Mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào

Trong quan hệ quốc tế, hiếm có mối quan hệ nào đặc biệt, bền vững, thủy chung như quan hệ Việt Nam-Lào. Cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng tắm chung dòng nước Mekong, hai dân tộc đã chia ngọt sẻ bùi trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Tình hữu nghị trong sáng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện qua nhiều thử thách và được hun đúc bằng công sức và xương máu của bao thế hệ các anh hùng liệt sỹ, để trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.

Thương nhau mấy núi cũng trèoMấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua;Việt-Lào hai nước chúng taTình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

(Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1963)

Bộ đội Việt Nam làm lễ chào cờ, nhận nhiệm vụ trước khi ra mặt trận Lào-Miên  (20/9/1947). (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông  tấn)
Bộ đội Việt Nam làm lễ chào cờ, nhận nhiệm vụ trước khi ra mặt trận Lào-Miên (20/9/1947). (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Sâu đậm nghĩa tình

Ngay từ rất sớm, hai dân tộc Việt Nam-Lào đã gắn bó bền chặt bên nhau chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane kính yêu chính là những người đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào.

Trong thời kỳ hai nước chịu sự xâm lăng của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong thế kỷ 19 cũng như trong thế kỷ 20, hai nước đã luôn đồng cam cộng khổ, hỗ trợ lẫn nhau, nhờ sự đoàn kết này, hai nước đã liên tiếp giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong quá trình tìm đường cứu nước của mình, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến tình hình Lào. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên – một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập vào tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2 năm 1927, Hội này gây dựng được cơ sở tại Lào.

Trên thực tế, từ nửa sau những năm 20 thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương.

Năm 1928, đích thân Người bí mật tổ chức khảo sát thực địa tại Lào càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

  • a9vietlao-1504574190-4.jpg
  • a10vietlao-1504575903-86.jpg
  • a11vietlao-1504576029-98.jpg
  • a13vietlao-1504574463-87.jpg
  • a19vietlao-1504574598-3.jpg
  • a20vietlao-1504574652-43.jpg
  • a28vietlao-1504574780-68.jpg
  • a1vietlao-1504574858-18.jpg

Cũng trong năm này, chi bộ Thanh niên cộng sản đầu tiên được thành lập tại Vientiane, đồng thời đường dây liên lạc giữa nhiều thị trấn ở Lào với Việt Nam được tổ chức.

Quá trình Nguyễn Ái Quốc đặt nền móng cho quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam báo hiệu bước ngoặt lịch sử trọng đại sắp tới của cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng Lào.

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập. Tháng 10/1930, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết nghị đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương, xác lập rõ mối quan hệ chặt chẽ giữa phong trào ba nước Đông Dương là Việt Nam, Lào và Campuchia.

Giai đoạn 1930-1945 là thời kỳ nhân dân hai nước Việt Nam và Lào nương tựa lẫn nhau trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Trong tiến trình lịch sử đó, bộ phận nhân sỹ, trí thức tiến bộ và các tầng lớp nhân dân Lào có vai trò quyết định quá trình phát triển của phong trào cách mạng Lào cũng như trong việc duy trì và phát triển mối quan hệ giữa hai dân tộc Việt Nam-Lào.

Người Việt ở Lào là một lực lượng tích cực trong phong trào cách mạng Lào và là nhân tố quan trọng xây đắp mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc.

Khi đã xác định đường đi cho dân tộc mình thì đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận ra rằng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mình cần phải có những người bạn đồng minh. Trước hết đó là hai dân tộc láng giềng Miên và Lào.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay những ngày đầu tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Souphanouvong đến Hà Nội để gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến hai nước và khu vực.

