Siemens

nhntrach-1496060268-93.jpg

Tháng 4/2014, Ai Cập trải qua một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất sau nhiều thập kỷ: nhiều khu vực ở đất nước này bị cắt điện tới 5-6 lần mỗi ngày, và mỗi lần như vậy có thể kéo dài đến 2 giờ đồng hồ.

Tình trạng mất điện trên diện rộng dẫn đến tâm lý bất mãn khắp nơi, nhiều doanh nghiệp cho biết hoạt động sản xuất của họ bị suy giảm nghiêm trọng, còn người dân thì không ngớt lời oán thán vì cuộc sống thường nhật bị ảnh hưởng.

Cùng vào thời điểm này, báo chí Ai Cập cho hay nhu cầu điện năng thường ngày lên tới mức kỷ lục là 27.700 MW, cao hơn 20% so với năng lực của tất cả các nhà máy điện – hầu hết là chạy bằng khí – cộng lại.

Khi đó chính phủ nói rằng nguyên nhân là do chỉ trong một thời gian ngắn, có đến 300 vụ tấn công khủng bố vào các cơ sở năng lượng của Ai Cập. Nhưng các chuyên gia về năng lượng thì đã tiên lượng tình trạng thiếu điện từ năm trước đó. Việc dân số bùng nổ với tỷ lệ chóng mặt – thêm tới 1 triệu người chỉ trong vòng 6 tháng – cùng cái nóng khủng khiếp vào mùa hè khiến mức sử dụng điều hòa nhiệt độ tăng vọt, chính là nguyên nhân khiến cung vượt cầu.

“Chúng tôi tin rằng bức tranh tổng thể về năng lượng cần phải thay đổi để có thể phát triển bền vững, có mức chi phí phải chăng, và hiệu quả.” (Emad Ghaly, Tổng Giám đốc Siemens Ai Cập)

Thêm vào đó, những dự báo về mức tăng trưởng trong sản xuất điện năng trước đó đều dựa trên những tính toán lạc quan về trữ lượng khí. Song những mong đợi đó đã không thành hiện thực. Cuộc nổi dậy Mùa Xuân Arab vào tháng 1/2011 khiến chính phủ Ai Cập không thể thanh toán tiền theo các hợp đồng ký với các công ty thăm dò và sản xuất khí. Hậu quả là họ đã ngừng hoạt động hoặc chỉ khai thác cầm chừng.

Vào mùa hè năm 2014, sản lượng điện chỉ đạt 70% công suất, và cuộc khủng hoảng điện năng gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các khu vực kinh tế và dịch vụ của Ai Cập, nó ảnh hưởng đến các công ty kinh doanh, các nhà máy, các bệnh viện, và nhiều cơ sở khác.

Emad Ghaly, Tổng Giám đốc Siemens Ai Cập, nhớ lại: “Chúng tôi đã phát triển một khái niệm mà chúng tôi gọi là “Cố vấn tin cậy,’ theo đó, cùng với các khách hàng của mình và chính phủ, chúng tôi đã đề ra nhiều kịch bản năng lượng phù hợp với nguồn khí gas tự nhiên cũng như các nguồn tài nguyên khác… Chúng tôi tin rằng bức tranh tổng thể về năng lượng cần phải thay đổi để có thể phát triển bền vững, có mức chi phí phải chăng, và hiệu quả.”

Đó là lúc chính phủ của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi chứng minh quyết tâm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Và cùng với nhiều dự án khác, một siêu dự án được triển khai với mục tiêu mang lại nguồn điện cho 45 triệu người, thông qua việc nâng công suất điện của quốc gia này thêm 45%.

Siêu dự án điện tại Ai Cập

Kỷ lục thế giới mới về tốc độ hoàn thành

Cùng với các đối tác địa phương tại Ai Cập như Công ty Điện Elsewedy và Công ty Xây dựng Orascom, công ty Siemens của Đức đang xây dựng 3 nhà máy điện chu trình hỗn hợp chạy bằng khí dưới hình thức chìa khóa trao tay, với mỗi nhà máy điện đạt công suất 4,8GW, và tổng công suất chu trình kết hợp đạt 14,4 GW.

Ba nhà máy điện Beni Suef, Burullus và New Capital sẽ sử dụng 24 tuabin khí Siemens thế hệ H, được chọn bởi công suất và hiệu suất cao. Phạm vi cung cấp cũng bao gồm 12 tuabin hơi, 36 máy phát điện, 24 lò thu hồi nhiệt và 3 hệ thống thiết bị đóng cắt hợp bộ kín 500kV GIS.

