Nước cờ sai lầm

theresamay-1497166743-27.jpg

Cuộc tổng tuyển cử ở Anh đã kết thúc mà không có đảng nào giành được đa số áp đảo, khiến Xứ sở Sương mù rơi vào tình trạng “Quốc hội treo” lần thứ hai trong 3 cuộc tổng tuyển cử gần đây.

Có thể nói, Thủ tướng Anh Theresa May và đảng Bảo thủ đã đi một nước cờ sai trong cuộc bầu cử trước thời hạn mà ban đầu tưởng chừng nắm chắc phần thắng, khi chỉ giành được 318 ghế, không đủ đa số  cần thiết (326/650) để đứng ra thành lập chính phủ.

Không chỉ giáng “một đòn đau” vào uy tín của Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền, kết quả này còn báo hiệu nước Anh sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước khi khởi động tiến trình đàm phán rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit – dự kiến diễn ra vào ngày 19/6.

Một kịch bản ngoài dự kiến có thể đẩy nền chính trị nước Anh rơi vào rối loạn, thậm chí cuộc đàm phán Brexit có thể bị trì hoãn vô thời hạn.

Bấp bênh tương lai của Thủ tướng Theresa May

Kêu gọi bầu cử sớm từng được cho là bước đi chiến thuật của Thủ tướng Anh Theresa May nhằm gia tăng quyền lực cho chính phủ Bảo thủ trước khi bước vào cuộc đàm phán Brexit, bởi bà cho rằng việc đảng Bảo thủ chỉ nắm thế đa số khá mong manh tại Hạ viện như trước đây có thể khiến tiến trình đàm phán Brexit bị đe dọa. Song, kết quả bầu cử lần này là bước “thụt lùi” đối với đảng Bảo thủ khi họ để mất tới 12 ghế so với kỳ bầu cử trước. Trong khi đó, về thứ hai, nhưng Công đảng lại được coi là thắng lợi khi gia tăng được 30 ghế tại cơ quan lập pháp lên 262 ghế.

Với kết quả này, rõ ràng sự tín nhiệm của cử tri đối với hai chính đảng lớn nhất tại Anh đã thay đổi nhiều so với gần 2 tháng trước, thời điểm bà May bất ngờ kêu gọi tiến hành cuộc bầu cử sớm hơn lịch trình tới gần 3 năm. Vào thời điểm đó, đảng Bảo thủ được tin tưởng sẽ dễ dàng thắng áp đảo để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới. Tới tận cuộc bầu cử địa phương đầu 5 vừa qua, đảng Bảo thủ vẫn chiến thắng vang dội, khiến bà May càng tự tin vào quyết định của mình.

Tuy nhiên, 3 vụ tấn công khủng bố liên tiếp trong vòng 2 tháng, trong đó có 2 vụ ngay tại London, thậm chí vụ mới nhất xảy ra chỉ 5 ngày trước cuộc tổng tuyển cử, được xem là một trong những nguyên nhân làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử tại Anh.

Dù từng phụ trách vấn đề an ninh và giữ chức Bộ trưởng Nội vụ trước khi trở thành Thủ tướng, song bà May vẫn bị chỉ trích là đã không đưa ra được những biện pháp cụ thể để ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố. Điều này khiến cử tri Anh dần mất lòng tin vào Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền. Từ mức chênh lệch cao kỷ lục 21% hồi cuối tháng 4, khoảng cách giữa đảng Bảo thủ và Công đảng đã dần thu hẹp, và tới sát thời điểm bầu cử, kết quả thăm dò cho thấy đảng Bảo thủ chỉ dẫn trước Công đảng khoảng 3%.

Ba vụ tấn công khủng bố liên tiếp trong vòng 2 tháng, trong đó có 2 vụ ngay tại London, được xem là một trong những nguyên nhân làm thay đổi cục diện cuộc bầu cử tại Anh. 