Chủ tịch hồ Chí Minh gặp Hoàng thân Souphanouvong bàn việc phối hợp kháng chiến giữa Việt Nam và Lào tại Hà Nội, ngày 4/9/1945. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)
Chủ tịch hồ Chí Minh gặp Hoàng thân Souphanouvong bàn việc phối hợp kháng chiến giữa Việt Nam và Lào tại Hà Nội, ngày 4/9/1945. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ, những ngày sống gần gũi với Người đã quyết định bước ngoặt quan trọng khiến Hoàng thân từ bỏ giàu sang quyền quý để đi với quảng đại quần chúng, kiên định đi theo con đường cách mạng cứu nước giải phóng dân tộc Lào đến trọn đời.

“Cuộc tiếp kiến lần đầu tiên với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp tôi khẳng định dứt khoát phải theo đuổi sự nghiệp cách mạng, đến với Đảng Cộng sản và dấn thân vào công cuộc chiến đấu cứu dân, cứu nước Lào” – Hoàng thân Souphanouvong nói.

Đồng chí Kaysone Phomvihane tuyên bố thành lập Quân đội Lào Issara, tiền thân của Quân đội Nhân dân Lào ngày nay, tại huyện Xiengkhor, tỉnh Houaphan, Lào. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)  
Đồng chí Kaysone Phomvihane tuyên bố thành lập Quân đội Lào Issara, tiền thân của Quân đội Nhân dân Lào ngày nay, tại huyện Xiengkhor, tỉnh Houaphan, Lào. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)  

Sự ra đời của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) và Chính phủ Lào Ítxalạ (ngày 12/10/1945) cùng những mong muốn của hai bên về xây dựng mối quan hệ hoàn hảo và vững chãi hơn trước là một trong những cơ sở đưa tình đoàn kết, giúp đỡ nhau lên tầm liên minh chiến đấu.

Chính phủ hai nước đã ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho sự hợp tác giúp đỡ và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt-Lào.

Bản chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam, được nuôi dưỡng, phát triển bằng sức cảm hóa sâu sắc của quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Đây là câu nói cô đọng, giàu ý nghĩa chính trị, nhân văn, mở ra phương hướng xử lý hài hòa lợi ích của hai dân tộc; là vũ khí sắc bén chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ban ơn.

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã trở thành di sản văn hóa thiêng liêng của hai dân tộc, nơi hội tụ biết bao giá trị cao đẹp và sâu sắc mà trí tuệ và tình cảm của nhân loại hằng ngưỡng mộ, tôn vinh, rất phù hợp với cách diễn đạt của Chủ tịch Souphanouvong “Tình hữu nghị anh em giữa nhân dân Lào và nhân dân Việt Nam thật là vĩ đại mà bất cứ bài ca, bản nhạc nào, bất cứ bài thơ nào hay nhất cũng không sao diễn tả trọn vẹn được. Tình hữu nghị đó cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất. Tình hữu nghị cao đẹp đó đã được vun trồng, xây đắp với tất cả tấm lòng thành thật của chúng ta. Do đó, không thể có hung thần nào, không thể có kẻ thù nào phá vỡ nổi.”

Liên quân Lào-Việt chào cờ trước giờ xuất trận (1946). (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)
Liên quân Lào-Việt chào cờ trước giờ xuất trận (1946). (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Ngày 5/9/1962, sau khi Hiệp định Geneva về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước.

Sau Hiệp định Geneva, Mỹ vẫn không từ bỏ âm mưu xâm lược Việt Nam và Lào. Hai nước đã xác định rõ phải đoàn kiết đứng lên kiên quyết đánh đuổi xâm lược. Từ cuối năm 1965, Việt Nam cử một số đơn vị quân tình nguyện và các đoàn chuyên gia quân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa sang làm nhiệm vụ quốc tế theo yêu cầu của cách mạng Lào.

Trong khi đó, đáp ứng nhu câu chi viện cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia, Lào đã ủng hộ Việt Nam mở đường Tây Trường Sơn – công trình vĩ đại, biểu tượng cao đẹp của quan hệ đặc biệt Việt-Lào.

Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự gắn bó khăng khít, sự phối hợp, giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam và Lào, đã trở thành sức mạnh vô song và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.

Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane ký Tuyên bố chung Việt  Nam-Lào ngày 18/7/1977. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất  bản Thông tấn)
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane ký Tuyên bố chung Việt Nam-Lào ngày 18/7/1977. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn)

Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào: Biểu tượng sinh động

Bước vào thời kỳ mới-thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, ngày 18/7/1977, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt-Lào.

Hiệp ước nhấn mạnh: “Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu, cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây dựng đất nước là một truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch của hai dân tộc, hai Đảng…”

40 năm qua, Hiệp ước đó đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để không ngừng củng cố và phát triển quan hệ giữa hai nước, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Bản Hiệp ước đã phát huy tác dụng to lớn, không chỉ là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng trong việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết keo sơn và hữu nghị Việt-Lào, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước mà còn là biểu tượng sinh động của mối quan hệ gắn bó thủy chung hiếm có giữa hai nước.

Phó Thủ tướng Phạm Hùng và Phó Thủ tướng Lào Phoune Sipaseuth Ký Hiệp ước  Hoạch định biên giới Việt Nam-Lào ngày 18/7/1977. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc  biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn) 
Phó Thủ tướng Phạm Hùng và Phó Thủ tướng Lào Phoune Sipaseuth Ký Hiệp ước Hoạch định biên giới Việt Nam-Lào ngày 18/7/1977. (Nguồn: Sách Ảnh Quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào/Nhà xuất bản Thông tấn) 

Trong 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào, quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên thường xuyên có các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao cũng như các cấp.

Quan hệ hợp tác Việt-Lào trên tất cả các lĩnh vực tiếp tục được củng cố, tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu; các tồn tại, hạn chế từng bước được khắc phục; việc thực hiện Thỏa thuận về Kế hoạch hợp tác Việt Nam-Lào năm 2016 đã ký giữa hai Chính phủ về cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra.

Quan hệ chính trị Việt Nam-Lào ngày càng gắn bó, tin cậy và phát triển trên tất cả các lĩnh vực; có sự đồng thuận cao trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, góp phần vào sự phát triển của mỗi nước và việc giữ vững hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã hỗ trợ có hiệu quả cho Lào trong việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2016 và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 9/2016…

Hợp tác quốc phòng-an ninh giữa Việt Nam và Lào ngày càng gắn bó chặt chẽ, hai bên phối hợp thực hiện tốt các Nghị định thư giữa hai Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới.

Hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, ký hai văn kiện pháp lý quan trọng là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith  trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào,  chiều 24/11/2016 ở Thủ đô Vientiane. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội kiến với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trong khuôn khổ chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, chiều 24/11/2016 ở Thủ đô Vientiane. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Việc hoàn thành hệ thống mốc quốc giới đã góp phần hoàn thành chất lượng đường biên giới Việt Nam-Lào cả về pháp lý và thực tiễn. Hai bên tiếp tục phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào.

Về hợp tác kinh tế, trong thời gian qua, việc tăng cường, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế giữa hai nước Việt Nam-Lào được đặc biệt quan tâm để tương xứng với mối quan hệ chính trị và tiềm năng của hai nước. Trao đổi thương mại giữa hai nước giữ một vị trí quan trọng trong quan hệ song phương.

Việt Nam và Lào đã chủ động tích cực triển khai có hiệu quả Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ. Hai bên đã ký nhiều thỏa thuận, ban hành các chính sách, cơ chế có tính ưu tiên, ưu đãi cao, làm cơ sở pháp lí và tạo thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, như: Hiệp định thương mại song phương mới (3/2015); Hiệp định thương mại Biên giới (6/2015), triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo-Densavanh.

Với những nỗ lực đó, trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước liên tục tăng, từ 422 triệu USD năm 2008 lên 1,12 tỷ USD năm 2015.