Như một phần của siêu dự án này, Siemens cũng cung cấp 12 trang trại điện gió với 600 tuabin gió tại Vịnh Suez và ở bờ Tây sông Nile, đạt tổng công suất 2 gigawatts (GW). Công ty sẽ xây dựng một cơ sở sản xuất cánh quạt tại vùng Ain Soukhna của Ai Cập nhờ vậy sẽ tạo ra cơ hội đào tạo và việc làm cho khoảng 1.000 người. Cơ sở này dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa sau năm 2017.

Siêu dự án Ai Cập – có tổng giá trị 8 tỷ euro, là đơn hàng lớn chưa từng thấy trong lịch sử của Siemens – có hơn 20.000 công nhân làm việc trên công trường xây dựng trong quá trình triển khai. Hơn 1,6 triệu tấn vật liệu đã được xử lý.

Sau 18 tháng kể từ khi ký kết hợp đồng lớn chưa từng thấy để mở rộng nguồn cấp điện cho Ai Cập vào tháng 6/2015, Siemens đã lập nên một kỷ lục thế giới mới về tốc độ hoàn thành các dự án điện.

Giai đoạn đầu của siêu dự án tại Ai Cập đã được hoàn thành. Mục tiêu cam kết cung cấp 4,4 GW công suất nguồn mới cho lưới điện đã được hoàn thành vượt mức dự kiến, và 4,8 GW đã được kết nối vào lưới. Phần công suất điện tăng thêm đạt 400 MW, đủ để cung cấp điện cho hơn 1 triệu người dân Ai Cập.

Siêu dự án Ai Cập – có tổng giá trị 8 tỷ euro, là đơn hàng lớn chưa từng thấy trong lịch sử của Siemens – có hơn 20.000 công nhân làm việc trên công trường xây dựng trong quá trình triển khai.

“Chúng tôi đã cam kết với đất nước Ai Cập và chúng tôi đã giữ lời. Như vậy, chúng tôi không chỉ hoàn thành vượt mức công suất hiệu suất mà chúng tôi còn phá vỡ các kỷ lục trước đó trong việc xây dựng nhà máy điện hiện đại theo mô hình chìa khóa trao tay. Điều này chỉ có thể thực hiện được với sự phối hợp tuyệt vời giữa Chính phủ, Bộ Điện năng, Công ty Điện lực Ai Cập và đội ngũ nhân viên Siemens tận tâm và giàu kinh nghiệm,” ông Joe Kaeser, Chủ tịch và Tổng giám đốc Siemens AG phát biểu.

Tiến sỹ Mohamed Shaker, Bộ trưởng Bộ Điện năng và Năng lượng tái tạo Ai Cập cho biết: “Vai trò của năng lượng trong phát triển kinh tế là không thế phủ định được. Đó là lý do vì sao chúng tôi cam kết sẽ đáp ứng một cách hiệu quả nhất nhu cầu năng lượng ngày một gia tăng của Ai Cập thông qua cân bằng giữa cung và cầu, tối ưu hóa các tài nguyên thiên nhiên của quốc gia như khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo, đồng thời với việc đảm bảo lĩnh vực năng lượng có tính cạnh tranh thông qua việc chuyển giao công nghệ và kiến thức.”

Ông còn cho biết thêm: “Các dự án điện của Siemens chắc chắn sẽ đem tới sự đóng góp quan trọng cho chiến lược năng lượng của chúng tôi. Với việc tập trung vào phát triển nhân tài và năng lực địa phương, Siemens đang đào tạo 600 kỹ sư và kỹ thuật viên Ai Cập, những người sẽ đóng góp vào tương lai năng lượng của đất nước. Tôi tin rằng những dự án này là một ví dụ điển hình cho việc làm thế nào Ai Cập nhận thức được tầm quan trọng của việc hợp tác dài hạn với các đối tác quốc tế, như Siemens, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.”

Bên trong nhà máy điện ở New Capital (Ảnh: Siemens)
Bên trong nhà máy điện ở New Capital (Ảnh: Siemens)

Sau khi hoàn thành vào tháng 5 năm 2018, ba nhà máy điện sẽ là các nhà máy điện chu trình kết hợp chạy bằng khí tự nhiên lớn nhất từng được xây dựng và vận hành trên thế giới.