Đúng là “chơi dao dễ có ngày đứt tay”. Kịch bản ngoài dự đoán của cuộc bầu cử Hạ viện đã giáng “một đòn đau” vào uy tín của Thủ tướng May và đảng Bảo thủ cầm quyền. Sau khi kết quả chính thức được công bố, nhiều nghị sỹ Công đảng và những người ủng hộ đã nhanh chóng kêu gọi bà May từ chức. Thủ lĩnh Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn còn không ngại ngần khi tuyên bố sẵn sàng xem xét khả năng thành lập chính phủ thiểu số, thậm chí thẳng thừng kêu gọi Thủ tướng May từ chức khi mà uy tín của đảng Bảo thủ giảm sút rõ rệt.

Trong khi đó, bà Nia Griffith, người được cho là nhiều khả năng sẽ giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng trong Chính phủ Công đảng, cũng khẳng định bà May không còn có đủ tư cách để tiếp tục lãnh đạo đất nước sau quyết định sai lầm của mình. Áp lực tiếp tục đè nặng lên Thủ tướng Anh sau khi hai cố vấn cấp cao của bà là Nick Timothy và Fiona Hill, đồng Chánh văn phòng nội các của Thủ tướng May, từ chức do phải chịu hàng loạt chỉ trích từ trong chính nội bộ đảng Bảo thủ, cho rằng chiến dịch tranh cử kém hiệu quả khiến đảng này mất thế đa số tại Quốc hội.

Mặc dù đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP – đảng chính trị lớn nhất Bắc Ireland) đã nhất trí ủng hộ chính phủ thiểu số của Thủ tướng Theresa May một cách không chính thức để có thể thành lập chính phủ liên minh, song điều này đồng nghĩa với việc bà May sẽ phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong nội bộ đảng để tiếp tục nắm giữ cương vị lãnh đạo, và nếu có đủ số thành viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống, việc bà May ra đi sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Tại số 10 Phố Downing, bầu không khí bất lợi cho bà May ở văn phòng Thủ tướng cũng được mô tả là đang “rối loạn” và “u ám”.

Nhiều tờ báo vốn ủng hộ Thủ tướng Anh nay cũng đồng loạt đăng tải những bài viết chỉ trích sai lầm của bà theo kiểu: “Phe Bảo thủ chĩa mũi dùi vào Theresa”; “Bà May đã đẩy đất nước vào tình trạng khẩn cấp khi đánh giá sai tâm lý của cử tri và giờ bà sẽ phải ra đi với thương tích đầy mình”… Một số bài viết còn nhận định nếu bà May không nhận thức được rằng đó là một nước cờ “thảm họa”, mà vẫn tiếp tục cố chấp với vị trí này thì điều bà ấy nhận được là chính đảng của bà ấy sẽ tìm cách tổ chức một cuộc bầu cử để thay thế bà.

Nếu bà May buộc phải ra đi, đây sẽ là lần thứ hai trong vòng một năm nước Anh phải chứng kiến sự thay đổi lãnh đạo sau khi một thủ tướng của đảng Bảo thủ đánh cược sự nghiệp chính trị của mình để chịu lấy “cay đắng” khi kêu gọi một cuộc bỏ phiếu quy mô toàn quốc.

Brexit “lạc trôi”

Với tiến trình Brexit, cuộc bầu cử ngày 8/6 đã từng được kỳ vọng là sẽ vạch rõ lộ trình cho các cuộc đàm phán dự kiến được khởi động vào ngày 19/6 tới. “Thất bại” của bà May đang đẩy tiến trình này đứng trước nhiều rủi ro. Chính sách đàm phán mà bà May đang theo đuổi khó có thể được duy trì do không thống nhất quan điểm chung giữa các đảng phái. Chính phủ mới sẽ chịu áp lực về thời gian để công bố sớm nhất nội dung đàm phán, một vấn đề gây tranh cãi gay gắt kể từ khi Anh chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon.