Quan hệ Việt Nam-Lào không thể tách rời. (Nguồn: VNews)

Năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đạt 823,4 triệu USD (giảm 26,7% so với năm 2015) trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 342 triệu USD và xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 459 triệu USD. Hai nước phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 5 tỷ USD vào năm 2020.

Đầu tư trực tiếp giữa Việt Nam và Lào cũng có nhiều khởi sắc. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 2/2017, Việt Nam có 408 dự án được cấp phép và tổng số vốn đầu tư khoảng 3,7 tỷ USD, đứng thứ ba trong số các nước đầu tư vào Lào. Các dự án đầu tư chủ yếu về thủy điện, khoáng sản, trồng cao su và cây công nghiệp, giao thông vận tải.

Nhiều dự án đầu tư phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm, phúc lợi xã hội… giúp Lào thực hiện tốt chính sách xóa nghèo, được phía Lào ghi nhận và đánh giá cao.

Về giao thông vận tải, hai nước đẩy mạnh triển khai cac dự án kết nối về giao thông vận tải trong khuôn khổ hợp tác song phương cũng như tiểu vùng; đã ký Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” sang các cặp cửa khẩu quốc tế khác giữa hai nước.

Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào. (Nguồn: TTXVN)
Quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào. (Nguồn: TTXVN)

Về hợp tác giáo dục, hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hai bên đã xây dựng và triển khai “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”; phối hợp đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các trường học và các cơ quan của Lào.

Tháng 5/2016, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Thể thao Lào tổ chức “Triển lãm giáo dục đại học Việt Nam” tại thủ đô Vientiane để thu hút lưu học sinhh Lào sang học tại các trường đại học của Việt Nam. Hiện nay có hơn 14.000 cán bộ, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam.

Về văn hóa du lịch, hai nước đã thiết lập mối quan hệ trực tiếp, giúp đỡ lẫn nhau có hiệu quả và đầy tinh thần trách nhiệm. Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bảo tàng Kaysone Phomvihane đã ký Thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2016-2017 tại thủ đô Vientiane.

Trong ba tháng đầu năm 2017, lượng khách du lịch Lào đến Việt Nam tăng đáng kể (133% so với cùng kỳ năm 2016), dẫn đầu các thị trường khách quốc tế với 35.641 lượt khách.

Ngoài ra, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế cũng không ngừng phát triển, nhất là giữa các tỉnh đường biên. Tháng 1/2016, Việt Nam đã động thổ xây dựng 2 bệnh viện hữu nghị mới tại tỉnh Houaphanh trị giá khoảng 20 triệu USD và tại tỉnh Xiengkhuang trị giá 17,6 triệu USD.

  • thutuongnguy-1504576288-83.jpg
  • a71vietlao-1504576579-28.jpg
  • chutichquoch-1504576390-1.jpg

Giữ gìn mối quan hệ Việt-Lào như con ngươi của mắt mình

Tại lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào tại Hà Nội ngày 18/7/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú đã nhấn mạnh: “Dù khó khăn, gian khổ đến đâu chúng ta cũng nguyện giữ gìn và bảo vệ mối quan hệ Việt-Lào như giữ gìn con ngươi của mắt mình để mối quan hệ Việt-Lào “mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông” như lời khẳng định của Chủ tịch Kaysone Phomvihane.”

Cũng tại Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào sáng cùng ngày ở thủ đô Vientiane, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Volachith khẳng định: “Chúng tôi luôn kiên định và phát huy truyền thống mối quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện, đời đời bền vững như lời dạy của Chủ tịch Kaysone Phomvihane: Chừng nào dòng Mekong, Hồng Hà kia chưa kiệt cạn, chừng nào dãy Trường Sơn hùng vĩ kia chưa thành bình địa, chừng đó tình nghĩa Lào-Việt Nam anh em sẽ không bao giờ rời xa nhau”./.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập  quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào.  (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)