Ông Emad Ghaly, Tổng giám đốc của Siemens Ai Cập, khẳng định: “Đây là một thành tựu quan trọng cho đất nước và người dân Ai Cập. Tôi tự hào rằng Siemens đã được chọn để đóng góp cho sự thành công này. Các nhà máy điện trên sẽ cung cấp đủ điện cho 45 triệu người và giúp Ai Cập tiết kiệm được 1,3 tỷ USD chi phí nhiên liệu hàng năm. Với những dự án như thế này, chúng tôi có đóng góp quan trọng để ổn định đồng thời nguồn cung năng lượng và nền kinh tế đất nước, và đây là điều cực kỳ quan trọng đối với toàn bộ khu vực Trung đông và châu Phi.”

Siêu dự án tại Ai Cập chỉ là minh chứng mới nhẩt về những kỷ lục của tập đoàn Siemens trong lĩnh vực điện năng. Mới năm ngoái, Siemens cũng lập nhiều kỷ lục thế giới với Nhà máy điện Duesseldorf ở quê hương mình, và được vinh danh qua các giải thưởng với Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 ở Việt Nam.

Nhà máy điện Duesseldorf

Kỷ lục thế giới mới về công suất và hiệu suất

Vào ngày 22/1/2016, Siemens đã bàn giao nhà máy điện chu trình kết hợp bao gồm một tuabin khí thế hệ H tại Lausward ở khu vực cảng Duesseldorf (Đức) cho khách hàng và cũng là công ty vận hành – Công ty Stadtwerke Düsseldorf AG. Nhà máy xây theo hình thức chìa khóa trao tay đã đạt 3 kỷ lục thế giới. Khi chạy thử tin cậy trước khi bàn giao, tổ máy với tên gọi Fortuna này đã đạt mức công suất điện đầu ra tối đa 603,8 megawatts (MW), xác lập kỷ lục mới cho nhà máy điện chu trình kết hợp cùng loại với cấu hình đơn trục.

Một kỷ lục thế giới mới với 61,5% hiệu suất phát điện tinh cũng đã được xác lập, giúp Siemens phá kỷ lục hiệu suất 60,75% do chính công ty thiết lập vào tháng 5/2011 tại nhà máy điện Ulrich Hartmann tại Irsching ở phía nam nước Đức.

Mức hiệu suất cao giúp nhà máy trở nên đặc biệt thân thiện với môi trường. Thêm vào đó, tổ máy Fortuna có thể cung cấp tới gần 300 MW nhiệt cho hệ thống sưởi ấm của thành phố Dusseldorf – một giá trị đỉnh cao nữa cho một nhà máy được lắp đặt chỉ 1 tuabin khí và 1 tuabin hơi. Điều này giúp đẩy hiệu suất sử dụng nhiên liệu của nhà máy lên đến 85%, đồng thời giảm phát thải CO2 xuống còn chỉ 230 gram cho mỗi kilowatt-giờ.

Sự gia tăng công sất và hiệu suất là kết quả của quá trình phát triển liên tục không ngừng, ví dụ như trong thiết kế các cơ phận, trong vật liệu được sử dụng, trong xây dựng tổng thể nhà máy và trong việc phối hợp các thành phần của nhà máy vận hành hoàn hảo.

Từ phía bên kia bờ sông Rhine, đối diện với nhà máy điện, mức tiếng ồn phát ra đo được nhỏ hơn 25 decibel – yên lặng hơn cả một lời nói thầm.

“Chúng tôi đã tối ưu nhà máy điện cho phép nhà máy có chỗ đứng lý tưởng tại một trong những thị trường điện có yêu cầu cao nhất thế giới. Cùng với công ty Stadtwerke Düsseldorf, chúng tôi đã rất hài lòng với việc nhà máy điện xác lập kỷ lục thế giới mới về hiệu suất”, theo phát biểu của ông Willi Meixner, CEO của Ban Nguồn điện thuộc Siemens AG.

Tuabin khí có thể vận hành ở mức đầy tải trong vòng 25 phút sau khi khởi động nóng, nhờ đó tuabin có thể dự phòng cho sản xuất điện dựa trên năng lượng tái tạo.

Tổ máy Fortuna được bàn giao cho khách hàng trước 19 ngày so với thời hạn trong hợp đồng. Dự án bên bờ sông Rhine cũng là một thành công lớn với việc đảm bảo an toàn cho toàn bộ nhân công tham gia. Không 1 tai nạn nào xảy ra trong tổng cộng hơn 2 triệu giờ làm việc.

