Nước Đức đang thao túng tiền tệ?

germany-1491289678-28.jpg

Sẽ gần như không có nhà kinh tế học nào phản đối nếu Peter Navarro, trưởng cố vấn thương mại mới của Tổng thống Trump, chỉ tuyên bố lại lẽ phải vốn có trong các sách giáo khoa tiêu chuẩn: Một đồng tiền chung không thể phù hợp với các nhu cầu khác nhau của các nền kinh tế bị tác động bởi những cú sốc không cân xứng.

Nhưng tuyên bố của ông Navarro độc đáo hơn nhiều, trong đó ông khẳng định rằng Đức đang sử dụng đồng euro định giá thấp kinh niên để thúc đẩy xuất khẩu của nước họ và lợi dụng các nước láng giềng châu Âu và Mỹ.

Quan điểm này dường như cũng phù hợp với tuyên bố được ông Trump phát biểu trước đó 2 tuần, rằng Liên minh châu Âu là phương tiện của Đức.

Chúng ta hãy xem xét một số điểm để giúp làm rõ vấn đề này.

Một số thực tế về sự hội nhập tiền tệ châu Âu

Có thể sẽ là hữu ích khi bắt đầu bằng việc nêu bật các động cơ chính phía sau sự hội nhập tiền tệ châu Âu.

Nỗ lực của Cộng đồng châu Âu nhằm thiết lập một hệ thống ổn định tỷ giá hối đoái đã trải dài suốt vài thập kỷ. Trong các chính phủ có liên quan, có một niềm tin chắc chắn rằng việc gặt hái các lợi ích trọn vẹn của thị trường chung châu Âu sẽ đòi hỏi phải loại bỏ càng nhiều càng tốt các chi phí giao dịch và những sự không chắc chắn có liên quan tới các tỷ giá hối đoái (biến động). Các nỗ lực đầu tiên để dấn thân vào con đường dẫn tới liên minh tiền tệ châu Âu đã xuất hiện từ những năm 1960. Cùng lúc đó, các chính phủ đã coi sự hợp tác kinh tế như một công cụ để thúc đẩy sự hội nhập chính trị sâu sắc hơn.

Cuối cùng, theo Cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu, tiền thân của Liên minh tiền tệ châu Âu ngày nay, các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận thấy rõ rằng việc ổn định tỷ giá hối đoái và sự lưu thông vốn tự do không tương thích với việc duy trì sự tự trị về chính sách tiền tệ quốc gia. Chỉ có thể cùng một lúc duy trì 2 trong số 3 đặc trưng này, một hệ quả tất yếu vốn được biết đến rộng rãi trong kinh tế học quốc tế với cái tên “Bộ 3 bất khả thi”.

Các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhận thấy rõ rằng việc ổn định tỷ giá hối đoái và sự lưu thông vốn tự do không tương thích với việc duy trì sự tự trị về chính sách tiền tệ quốc gia.

Cách hiểu này đã góp phần đáng kể cho động thái của các chính phủ châu Âu nhằm thiết lập một đồng tiền chung – đồng euro – và nhằm tập trung độc quyền ra quyết định tiền tệ ở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mới. Nhiều người nhìn nhận động thái này như một công cụ chủ yếu để đẩy mạnh sự hợp tác chính trị sâu sắc hơn bao giờ hết giữa các quốc gia châu Âu, một quan điểm cũng đã trở nên thịnh hành ở Đức.

Tiến trình hội nhập tiền tệ châu Âu này trông có vẻ khá khác biệt so với câu chuyện của ông Navarro về sự lợi dụng. Ký ức của tác giả về các áp lực kinh tế và lời khuyên mà Đức và chính phủ nước này đã phải đối mặt khi đồng euro được thiết lập cũng khá khác biệt so với những gì ông Navarro đang cố gắng nói với chúng ta.