Dù được đánh giá là một nhà lãnh đạo thể hiện được sự mạnh mẽ trong thời điểm đối mặt với rất nhiều thách thức, nhất là lập trường và quan điểm khá nhất quán và rõ ràng, nhưng sự “thất thế” của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử vừa qua đã đẩy bà May vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Bởi lẽ liên minh với bất kỳ đảng nào để thành lập chính phủ cũng đồng nghĩa với việc mọi chính sách của bà May cũng như nội dung đàm phán về Brexit đã được đảng Bảo thủ chuẩn bị sẽ phải xác định lại từ đầu và điều này chắc chắn sẽ kéo theo bao nhiêu vấn đề phức tạp.

Một khi tiến trình thành lập chính phủ mới phải kéo dài thì cuộc đàm phán Brexit sẽ bị trì hoãn, kéo theo những hệ lụy đối với nước Anh khi tình trạng “không rõ ràng” hiện nay trong quan hệ với EU đang ảnh hưởng nhất định tới vị thế của London. Kết quả bầu cử quốc hội ở Anh cũng gây tâm lý lo ngại cho giới chức EU.  Những quan chức hàng đầu EU lo ngại tiến trình đàm phán Brexit sẽ bị trì hoãn, đồng thời sẽ không đạt hiệu quả khi đối tác đàm phán là một “đại diện yếu và không có khả năng hành động”.

Một tâm lý lo ngại “Brexit lạc trôi” nữa là thất bại của Thủ tướng Anh trong việc gia tăng thế đa số cho đảng Bảo thủ tại Quốc hội đồng nghĩa với việc bà, hoặc thậm chí là người kế nhiệm, sẽ không chỉ phải vượt qua những thách thức rất lớn khi muốn Hạ viện thông qua các điều khoản về Brexit, mà còn phải đối diện với nguy cơ bị Thượng viện phản đối kịch liệt.

Không đảng nào giành thể đa số tại Hạ viện đồng nghĩa với việc cơ quan lập pháp này tiếp tục bị chia rẽ, và London chưa thể “toàn tâm toàn ý” tập trung cho các cuộc đàm phán trong 2 năm tới với EU. 

Trước đây, khi tuyên bố sẽ đệ trình Quốc hội xem xét các điều khoản về Brexit sau khi giai đoạn đàm phán kết thúc, Thủ tướng May không hề nói về việc mọi chuyện sẽ ra sao nếu Quốc hội Anh bỏ phiếu chống. Nếu kịch bản này xảy ra, việc triển khai Điều 50 của Hiệp ước Lisbon có thể sẽ phải hoãn lại và mọi chuyện phụ thuộc vào quyết định của 27 nước thành viên còn lại của EU.

Nếu tất cả các bên cùng đồng thuận, quá trình đàm phán sẽ được kéo dài thêm. Trong trường hợp, EU muốn “tống cổ” Anh càng nhanh càng tốt thì mọi chuyện sẽ rõ ràng, nhưng nếu EU không muốn Anh ra đi và họ đủ kỳ vọng vào khả năng thay đổi quyết định của các cử tri Anh để tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân thứ hai, hai bên sẽ lại phải tiếp tục dành nhiều năm để đàm phán.

Rõ ràng Thủ tướng Anh đã thất bại trong “canh bạc” của chính mình. Những “nước cờ” tưởng chừng được tính toán kỹ và được cho là “khôn ngoan” của bà May đã bị những yếu tố khách quan không lường trước làm cho trệch hướng. Không đảng nào giành thể đa số tại Hạ viện đồng nghĩa với việc cơ quan lập pháp này tiếp tục bị chia rẽ, và London chưa thể “toàn tâm toàn ý” tập trung cho các cuộc đàm phán trong 2 năm tới với EU.

Chính trường Anh lại một lần nữa trải qua những bất ổn và xáo trộn như 1 năm trước, khi cử tri nước này chọn con đường rời EU./.

Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn phát biếu sau khi giành chiến thắng tại đơn vị bầu cử ở Islington, London ngày 9/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn phát biếu sau khi giành chiến thắng tại đơn vị bầu cử ở Islington, London ngày 9/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)