Do vị trí tương đối gần so với khu vực nội đô thành phố, cần đặc biệt quan tâm đến việc giảm phát thải xuống mức thấp nhất, cũng như việc tích hợp không gian nhà máy với cảnh quan thành phố, và mức tiếng ồn phát ra nhỏ nhất có thể: từ phía bên kia bờ sông Rhine, đối diện với nhà máy điện, mức tiếng ồn phát ra đo được nhỏ hơn 25 decibel – yên lặng hơn cả một lời nói thầm.

Siemens đã kí hợp đồng cung cấp 76 tuabin khí thế hệ H trên toàn cầu. Với 17 tổ máy đang vận hành thương mại, đội ngũ máy SGT-8000H đã đạt hơn 195.000 giờ vận hành.

Mức hiệu suất 61,5% có ý nghĩa gì với khí hậu

So với mức phát thải trung bình trong sản xuất điện tại tất cả các nhà máy nhiệt điện chạy than trên khắp Liên minh châu Âu, một nhà máy nhiệt điện chu trình kết hợp chạy bằng khí tự nhiên giống như nhà máy trên, với hiệu suất điện đạt 61,5%, về mặt lý thuyết đã giảm khoảng 2,5 triệu tấn khí CO2 hàng năm.

Con số trên tương đương với lượng khí CO2 thải ra từ 1,25 triệu xe ôtô, với mỗi chiếc di chuyển 15.000 km hàng năm.

Nhà máy điện Nhơn Trạch 2

Ổn định, hiệu quả và thân thiện môi trường nhất

Chỉ sau 28,5 tháng xây dựng, ngày 16/10/2011, nhà máy điện chu trình kết hợp Nhơn Trạch 2 được đưa vào vận hành thương mại tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, dự án này đã được xếp hạng cao nhất về độ an toàn, hiệu suất với thời gian xây dựng ngắn nhất và chi phí hiệu quả nhất. Đây là kết quả của sự hợp tác thành công giữa các bên liên quan đến dự án bao gồm Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam và đặc biệt là Tập đoàn Siemens.

Siemens đã cung cấp gói thiết bị chính theo hình thức chìa khoá trao tay cho nhà máy điện Nhơn Trạch 2 bao gồm hai tuabin khí SGT5-4000F, hai lò thu hồi nhiệt, một tuabin hơi SST5-5000, ba máy phát điện làm mát bằng không khí SGen-1000A, và các thiết bị điện, hệ thống điều khiển và đo lường (SPPA-T3000) cũng như các hệ thống phụ trợ liên quan khác. Siemens cũng được tín nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo trì dài hạn cho các thiết bị chính của nhà máy.

Với công suất lắp đặt khoảng 750 Megawatt (MW) và hiệu suất đạt trên 57%, nhà máy điện Nhơn Trạch 2 góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện hiện tại cũng như đáp ứng được nhu cầu về điện ngày càng tăng của Việt Nam.

Ngày 4/10/2012, Nhà máy điện chu trình kết hợp Nhơn Trạch 2 nhận được giải thưởng Vàng ở hạng mục “Nhà máy điện hoàn thành nhanh nhất của năm” tại Lễ Trao giải Năng lượng Châu Á 2012. Giải thưởng Năng lượng Châu Á, được coi như giải “Oscars” trong lĩnh vực công nghiệp điện, được tổ chức hàng năm nhằm ghi nhận những thành tích hàng đầu trong khu vực đối những cố gắng không ngừng để nâng cao chất lượng và hoạt động xuất sắc trong lĩnh vực của mình.

Sau dự án Phú Mỹ 2-1 Mở rộng, Phú Mỹ 3, Cà Mau 1&2, đây là nhà máy điện chu trình kết hợp thứ năm mà Siemens đã thực hiện thành công. Điều này khẳng định vị trí dẫn đầu của Siemens tại Việt Nam trong lĩnh vực nhà máy điện.

Với công suất lắp đặt khoảng 750 Megawatt (MW) và hiệu suất đạt trên 57%, nhà máy điện Nhơn Trạch 2 góp phần giải quyết tình trạng thiếu điện hiện tại cũng như đáp ứng được nhu cầu về điện ngày càng tăng của Việt Nam.

Cho đến thời điểm này nhà máy này vẫn là nhà máy chu trình kết hợp hoạt động ổn định và hiệu quả nhất đồng thời thân thiện với môi trường nhất tại Việt Nam.

Ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc LILAMA (người thứ 3 từ trái qua) tại Lễ Trao giải Năng lượng Châu Á 2012 (Ảnh: Siemens)
Ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc LILAMA (người thứ 3 từ trái qua) tại Lễ Trao giải Năng lượng Châu Á 2012 (Ảnh: Siemens)