Trong phần lớn những năm 1990 và nhiều năm trong thập kỷ tiếp sau đó, Đức đã phải gánh chịu tình trạng tăng trưởng trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp cao, những sự cứng nhắc về quy chế đã tác động tới những bộ phận lớn của nền kinh tế, và một gánh nặng tài chính nặng nề bắt nguồn từ các yếu tố kinh tế của việc thống nhất đất nước. Cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã cảnh báo Chính phủ Đức rằng việc phục hồi sức mạnh kinh tế sẽ cần tới sự cải cách quy chế có ảnh hưởng sâu rộng trong các thị trường lao động và sản phẩm, cũng như trong hệ thống thuế-giao dịch.

Cũng có một niềm tin phổ biến rằng một nền kinh tế Đức suy yếu sẽ không đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của các quốc gia khác ở châu Âu cũng như những nơi khác, và điều này càng đúng đắn hơn trong các điều kiện của một đồng tiền chung châu Âu.

Trụ sở ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank ở Frankfurt am Main, tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trụ sở ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank ở Frankfurt am Main, tây Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đồng USD, đồng euro và sự mất giá đồng tiền

Nếu tất cả những điều này không khớp với câu chuyện về sự lợi dụng của Navarro, vậy chính sách tiền tệ thì sao? Đức có thúc ép Ngân hàng trung ương châu Âu mở rộng tiền tệ trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy xuất khẩu của nước này hay không?

Quy chế và các đặc trưng thể chế nhất định của ECB đã khiến tổ chức này độc lập với bất kỳ sự can thiệp nào từ các chính phủ hay thể chế trong Liên minh châu Âu. Trên thực tế, Chính phủ Đức đã làm nhiều việc để níu giữ sự độc lập của ECB trong Hiệp ước về chức năng của Liên minh châu Âu (khi hiệp ước có liên quan này được đặt tên sau đó) và các điều khoản có liên quan trong quy chế của ECB.

Tuy nhiên, đúng là các chính sách tiền tệ mang tính mở rộng cực đoan, như đã được quan sát thấy trong thập kỷ qua, đã là một nguyên nhân chủ yếu của sự mất giá đồng tiền và những sự biến động qua lại lớn trong các dòng vốn xuyên biên giới. Để phản ứng trước cuộc khủng hoảng tài chính, một vài trong số các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã thông qua các chính sách mang tính mở rộng phi truyền thống trên quy mô lớn, trong nỗ lực nhằm kích thích các nền kinh tế của họ vượt qua sự tăng trưởng yếu kém. Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ cùng với Ngân hàng Anh đã đi tiên phong trong cách tiếp cận này.

Các nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện ở Ngân hàng dự trữ liên bang ở St. Louis cho thấy thông báo về các chương trình mua tài sản của Ủy ban thị trường mở liên bang vào năm 2008 và 2009 đã làm giảm giá đồng USD so với đồng euro và các đồng tiền chủ yếu khác ở mức từ 3,5% đến 7,75%. Các nghiên cứu thực nghiệm được thực hiện ở Ngân hàng dự trữ liên bang ở San Francisco cũng đã phát hiện các tác động đáng kể của những thông báo về chính sách tiền tệ của Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) lên giá trị đồng USD, giống như một vài nghiên cứu khác.

Mặc dù chính sách tiền tệ của FED đã gây mất giá đồng USD, nhưng gọi điều này là “thao túng tiền tệ” rõ ràng là không thỏa đáng. Ngân hàng trung ương châu Âu ở vị trí nào trong bức tranh này? Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính ở Khu vực đồng euro, khi các thị trường liên ngân hàng đang dần cạn kiệt, ECB đã đóng góp thành công vào việc kiềm chế thiệt hại trong hệ thống tín dụng của nền kinh tế bằng việc “bơm” tiền mặt vào khu vực ngân hàng. Điều thú vị là ở thời điểm đó, nhiều nhà quan sát đã cho rằng sự mở rộng tiền tệ của ECB là quá rụt rè đến mức không thể kích thích tổng cầu, đáng chú ý là khi so sánh với các chính sách được FED của Mỹ và Ngân hàng Anh thông qua.

