số này có chừng đó tiền trong tay, họ đã nộp đơn xin “giải cứu” từ Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng trung ương châu Âu và Ủy ban châu Âu, được gọi là “bộ ba chủ nợ”. Khoảng 89% các khoản giải cứu này đã đi đến các ngân hàng. Vào ngày việc giải cứu Hy Lạp được công bố, cổ phiếu ngân hàng Pháp đã tăng 24%.

Những người thất nghiệp xếp hàng tìm việc làm tại một văn phòng môi giới việc  làm của chính phủ ở thủ đô Madrid. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Những người thất nghiệp xếp hàng tìm việc làm tại một văn phòng môi giới việc làm của chính phủ ở thủ đô Madrid. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Không phải các nước EU không phải trả nợ, nhưng vào năm 2014, Ủy ban Kiểm toán công dân về nợ công đã phát hiện ra rằng từ 60% đến 70% các khoản nợ đó không phải do chi tiêu quá mức, mà thay vào đó là do cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp và người giàu và tăng lãi suất.

Việc tăng lãi suất có lợi cho các chủ nợ và nhà đầu cơ. Ủy ban này nhận thấy hầu hết các khoản thâm hụt là kết quả của “các quyết định chính trị” mà chuyển của cải từ tầng lớp này sang tầng lớp khác.

Về lâu dài, một số khoản nợ đó sẽ phải được xóa vì đơn giản người ta không thể trả được. Công ước London về nợ năm 1952 mà đã xóa khoản nợ hậu chiến của Đức và kích thích một cuộc phục hồi kinh tế có thể được dùng làm một hình mẫu.

Hội tụ với cuộc khủng hoảng này của chủ nghĩa tư bản là cách thức EU được thiết kế, mặc dù hai điều này khó có thể độc lập với nhau. Nhiều biện pháp kiềm chế của EU đã được thiết kế riêng biệt để có lợi cho vốn và tài chính và gạt sang một bên sự kiểm soát đối với các vấn đề kinh tế mà 500 triệu thành viên của EU có.

Tất cả các quyết định kinh tế đều do “bộ ba chủ nợ” đưa ra, một nhóm cơ quan không được bầu lên mà không phải chịu trách nhiệm trước ai

Vấn đề thứ nhất là tất cả các quyết định kinh tế đều do “bộ ba chủ nợ” đưa ra, một nhóm cơ quan không được bầu lên mà không phải chịu trách nhiệm trước ai. Có Nghị viện châu Âu, nhưng cơ quan này hầu như không có quyền lực hay sự kiểm soát đối với tài chính.

Điều tương tự cũng đúng với các chính phủ thành viên EU. Khi cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis nói với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble rằng đảng cánh tả Syriza của ông được bầu lên để phản đối các chính sách thắt lưng buộc bụng của EU, Schauble đã đáp lại: “Chúng tôi không thể để một cuộc bầu cử thay đổi bất kỳ điều gì”.

Vấn đề thứ hai là các chính phủ quốc gia không có quyền kiểm soát đối với giá trị của đồng euro. Trong số 27 nước thành viên EU, 19 nước sử dụng đồng tiền chung và tạo thành Khu vực đồng euro. Điều kiện để Đức từ bỏ đồng mark và áp dụng đồng euro là các nước thành viên Khu vực đồng euro phải giữ thâm hụt ngân sách không quá 3% thu nhập quốc gia, và mức nợ không quá 60% GDP. Mặc dù công thức đó có hiệu quả với mô hình xuất khẩu mạnh mẽ của Đức, nó lại không hiệu quả đối với một số nền kinh tế khác trong Khu vực đồng euro.

Đồi Capital ở thành phố Rome. (Nguồn: THX/TTXVN)  
Đồi Capital ở thành phố Rome. (Nguồn: THX/TTXVN)  

Đồng euro do Ngân hàng trung ương châu Âu định giá, đồng nghĩa với việc các thành viên không thể hạ giá trị đồng tiền của họ, một chiến lược chung để đối phó với nợ và là điều rất quan trọng đối với Bộ Tài chính Mỹ. Chừng nào mà mọi việc tiến triển thuận lợi, quy tắc này là có hiệu quả, nhưng khi một cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, đồng tiền chung và các biện pháp kiềm chế nợ có thể đồng nghĩa với rắc rối lớn cho các nền kinh tế nhỏ hơn, ít tập trung vào xuất khẩu hơn.

Khi bong bóng tài chính vỡ vào năm 2008, các nước như Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland – và ở một chừng mực nhất định là Pháp – đã chứng kiến các khoản nợ của họ tăng vọt, với các chiến lược đối phó với nó bị các quy tắc của Khu vực đồng euro cản trở.

Và đó là khi vấn đề thứ ba đối với Khu vực đồng euro xuất hiện. Mặc dù có đồng tiền chung, nhưng không có chia sẻ nợ thông qua các biên lai thuế. Trong một hệ thống đồng tiền chung giống như Mỹ, các nền kinh tế hùng mạnh ở California và New York chi trả các hóa đơn ở những nơi như Mississippi và Louisiana.

Khoảng 44% ngân sách bang Louisiana được chính phủ liên bang trả, bằng cách thu thuế ở các bang giàu có và phân phát một phần tiền thuế đến các khu vực mà nền kinh tế hoặc quá nhỏ hoặc không có khả năng đáp ứng các nhu cầu ngân sách của họ. Nếu một nước gặp rắc rối ở Khu vực đồng euro, đó là việc của riêng họ.