Tuy nhiên, ECB đã đổi chiến lược, bắt đầu tiến hành mở rộng dài hạn trên quy mô lớn bảng cân đối kế toán của họ thông qua việc mua tài sản và các công cụ phi truyền thống, chẳng hạn như lãi suất âm áp dụng cho công cụ tiền gửi của họ. Điều này là để đẩy lạm phát và các kỳ vọng lạm phát lên mức mục tiêu. Như các nghiên cứu gần đây đã cho thấy, việc thông báo về chính sách này gắn liền với việc đồng euro mất giá mạnh so với đồng USD và các đồng tiền khác, tương thích với các tác động tỷ giá đồng USD của các can thiệp của FED, vốn được phát hiện trước đó.

Tuy nhiên, giai đoạn này không chỉ liên quan tới chính sách tiền tệ của ECB, vì các điều chỉnh chính sách tiền tệ gần đây ở Mỹ càng đẩy sâu giá đồng euro. Giữa năm 2014, Ủy ban thị trường mở liên bang đã bắt đầu báo hiệu rằng họ sẽ bắt đầu bình thường hóa con đường mở rộng tiền tệ. Theo sau điều này là việc FED giảm mua các tài sản và tăng lãi suất chính sách. Thời điểm của sự điều chỉnh này suýt soát trùng với động thái hướng tới các chính sách phi truyền thống quy mô lớn của ECB. Do vậy, trong mức độ mà chính sách tiền tệ đã ảnh hưởng tới giá trị của đồng euro, kết quả cũng bị ảnh hưởng bởi các tín hiệu chính sách khác nhau trong Khu vực đồng euro và ở Mỹ.

Ai cũng biết việc mở rộng tiền tệ mạnh mẽ của ECB phải chịu nhiều chỉ trích ở Đức. Quả thật, mặt trái của các chính sách tiền tệ siêu mở rộng mà FED, ECB và các ngân hàng trung ương chủ yếu khác đã tiến hành là việc chúng có thể bóp méo nghiêm trọng sự phân phối vốn, trong đó có các dòng vốn xuyên biên giới. Đồng thời, các chính sách này cũng khó đảo ngược – đây là một phát hiện khác cũng đúng ở cả 2 bờ Đại Tây Dương.

Nhưng sẽ là quá đơn giản nếu thừa nhận các chính sách tiền tệ lỏng lẻo và tăng trưởng xuất khẩu có liên kết chặt chẽ với nhau. Tính cạnh tranh về giá liên quan tới tỷ giá hối đoái thực, trong đó bao hàm các biến động của giá cả hàng hóa trong nước và ngoài nước, chứ không phải tỷ giá hối đoái danh nghĩa, vốn không bao hàm các biến động này. Nếu theo sau sự sụt giá trên danh nghĩa là sự gia tăng theo tỷ lệ của giá cả hàng hóa của một quốc gia, sự sụt giá trên danh nghĩa sẽ không có tác động đối với xuất khẩu. Nói cách khác, nếu chính sách tiền tệ lỏng lẻo dẫn đến lạm phát cao hơn, tác động của sụt giá trên danh nghĩa đối với thương mại gây ra bởi chính sách tiền tệ lỏng lẻo đó sẽ biến mất.

Cũng với lý do này, bất kỳ nhà hoạch định chính sách nào cũng sai lầm nếu trông mong vào các chính sách tiền tệ mở rộng để đem lại xuất khẩu cao hơn. Chính sách này sẽ có nguy cơ đánh đổi một tác nhân kích thích xuất khẩu tạm thời nào đó để có được lạm phát trung hạn. Nhiều người cho rằng dư luận Đức quá quan tâm tới việc tránh các nguy cơ lạm phát. Ông Navarro có đang đề xuất điều ngược lại không?

Nếu chính sách tiền tệ lỏng lẻo dẫn đến lạm phát cao hơn, tác động của sụt giá trên danh nghĩa đối với thương mại gây ra bởi chính sách tiền tệ lỏng lẻo đó sẽ biến mất.

Vậy còn động lực của thặng dư tài khoản vãng lai của Đức thì sao?

Tổng thặng dư tài khoản vãng lai của Đức đã đạt tới mức cao kỷ lục, khoảng 8,5% GDP. Tuy nhiên, đáng lưu ý là một phần đáng kể trong xuất khẩu của Đức được tạo thành từ giá trị gia tăng được sản xuất ở nước ngoài. Dữ liệu quốc tế về hàm lượng giá trị gia tăng chỉ được công bố nhiều năm 1 lần, do tính phức tạp của các chuỗi giá trị gia tăng. Tuy nhiên, dữ liệu có sẵn mới nhất, được OECD công bố năm 2011, cho thấy hàm lượng giá trị gia tăng nước ngoài trong xuất khẩu của Đức (25,5%) cao hơn đáng kể so với trong xuất khẩu của Mỹ (15%). Ngoài ra, trong thập kỷ trước đó, hàm lượng giá trị gia tăng nước ngoài trong xuất khẩu của Đức đã tăng 72%, nhanh hơn rất nhiều so với trong xuất khẩu của Mỹ (31%).

Hơn nữa, thặng dư của Đức với các quốc gia thuộc Khu vực đồng euro đã giảm từ 4,25% GDP năm 2007 xuống 2% năm 2015. Sự giảm bớt này là đặc biệt rõ rệt đối với các quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của cuộc khủng hoảng. Hầu hết các nước này đã loại bỏ được các mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn trước đây của họ và hiện đang ghi nhận các mức thặng dư.

Một số người đã đề xuất rằng Chính phủ Đức nên kích cầu và kích thích nhập khẩu bằng cách thúc đẩy chi tiêu công. Đề xuất này không có vẻ đặc biệt thuyết phục đối với một nền kinh tế dường như đang vận hành với công suất gần như tối đa, phơi bày mức nợ công 70% GDP, và có một xã hội đang già hóa nhanh chóng. Bên cạnh đó, sự tăng cầu này sẽ chỉ là tạm thời, và sự lan truyền tích cực sang các nền kinh tế khác qua kênh thương mại nếu có nhận thấy được thì cũng ở mức nhỏ.

Vẫn có cơ hội cho một số cải cách quy chế, chẳng hạn trong một số bộ phận của ngành dịch vụ. Tuy nhiên, việc cải cách cấu trúc giảm bớt thặng dư tài khoản vãng lai không phải là điều hiển nhiên, ngược với những gì đôi khi được khẳng định. Một mặt, cải cách có thể có tác động tích cực lên nhu cầu trong nước, làm gia tăng nhập khẩu của Đức. Mặt khác, cải cách sẽ gia tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, điều này có xu hướng mang lại sự thúc đẩy bổ sung cho xuất khẩu Đức. Những nhận xét tương tự cũng đúng đối với đầu tư và cơ sở hạ tầng.

Có lẽ chính sách kinh tế vĩ mô rõ ràng nhất có tác động lên thặng dư tài khoản vãng lai của Đức sẽ là các bước đi của ECB hướng tới bình thường hóa chính sách tiền tệ. Những bước đi này dù gì cũng sẽ là thích đáng. Có lẽ ông Navarro chỉ muốn gia tăng nhận thức về sự phân nhánh của các chính sách tiền tệ siêu mở rộng của FED ở Mỹ và của ECB. Nếu đó là ý định của ông, thì tác giả bài viết này chắc chắn sẽ đồng tình./.

Máy bay của hãng hàng không Lufthansa tại sân bay Franz-Josef-Strauss ở Munich, miền nam nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Máy bay của hãng hàng không Lufthansa tại sân bay Franz-Josef-Strauss ở Munich, miền nam nước Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)