Trong khi EU đối đãi tốt với các ngân hàng và các nước như Đức và Áo, nó đã không đối đãi tốt với nhiều nước thành viên khác. Việc áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng như một cách cứu chữa nợ nần không giải quyết được vấn đề, nó chỉ tạo ra một vòng xoáy nợ nhiều hơn, và chính sách thắt lưng buộc bụng nhiều hơn.

Như Rana Foroohar, nhà báo chuyên mục kinh doanh của tờ Financial Times cho biết: “Không quốc gia nào có thể tăng trưởng khi người tiêu dùng, khu vực doanh nghiệp và khu vực công ngừng chi tiêu”.

Không có một ví dụ nào trong 20 năm qua cho thấy việc cắt giảm thuế đối với doanh nghiệp và người giàu đã kích thích một nền kinh tế

Vì hầu hết các đảng trung tả đều tin tưởng vào công thức chính sách thắt lưng buộc bụng như một cách cứu chữa nợ nần, họ đã bị đánh bại tại các cuộc bầu cử. Công đảng Hà Lan đã thất bại thảm hại trong cuộc bầu cử gần đây, đảng Xã hội Pháp giành được chưa đến 7% số phiếu bầu và đảng Xã hội Tây Ban Nha hầu như không thể dẫn trước đảng cực tả Podemos. Đảng Xã hội Italy đã mất hơn 15 điểm trong các cuộc thăm dò và hiện đang đứng sau đảng khá kỳ lạ Phong trào 5 sao. Đảng Xã hội Hy Lạp không còn được chú ý tới.

Bài học dành cho cánh tả dường như sẽ là việc chuyển sang phe ôn hòa hoặc cánh hữu là một con đường hướng tới thảm họa bầu cử.

Đảng ôn hòa mới của Macron, đảng Nền cộng hòa tiến bước, đã giành chiến thắng, nhưng hầu hết nhờ vào lá phiếu chống Le Pen. Chương trình thắt lưng buộc bụng, kiềm chế các công đoàn và cắt giảm thuế doanh nghiệp của ông quen thuộc với tất cả mọi người, mặc dù đảng Nền cộng hòa tiến bước đã có kết quả tốt tại cuộc bầu cử Hạ viện mới đây. Nếu không, ông lên kế hoạch buộc thông qua các biện pháp này bằng sắc lệnh.

Không có khả năng một chương trình theo đường lối ôn hòa như vậy sẽ làm được bất kỳ điều gì để giảm tỷ lệ thất nghiệp của Pháp – tổng cộng là 9,6% và 25% trong thanh niên từ 18 đến 29 – hay vực dậy nền kinh tế. “Cải cách” lao động và chính sách thắt lưng buộc bụng không khởi động các nền kinh tế, và việc cắt giảm thuế cũng có thành tích ảm đạm tương tự.

Quả thực, như Foroohar chỉ ra, không có một ví dụ nào trong 20 năm qua cho thấy việc cắt giảm thuế đối với doanh nghiệp và người giàu đã kích thích một nền kinh tế. Quả thực, tăng trưởng kinh tế vào những năm 1990 đã xảy ra trong khi thuế suất tăng lên.

Đồng tiền giấy mệnh giá 500 euro tại ngân hàng Sparkasse ở Munich, Đức ngày 3/2.  (Nguồn: EPA/TTXVN)
Đồng tiền giấy mệnh giá 500 euro tại ngân hàng Sparkasse ở Munich, Đức ngày 3/2. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Nếu tình hình kinh tế trầm trọng thêm, hoặc thậm chí vẫn trong tình trạng cũ, cánh hữu sẽ chờ đợi để tấn công với câu trả lời đơn giản của họ cho vấn đề khủng hoảng kinh tế: chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.

Đồng hồ đang điểm. Đức sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào tháng 9, và có vẻ như Italy cũng sẽ tổ chức các cuộc bầu cử vào mùa Thu này. Ở Tây Ban Nha, chính phủ thiểu số cánh hữu đang ngày càng trở nên mong manh và một cuộc bầu cử khác nhiều khả năng diễn ra.

Các đảng trung tả đang thể hiện tốt ở Bồ Đào Nha, nơi đảng Xã hội liên kết với hai đảng cánh tả nữa để theo đuổi một sự nghiệp chung.

Ở Anh, việc Công đảng đột ngột quay lưng lại với đường lối ôn hòa của mình đã tác động nghiêm trọng đến đảng Bảo thủ, ngăn không cho đảng này có được đa số trong Nghị viện.

Một cuộc thăm dò gần đây của YouGov đã chỉ ra rằng đa số người Anh ủng hộ cương lĩnh cánh tả của Công đảng hơn chương trình thắt lưng buộc bụng của đảng Bảo thủ.

Liên minh Bồ Đào Nha đang chứng tỏ rằng có các mô hình kinh tế thành công để đối phó với nợ nần và tăng trưởng mà không khiến số đông lâm vào cảnh nghèo khổ vì lợi ích của một số ít. Câu hỏi đặt ra là liệu cánh tả ở Italy, Tây Ban Nha và Đức có thể tập hợp các chương trình mà tận dụng tình trạng bất ổn sôi sục do sự bất bình đẳng của chủ nghĩa toàn cầu hóa tạo ra hay không?./.

Bên ngoài trụ sở Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 15/7/2016.  (Nguồn: AFP/TTXVN)
Bên ngoài trụ sở Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 15/7/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)